Đây là kiến nghị được cử tri quận Lê Chân, TP. Hải Phòng gửi đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tại cuộc tiếp xúc cử tri trước kì họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 14-5.
Cử tri Phạm Tiến Du, Vũ Đình Thắng (phường Trần Nguyên Hãn) đánh giá cao hoạt động của Quốc hội khoá XV. Trong bối cảnh đại dịch COVID - 19, Quốc hội khoá XV đã hoạt động hết sức hiệu quả, tích cực, ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế, cho cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh...
Cử tri quận Lê Chân cũng nêu một số kiến nghị cụ thể liên quan đến công tác xây dựng pháp luật nói chung và hoàn thiện pháp luật về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nói riêng; chấn chỉnh "căn bệnh" trầm kha về giải ngân đầu tư công chậm...
Cử tri mong muốn, Quốc hội tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng các văn bản pháp luật, bảo đảm luật có sức sống lâu dài, ổn định; tăng cường giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, tiến tới chấm dứt tình trạng “lách luật” trong đời sống xã hội hiện nay.
Đại diện cử tri quận Lê Chân, TP Hải Phòng đề nghị cần có cơ quan chuyên trách của Quốc hội về soạn thảo các văn bản luật, khắc phục tình trạng cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ ngay trong quá trình soạn thảo. Ảnh: DOÃN TẤN |
Cử tri quận Lê Chân cũng đề nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật thật chặt chẽ, nghiêm minh, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước hiệu quả.
Từ đó, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, ngăn ngừa vi phạm, để các tập thể, cá nhân “không thể, không muốn, không dám tham nhũng”; rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, thể chế kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tổ chức.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, những kết quả đạt được thời gian qua là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự phối hợp rất "đều tay", "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" và sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cả nước.
Quý I năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,03%, lạm phát được kiểm soát tốt dù giá lương thực, giá năng lượng trên thế giới đều tăng cao.
Về bảo đảm “tuổi thọ” lâu dài của luật và cơ chế kiểm soát quyền lực, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiệm kì Quốc hội khoá XV là nhiệm kì đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội đã rà soát, xây dựng và trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW (Định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá XV và Đề án về định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá XV).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giải đáp những kiến nghị của cử tri. Ảnh: DOÃN TẤN |
Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch chi tiết để chủ động triển khai thực hiện, có dự án đến năm 2025 mới trình Quốc hội xem xét nhưng hiện đã giao rõ cho các cơ quan chủ trì tiến hành nghiên cứu, soạn thảo.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, hệ thống pháp luật phải tiếp tục hoàn thiện để cá nhân, tổ chức “không thể, không muốn và không dám tham nhũng”. Trong đó, "Không thể thì hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, không có sơ hở. Không muốn thì chế độ, chính sách đãi ngộ, tiền lương phải thoả đáng. Không dám thì chế tài phải đủ mạnh, tính răn đe, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm.
“Tại Hội nghị Trung ương vừa qua đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này"- Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.
Cử tri TP Hải Phòng mong muốn cơ quan chức năng hoàn thiện pháp luật về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng. Ảnh: DOÃN TẤN |
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực, số lượng văn bản hướng dẫn bị nợ đọng đã giảm rất nhiều nhưng "vẫn phải cố gắng hơn nữa".
Cùng với tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ điểm yếu vừa qua là khâu tổ chức thực thi pháp luật. Do đó, lần này, công tác hướng dẫn, tổ chức, triển khai thực thi pháp luật được đặc biệt chú trọng.
Để bảo đảm văn bản hướng dẫn phải bám sát quy định của Luật, khắc phục tình trạng văn bản dưới luật chồng chéo, mâu thuẫn, Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật.
"Trước đây chủ yếu giám sát về thời hạn ban hành có đáp ứng yêu cầu của luật hay không, bây giờ sẽ tập trung giám sát cả nội dung, chất lượng của các văn bản hướng dẫn".
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng hướng dẫn, yêu cầu Hội đồng Nhân dân các địa phương cũng phải có chương trình xây dựng nghị quyết 5 năm, không "ăn đong", không chờ UBND trình cái gì xem xét cái đó; Đồng thời, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương.
Sớm triển khai sửa Luật Đất đai
Đề cập đến Luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn và nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Đất đai theo đúng tinh thần Nghị quyết mới của Trung ương.
Các cơ quan có thể trình Quốc hội xem xét theo quy trình tại 3 kì họp để bảo đảm chất lượng tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của Trung ương và thực tiễn cuộc sống đặt ra. Trong quá trình đó, phải xây dựng đồng bộ các nghị định hướng dẫn thi hành luật để khi luật ban hành thực thi được ngay.
Phải đổi mới cách thức dạy và học lịch sử
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Văn hoá, Giáo dục chủ động tổ chức, nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia về môn học lịch sử.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề nghị của cử tri quận Lê Chân về việc phải đổi mới cách thức dạy và học lịch sử nhằm bảo đảm “dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
"Đây là vấn đề rất lớn, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đang làm việc rất tích cực. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ cũng sẽ có báo cáo về vấn đề này để tiếp tục rà soát, đánh giá, nghiên cứu, bởi việc học, hiểu rõ về lịch sử có ý nghĩa hệ trọng đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc"- Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.