Việt Nam là một dân tộc thích ca hát. Trong chiến tranh khốc liệt nhất nhưng tiếng hát vẫn vang vọng khắp nơi, huống chi thời bình. Và karaoke đã nhanh chóng bắt rễ ở Việt Nam. Karaoke nhanh chóng được các quán bia ôm khai thác, phối hợp bia ôm với karaoke thành karaoke ôm.
Hiện nay tệ nạn karaoke ôm giảm tối đa. Cầu không còn thì cung cũng hết. Karaoke dạng lành mạnh lại phát triển. Bạn bè, đồng nghiệp ăn uống, nhậu nhẹt xong thường kéo nhau đi hát karaoke, hoặc gia đình sau khi ăn cũng rủ nhau đi hát karaoke. Nhiều người lại thích mua dàn karaoke để hát tại nhà. Và đây là tiền đề cho bao nỗi khổ bị tra tấn bởi dàn âm thanh karaoke nhà hàng xóm mở hết cỡ. Do karaoke có bảng cho điểm, chỉ cần la lớn, hét to là được chấm điểm cao nên nhiều người thích hát lớn! Ngay cả các vùng quê, thậm chí vùng sâu, vùng xa, hát karaoke ì xèo cũng là chuyện thường ngày, còn xôm tụ hơn cả thành phố.
Vừa rồi tôi xuống Cà Mau có công việc, nhân tiện thăm một người bạn. Anh bạn đang tiếp mấy đồng nghiệp đến bàn bạc công việc gì đó. Anh lấy chai rượu quý mà anh cất kỹ rót mời mỗi người một ly nhâm nhi với tôm khô, mực nướng. Đang lúc một ông bác sĩ bạn anh sôi nổi phân tích cái lợi, cái hại của việc ngâm quá nhiều động vật như rắn, bìm bịp, tắc kè… vào rượu gọi là rượu bổ, đôi khi lợi bất cập hại. Chợt nhà hàng xóm mở hát karaoke vặn loa hết cỡ chát chúa làm mọi người phải nói chuyện như gào. Buổi trưa nhưng người hàng xóm chẳng cần quan tâm gì đến ai. Anh bạn tôi bảo nhiều lần đã nhắc nhở, thậm chí đã nhờ công an khu vực can thiệp nhưng rồi đâu lại vào đó, đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Tiệc nhỏ tại nhà đành phải tan hàng, kéo nhau ra quán. Tôi xin phép không tham gia vì phải theo thằng em họ xuống nhà nó ở thị trấn Sông Đốc, thuộc huyện Trần Văn Thời. Đây là thị trấn cửa biển khá giàu có, nhà cửa san sát, quán cà phê, quán nhậu, quán karaoke bên nhiều nhà máy chế biến hải sản nồng nặc mùi cá tôm. Chú em tôi bảo dân khắp nơi về đây làm nghề biển khá đông, sau mỗi chuyến đi biển về, tiền bạc rủng rỉnh nên họ ăn chơi nhậu nhẹt, ca hát thâu đêm suốt sáng. Trời vừa nhá nhem đông đảo thanh niên chạy xe máy ào ào vào các quán ăn nhậu, hát karaoke ồn ào hết cỡ. Nhà chú em tôi gần một quán karaoke nên tôi phải nhét bông vào lỗ tai để giỗ giấc ngủ ở nơi lạ nhưng âm thanh chát chúa vẫn không buông tha. Hôm sau tôi đi tàu cao tốc Sông Đốc - Rạch Giá, ghé bến thị trấn Thới Bình, một thị trấn hiền hòa khác hẳn không khí náo nhiệt của thị trấn biển Sông Đốc nhưng lại có điểm chung là quán karaoke khắp nơi. Chỉ một đoạn đường ngắn mấy trăm mét gần quán cà phê Điểm Hẹn mà có đến hơn chục quán cà phê, quán karaoke. Buổi tối ở thị trấn rất êm đềm, chỉ có tiếng hát từ các quán karaoke vang vọng dài suốt con đường…
Người Nhật đúng là bậc thầy trong việc nắm bắt thị hiếu con người. Hình như con người ai cũng thích ca hát và nghe hát ca. Có khi chỉ là nghêu ngao một vài câu của bài hát mà mình yêu thích. Trước khi có karaoke, hãng Sony của Nhật cũng đã cực kỳ thành công với loại máy nghe nhạc bỏ túi Walkman lan tràn khắp thế giới trong một thời gian ngắn, chỉ khi karaoke ra đời, Walkman mới chìm vào dĩ vãng. Nghe hát thích thật nhưng được hát còn thích hơn vì mình chủ động và cả kích động người khác cùng hát. Có điều hát làm sao để mang lại niềm vui và sự phấn khích cho nhiều người chứ không nên tra tấn người khác bằng thứ âm thanh chát chúa. Đó cũng có thể coi là văn hóa karaoke.