Vận dụng nhà nước pháp quyền vào Việt Nam thế nào cho phù hợp

(PLO)- Ở nước ta, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau những hội thảo quốc gia rộng rãi thảo luận các chiều cạnh khác nhau của lý thuyết lẫn thực tiễn, phục vụ cho việc xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, thời điểm này là lúc việc dự thảo đề án, dự thảo nghị quyết của trung ương đi vào thực chất.

Đây là lúc cần một nhận thức sáng rõ, rạch ròi về lý luận nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cho thời gian tới.

Phương Tây, phương Đông và cội nguồn lịch sử

Nhà nước pháp quyền là một khái niệm của phương Tây. Người Anh, Mỹ gọi là “The rule of law” - thượng tôn pháp luật. Người Pháp gọi là “Etat de droit” - nhà nước của pháp luật. Dù lập luận khác nhau nhưng nội dung cốt lõi, nhà nước pháp quyền là một mô thức tổ chức đời sống xã hội, trong đó pháp luật giữ vị trí thống trị.

Ban chỉ đạo xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” họp phiên thứ ba vào chiều 31-5. Ảnh: TTXVN

Ban chỉ đạo xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” họp phiên thứ ba vào chiều 31-5.
Ảnh: TTXVN

Sự thống trị của pháp luật được thể hiện trên hai khía cạnh: Bảo vệ các quyền con người; khống chế quyền lực của người cầm quyền, quyền lực của nhà nước.

Ở đó, quyền lực nhà nước bị hạn chế bởi nhiệm kỳ; bị phân chia ra thành các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp; thành các cấp chính quyền; và sự phân chia ấy để kiểm soát, chế ước lẫn nhau.

Nhưng ngược dòng lịch sử, trước khi hình thành khuôn khổ khái niệm ấy, các nước phương Tây đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo trong hàng trăm năm, với luật nhà thờ và các quy phạm tôn giáo chi phối không chỉ đời sống người dân mà cả vận hành của bộ máy nhà nước.

Nhiều quy phạm pháp luật về quyền con người và đặc biệt về kiểm soát quyền lực của nhà nước có nguồn gốc từ luật của nhà thờ, được Ki-tô giáo áp đặt cho nhà vua. Ki-tô giáo áp đặt được là vì trong lịch sử phát triển của nhiều nước châu Âu, tôn giáo này đã từng có sức mạnh bao trùm nhà nước: Một người muốn lên làm vua phải được nhà thờ phê chuẩn bằng thủ tục đăng quang.

Theo thời gian, kiểm soát quyền lực nhà nước trở thành nhận thức chung của toàn xã hội; giáo lý trở thành nguồn pháp luật, chuyển hóa thành nguyên tắc nhà nước pháp quyền phương Tây và vận hành nhuần nhuyễn trên thực tế.

Ở các nước phương Đông thì không như vậy. Nguồn pháp luật mạnh nhất là lệnh vua ban chứ không phải tôn giáo, nhà thờ. Mà vua thì không ra luật khống chế quyền lực chính mình.

Điều đó không chỉ đúng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… mà còn là thực tiễn lịch sử nước Nga, vốn trải qua thời phong kiến với nhà nước tập quyền mạnh. Ở những xứ ấy, nhà nước pháp trị có sức sống mạnh mẽ và hiệu quả, kể cả sau này giao thoa với lý thuyết nhà nước pháp quyền phương Tây.

Hai mặt của tấm huy chương

Mọi tấm huy chương đều có hai mặt, nhà nước pháp quyền theo khuôn khổ khái niệm của phương Tây cũng vậy.

Những quyền con người được đề cao và bảo đảm như quyền tự do tài sản, quyền tự do khế ước, quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo… là rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển và đạt được sự giàu có. Tuy nhiên, một số quyền khác nếu bị lạm dụng trong điều kiện lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội khác lại hoàn toàn có thể tạo ra bất ổn, can qua và đổ vỡ. Kinh nghiệm của Mùa xuân Ả Rập, thậm chí của nước Nga hậu Xô viết cho thấy rất rõ điều đó.

Việc khống chế quyền lực nhà nước bằng cách phân quyền và buộc các quyền lực nhà nước kiểm soát lẫn nhau cũng vậy. Một mặt, cách làm này giúp chống lại sự lạm quyền, nhờ đó bảo vệ được quyền con người. Nhưng mặt khác, việc quyền lực bị phân mảng, sẵn sàng phủ quyết nhau một cách vô tận lại hoàn toàn có thể làm cho nền quản trị quốc gia trở nên bế tắc, quy trình ban hành quyết định trở nên khó khăn, tốn kém.

Ngoài ra, các nhà lý thuyết về phân quyền còn “chưa cập nhật” một điều rất quan trọng khác. Đó là các quyền con người bị xâm hại không chỉ bởi nhà nước ở quốc gia đó mà còn bởi rất nhiều chủ thể khác, trong đó có cả các nhà nước ngoại bang, các tập đoàn đa quốc gia cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Trong bối cảnh như vậy, một nhà nước yếu vì quyền lực bị phân chia thì khó có thể đứng ra bảo vệ và tạo điều kiện để các quyền con người được thực thi.

Những nhận thức quan trọng và thực tiễn Việt Nam

(1) Nhà nước pháp quyền theo khuôn khổ khái niệm phương Tây cần những điều kiện lịch sử và văn hóa nhất định để hình thành. Không có các điều kiện đó hoặc các điều kiện đó chưa hội đủ, việc xây dựng nhà nước pháp quyền là rất khó khăn.

(2) Nhà nước pháp quyền có ưu điểm rất lớn nhưng cũng có những nhược điểm không hề nhỏ. Nhiều nước đã trở nên giàu có và phát triển nhờ đi theo mô hình nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, số quốc gia theo mô hình này mà vẫn nghèo đói, bất ổn cũng không hề ít.

Các chuẩn mực về nhà nước pháp quyền phương Tây là rất có giá trị, tuy nhiên cần phải áp dụng chúng phù hợp với văn hóa và mức độ phát triển của từng quốc gia. Tuyệt đối hóa mọi chuẩn mực nhà nước pháp quyền phương Tây không nhất thiết là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp cho những cố gắng đổi mới và cải cách thể chế ở nước ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

(3) Để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cần phát huy ưu điểm nhưng đồng thời khắc phục những hạn chế của mô hình nhà nước pháp quyền theo khuôn khổ khái niệm của phương Tây, chú ý tới điều kiện lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của xứ mình. Kinh nghiệm chung cho thấy việc tiếp thu các mô hình, các chủ thuyết của nước ngoài một cách thiếu cân nhắc, thiếu chọn lọc là rất rủi ro.

(4) Cố gắng xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo khuôn khổ khái niệm của nước ngoài có thể sẽ là “gọt chân cho vừa giày”. Vậy nên, hợp lý hơn và thiết thực hơn là cần nhận biết những vấn đề đang đặt ra cho nền quản trị quốc gia và tìm cách áp dụng những chuẩn mực phù hợp của nhà nước pháp quyền để giải quyết.

Quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nếu tính từ năm 2001, khi Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung, lần đầu ghi nhận “nhà nước pháp quyền” phản ánh đầy đủ những nhận thức nêu trên.

Các quyền con người cần thiết cho sự phát triển kinh tế và sự thịnh vượng của quốc gia đã được mở rộng và bảo đảm ngày một đầy đủ hơn. Điển hình là quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Hiến pháp 2013).

Những quyền con người mà nếu bị lạm dụng thì dễ gây ra bất ổn và can qua, vẫn được ghi nhận nhưng mở ra từ từ, phù hợp với truyền thống văn hóa và mức độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chúng ta cam kết bảo đảm ngày càng đầy đủ tất cả quyền con người. Tuy nhiên, toàn bộ sự anh minh nằm ở khả năng phân kỳ để mọi chuyện diễn ra trong sự ổn định và phát triển bền vững.

Về khống chế quyền lực cũng vậy. Từ gọi tên các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (2001) đến khẳng định có “kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước” (2013) thì vẫn nhất quán nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất”, tuy có “phân công” nhưng cũng luôn có “phối hợp”. Đây là những thực tế không thể bỏ qua.

Tiếp tục củng cố các nguyên tắc kiểm soát quyền lực của đảng

Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam với đặc trưng thể chế một đảng duy nhất cầm quyền thì trên hết phải củng cố và đảm bảo trên thực tế các quyên tắc cơ bản trong hoạt động của Đảng.

Đó là nguyên tắc tập trung, dân chủ; là Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban chấp hành Trung ương Đảng hoạt động theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số; là các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng hằng năm đều phải kiểm điểm hoạt động của mình, báo cáo với Ban chấp hành Trung ương; là Ban chấp hành Trung ương có quyền giám sát và bỏ phiếu tín nhiệm đối với tất cả lãnh đạo cấp cao của Đảng…

Đây là những phương thức giám sát quyền lực thiết thực nhất và đang được triển khai trên thực tế ở nước ta.

Vận hành các phương thức này ngày càng hiệu quả chính là cách kiểm soát quyền lực có ý nghĩa nhất, phù hợp nhất với thực tiễn đất nước hiện nay cũng như nhiều năm tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm