2021, thoáng trong quản lý biểu diễn nghệ thuật

Từ 1-2-2021, Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động biểu diễn (Nghị định 144) sẽ có hiệu lực. Với những điểm mới được xem là thay đổi lớn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Nghị định 144 đang mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển lĩnh vực này.
10 năm phát triển của nghệ thuật biểu diễn
10 năm trước, lĩnh vực biểu diễn bắt đầu phát triển và cần một bộ khung để quản lý được tốt hơn thay cho những quy chế trước đó. Sau nhiều dự thảo, năm 2012 Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu được ban hành.
Đây là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất của lĩnh vực này. Sau đó, Nghị định 79 tiếp tục được sửa đổi thành Nghị định 15/2016/NĐ-CP.
Tuy nhiên, sau năm năm sửa đổi, dường như Nghị định 15 lẫn 79 không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của NTBD. Đơn cử vẫn có rất nhiều vấn đề về việc quản lý xảy ra: Cấp phép ca khúc trước năm 1975 và hải ngoại bất nhất; cấp phép cho nghệ sĩ hải ngoại về biểu diễn nhỏ giọt, định kỳ; người đẹp, hoa hậu liên tục thi chui vì nghị định không sát thực tế…
Vì thế, từ cuối năm 2018 khi Cục NTBD, Bộ VH-TT&DL bắt đầu soạn thảo nghị định mới trong lĩnh vực hoạt động biểu diễn để thay thế hai nghị định cũ trong lĩnh vực này, nhiều ý kiến đã được cục tiếp thu.
Nghị định 144 sắp áp dụng trong lĩnh vực này được xem là cởi mở nhất từ trước đến nay trong biểu diễn nghệ thuật. Các vấn đề khúc mắc phần nào đã được giải quyết: Bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975 và hải ngoại; bỏ việc cấp phép cho nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn; không cần giải thưởng trong nước vẫn dự thi hoa hậu quốc tế, cho phép sử dụng bản ghi âm thay cho giọng thật (hát nhép)…

Nghệ sĩ hải ngoại sẽ dễ dàng về nước biểu diễn khi bỏ cấp phép biểu diễn theo Nghị định 144 áp dụng từ ngày 1-2-2021. Ảnh: QUỲNH TRANG

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đang lấy ý kiến có quy định về việc phát hành phim trên không gian mạng. Trong đó đáng chú ý doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phải có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. 
Bỏ tất cả xin - cho
Nghị định mới ở góc độ nào đó giúp cho việc quản lý được đơn giản, thông thoáng hơn và hơn cả, những quy định, từ ngữ được dùng trong Nghị định 144 không còn là ngôn ngữ “xin - cho”. Nghị định mới không còn các cụm từ “giấy phép”, “cấp phép”… mà tất cả là “thông báo”, “đề nghị” và “chấp thuận”… Như ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục NTBD, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM: “Nghị định cố gắng làm sao đảm bảo yếu tố quyền con người của hiến pháp, bên cạnh đó là sự thông hiểu với những nghệ sĩ, làm sao để những người làm trong lĩnh vực sáng tạo có cá tính riêng biệt không bị tổn thương bởi quy tắc quản lý”.
Song song với lĩnh vực NTBD, lĩnh vực điện ảnh cũng đang được xúc tiến để ban hành một dự thảo hoàn chỉnh về Luật Điện ảnh sửa đổi. 
Bốn vấn đề mới của dự thảo Luật Điện ảnh
Luật Điện ảnh đầu tiên ra đời năm 2006, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2007. Đây là luật đầu tiên trong lĩnh vực NTBD. Luật Điện ảnh áp dụng đến năm 2009 thì có sửa đổi trở thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.
Sau lần sửa đổi, hơn 10 năm áp dụng, lĩnh vực điện ảnh đã có những phát triển thì luật không còn phù hợp. Vào chiều cuối cùng của năm 2020, 31-12, dự thảo lần 4 của Luật Điện ảnh sửa đổi đã được Chính phủ đăng tải lấy ý kiến. Trong đó đáng chú ý bốn lĩnh vực mà Luật Điện ảnh chưa theo kịp sự phát triển của điện ảnh.
Thứ nhất, Luật Điện ảnh chưa quy định việc lưu trữ, sử dụng, khai thác với mục đích bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục đối với phim kỹ thuật số. 
Thứ hai, Luật Điện ảnh chưa quy định cơ chế nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất phim của các doanh nghiệp Việt Nam, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam. 
Thứ ba, Luật Điện ảnh hiện hành chưa quy định được chính sách (hay hàng rào kỹ thuật) để bảo vệ điện ảnh dân tộc, hạn chế tác động bất lợi của các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương mà Việt Nam đã ký kết với các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hiệp định thương mại WTO.
Thứ tư, Luật Điện ảnh chưa quy định cụ thể đến phương thức phát hành phim qua vệ tinh, trên Internet đối với các nhà phát hành có máy chủ đặt tại Việt Nam, cũng như chưa đề cập đến phương thức phát hành phim xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, việc kiểm duyệt phim lâu nay là rào cản các nhà làm phim, phát hành phim cũng được đưa ra nới lỏng hơn. Cụ thể, sẽ tăng phần hậu kiểm, giao về các cơ quan quản lý địa phương trong việc cấp phép phổ biến phim.

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi bỏ C21

Tại buổi hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi ở TP.HCM vào tháng 12-2020, nhiều vấn đề được nêu ra, trong đó nổi bật là việc phân loại phim theo độ tuổi đang có những đề nghị mới.

Cụ thể, ngoài các phân loại phim theo độ tuổi như trước đây gồm: P (mọi đối tượng khán giả), C13 (không phổ biến cho khán giả dưới 13 tuổi), C16 (không phổ biến cho khán giả dưới 16 tuổi) và C18 (không phổ biến cho khán giả dưới 18 tuổi) thì dự thảo đã thêm hai loại khác gồm: PG (cho phép trẻ em dưới 13 tuổi xem phim C13 với cha, mẹ hoặc người giám hộ) và C21 (không phổ biến cho khán giả dưới 21 tuổi).

Với phân loại C21, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, đã giải thích: “Đây là những bộ phim tăng cấp độ hơn C18. Ở C21 sẽ là những phim như C18 nhưng cấp độ cảnh bạo lực, kinh dị, cảnh nhạy cảm… cao hơn. Đối tượng xem phim này trưởng thành hơn và có thể đáp ứng với những cấp độ cao hơn”.

Tuy nhiên, trong dự thảo lần 4 của Luật Điện ảnh sửa đổi, phân loại C21 đã bị bỏ và chỉ có loại C: Phim không phổ biến đến mọi đối tượng khán giả. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm