Kiểm soát quyền lực - sứ mệnh lớn nhất của ‘chủ nghĩa hiến pháp’

(PLO)- Vai trò trọng yếu của “chủ nghĩa hiến pháp” là việc giới hạn quyền lực nhà nước, chống lại sự lộng quyền để bảo vệ quyền lợi đáng phải có của dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 30-5, Hội thảo Khoa học “Luật Hiến pháp Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại” được tổ chức tại Hà Nội. Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đề cập đến chủ nghĩa hiến pháp và nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Hội thảo Khoa học “Luật Hiến pháp Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại”. Ảnh: M.T

Hội thảo Khoa học “Luật Hiến pháp Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại”. Ảnh: M.T

Theo GS.TS Nguyễn Đăng Dung, chủ nghĩa hiến pháp là một phần của nhà nước pháp quyền. Vai trò trọng yếu của “chủ nghĩa hiến pháp” là việc giới hạn quyền lực nhà nước, chống lại sự lộng quyền để bảo vệ quyền lợi đáng phải có của dân.

Với một xã hội đang phát triển và chuyển đổi từng ngày như hiện nay, chủ nghĩa hiến pháp nhấn mạnh vai trò của nhà nước với người dân trong trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo vệ nhân quyền…

Cũng theo ông Dung, hiến pháp nước ta hiện nay đã thừa nhận nhà nước pháp quyền thì phải kèm thừa nhận “chủ nghĩa hiến pháp”. Nếu “chủ nghĩa hiến pháp” không được đề cập trong “nhà nước pháp quyền” thì sẽ là một khiếm khuyết lớn.

Chủ nghĩa hiến pháp quy định cách thức nhà nước phải làm gì và nhà nước phải làm như thế nào, tập trung theo hướng giới hạn quyền lực. Điều lớn nhất mà “chủ nghĩa hiến pháp” mang lại là chế ước, kiểm soát quyền lực nhà nước, ở mọi cấp, mọi nơi nhằm bảo vệ quyền lợi của nhân dân.

Kiểm soát quyền lực cần phải được quy định, thể chế hóa với một trình tự thủ tục dứt khoát, không thể nói một cách chung chung trừu tượng. Bởi rõ ràng thiết lập bộ máy quyền lực nhà nước là rất cần nhưng người ta luôn băn khoăn về sự độc tài quyền lực cho nên phải có hệ thống quy định chế ước quyền lực ấy.

“Người dân trao cho anh quyền lực, chức vụ thì phải có cơ sở kiểm soát quyền lực của anh. Nếu không những tài nguyên đáng lẽ của người dân được hưởng lại thuộc về một thế lực quyền lực nào đó”, GS.TS Đăng Dung nhấn mạnh.

Chính vì thế cần phải có một giới hạn kiểm soát quyền lực như: trách nhiệm, giải trình, từ chức. Ở nước ta hiện nay, các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đã được xác lập và thể chế hóa, tuy nhiên tính hiệu lực, hiệu quả của nó trong thực tiễn vẫn còn không ít hạn chế, dẫn đến những hiện tượng tha hóa quyền lực, tham nhũng… vẫn diễn ra. Do đó, việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đang đặt ra cấp thiết.

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là một tập hợp các quy định, luật lệ do các chủ thể quyền lực đưa ra nhằm bảo đảm quyền lực được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Có thể kể đến ba cơ chế chính trong kiểm soát quyền lực nhà nước hiện nay là: Sự tự kiểm soát của người cầm quyền; sự kiểm soát giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước; sự kiểm soát của xã hội.

Bàn về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và phát triển chủ nghĩa hiến pháp, PGS.TS Đỗ Minh Khôi cho biết: Trước mắt chúng ta cần liên tục hội nhập thế giới, học hỏi các quốc gia trên thế giới nhằm tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp; Hình thành Bộ tiêu chí đánh giá nhà nước pháp quyền bằng nhiều chỉ số.

Chẳng hạn, thể chế đại nghị kiểu Anh áp dụng mô hình phân quyền “mềm dẻo”; thể chế cộng hòa tổng thống kiểu Mỹ áp dụng mô hình phân quyền “cứng rắn”; thể chế cộng hòa bán tổng thống kiểu Pháp áp dụng mô hình phân quyền “hỗn hợp”. Dù được thiết kế theo mô hình nào, ý tưởng chủ đạo của các thể chế đó đều dựa trên nguyên lý: Dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực, dùng quyền cưỡng chế này để kiểm soát quyền cưỡng chế khác, khiến cho những người nắm giữ quyền lực công, dù vị kỷ hay tư lợi, cũng không thể lạm quyền

Ngoài ra, theo ông Khôi, nước ta cũng cần mở rộng nghiên cứu nhà nước pháp quyền tại Việt Nam; đảm bảo sự độc lập tư pháp, cân bằng giữa pháp lý và chính sách; kết hợp nghiên cứu pháp lý và chính trị. Đặc biệt, các nhà khoa học hiện nay cần phát triển nghiên cứu định lượng và tính toán một cách cụ thể, mọi thứ không thể chung chung trừu tượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm