Thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư vành đai 3

(PLO)- Chính phủ đề xuất chín cơ chế chính sách đặc thù cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM, tuy nhiên cơ quan thẩm tra không đồng ý một số cơ chế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 12-5, tại phiên họp thứ 11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Tại đây, cơ quan thẩm tra bày tỏ quan điểm không đồng ý một số cơ chế chính sách đặc thù do Chính phủ đề xuất đối với dự án này.

Các lưu ý về cơ chế đặc thù

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết Chính phủ đề xuất chín cơ chế đặc thù cho dự án. Tuy nhiên, UBKT đề nghị Chính phủ lưu ý các cơ chế, chính sách đặc biệt cần gắn với đặc điểm riêng của từng dự án, tránh sao chép các cơ chế, chính sách đã áp dụng đối với các dự án khác. Từ đó biến cơ chế, chính sách đặc biệt thành phổ biến, làm ảnh hưởng đến tính thống nhất và giá trị, hiệu lực áp dụng chung của pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12-5. Ảnh: Đ.MINH

Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12-5.
Ảnh: Đ.MINH

Với cách tiếp cận này, UBKT đề nghị Chính phủ không thực hiện cơ chế cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách trung ương và vốn địa phương để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Nguyên nhân chưa phù hợp nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.

Cạnh đó một số ý kiến bày tỏ quan ngại với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để địa phương vay đầu tư dự án trong giai đoạn 2024-2025 và hoàn trả trong giai đoạn 2026-2030, bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Trái phiếu Chính phủ phát hành có kỳ hạn dài và phải trả lãi hằng năm, trong khi đó nguồn khai thác quỹ đất của địa phương phụ thuộc vào hiệu quả triển khai dự án và thị trường. Trường hợp dự án bị kéo dài, phương án tài chính không bảo đảm sẽ không có nguồn để trả nợ gốc, lãi vay...” - chủ nhiệm UBKT nêu rõ.

UBKT cũng cho rằng cơ chế chỉ định thầu chỉ được áp dụng đối với gói dự án thuộc phạm vi Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Vì vậy để tuân thủ pháp luật, bảo đảm tính cạnh tranh và môi trường đầu tư nói chung, đề nghị Chính phủ thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp cần thiết chỉ cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với một số gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ngoài ra, UBKT cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ một số cơ chế khác, đặc biệt là cơ chế về cung cấp nguồn vật liệu cho dự án. “Vì việc không lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường có thể sẽ gây ra những hậu quả không thể lường trước được, nhất là việc khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông, dễ dẫn đến sạt lở bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân...” - ông Vũ Hồng Thanh nói.

Các địa phương đã bàn rất kỹ

Trình bày sau đó, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng dự án đường vành đai 3 TP.HCM có khối lượng công việc lớn, thời gian thi công gấp, đến năm 2025 cơ bản thông xe. Nếu áp dụng các quy định thông thường rất khó hoàn thành đúng yêu cầu. Trong khi việc hoàn thành đưa vào sử dụng sớm dự án này không chỉ có ý nghĩa đối với TP.HCM, các địa phương có dự án mà còn đối với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...

Việc hoàn thành đưa vào sử dụng sớm dự án này không chỉ có ý nghĩa đối với TP.HCM, các địa phương có dự án mà còn đối với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...

Vì vậy, TP.HCM mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội cho áp dụng các cơ chế đặc thù. “Ở đây chúng tôi xin được áp dụng cơ chế đặc thù trong toàn bộ thời gian triển khai dự án đường vành đai 3 chứ không chỉ trong hai năm (2022-2023) như Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” - ông Phan Văn Mãi nói.

Về cơ chế chỉ định thầu, chủ tịch TP.HCM cũng thống nhất là cái gì đã có quy định của pháp luật rồi, nếu chỉ định thì nhiều khi dẫn đến không minh bạch, bất bình đẳng. Tuy nhiên, địa phương đề nghị chỉ định thầu cho các gói tư vấn, đặc biệt là tư vấn trong thống kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án này.

Còn chỉ định thầu xây dựng ông Phan Văn Mãi khẳng định các địa phương sẽ hạn chế đến mức thấp nhất. “Về cơ bản đấu thầu toàn bộ các gói thầu về xây dựng để bảo đảm tính minh bạch, bình đẳng, hạn chế tiêu cực…” - chủ tịch TP.HCM nói.

Lãnh đạo TP.HCM cũng khẳng định đã tính toán kỹ việc làm thêm tuyến đường song hành với cao tốc. Cụ thể, chỉ xây dựng đường song hành ở những đoạn có dân cư đông như TP Thủ Đức, Thuận An, Dĩ An, Củ Chi... Vì đây là đường cao tốc đô thị, nên việc có các đường song hành rất quan trọng. “Chúng ta không vì ít tiền, khó khăn ngân sách mà tiết kiệm chỗ này. Mai mốt chúng ta đầu tư có khi còn tốn kém hơn mà không phát huy được đồng bộ” - chủ tịch TP.HCM lý giải.

Về đề xuất Chính phủ phát hành trái phiếu cho các địa phương vay lại, TP.HCM khẳng định mục đích là đỡ phải cân đối đầu tư công của trung hạn kỳ này... Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận các địa phương thực hiện việc này các tỉnh sẽ tuân thủ...

Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư đường vành đai 3, vì dự án này rất cấp thiết. Cạnh đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu, giải trình thỏa đáng các ý kiến của cơ quan thẩm tra, đại biểu.

Về phát hành trái phiếu, Chủ tịch Quốc hội khẳng định thực hiện theo quy định pháp luật. “Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được sao chính quyền địa phương không làm được. Quá trình làm có gì khó khăn, vướng mắc, bộ, ngành tập trung tháo gỡ hoặc báo cáo Quốc hội, Thường vụ Quốc hội sau cũng không muộn. Nên làm như thế để hình thành thị trường vốn đồng khắp từ trung ương xuống địa phương...” - Chủ tịch Quốc hội kết luận.•

Dự án đường vành đai 3 giai đoạn 1 dài hơn 76,34 km, có vốn đầu tư sơ bộ khoảng 75.378 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, tái định cư 41.589 tỉ đồng. Dự án đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương và địa phương, trong đó trung ương bố trí 50% tổng mức đầu tư ở các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai; 75% tổng vốn đầu tư các dự án thành phần địa bàn tỉnh Long An.

Dự án đầu tư tuyến chính cao tốc quy mô bốn làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Đường song hành được làm từ 2-3 làn xe. Dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025, thông xe và sử dụng vào năm 2026, quyết toán năm 2027.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm