Cho ca sĩ hát nhép: Quy định gây tranh cãi

Nghị định 144/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động biểu diễn vừa ban hành ngày 14-12 vừa qua và sẽ áp dụng từ ngày 1-2-2021 cho phép sử dụng bản ghi âm thay cho giọng thật (hát nhép). Điều này đã gây ra nhiều phản ứng từ các nhạc sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn…
Trong nghệ thuật biểu diễn, hai nghị định cũ là khung pháp lý cho lĩnh vực này gồm: Nghị định79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP.
Phản đối hát nhép và không cần quản lý việc này
Từ cuối năm 2018, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL đã bắt đầu soạn thảo nghị định mới và từ ngày 1-2-2021, Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động biểu diễn sẽ thay thế hai nghị định cũ.
Suốt những ngày qua, vấn đề bỏ hát nhép của Nghị định 144 rất được giới chuyên môn lẫn khán giả quan tâm.
Cụ thể, tại điểm D khoản 2 Điều 6 Những quy định cấm của Nghị định 79, cấm “Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn”. Điều này đã biến mất khỏi Nghị định 144 cũng đồng nghĩa với việc hát nhép (sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật) và đàn nhái (thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn) lên ngôi.
Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật có trường hợp là hát nhép (chỉ nhép môi) và có trường hợp là hát đè (hát thật trên bản thu có giọng hát). Với Nghị định 79 thì hát nhép hay hát đè cũng đều được hiểu là sử dụng bản ghi âm thay giọng thật. 
Thực tế, dù nghị định cấm nhưng rất nhiều chương trình vẫn sử dụng bản ghi âm thay cho giọng thật, sử dụng bản ghi thay cho âm thanh thật. Hầu hết chương trình truyền hình trực tiếp, các liveshow lớn cần đảm bảo chất lượng âm thanh đều ngang nhiên sử dụng bản ghi âm sẵn dù nghị định cấm. 
Trong vai trò là tổng đạo diễn rất nhiều liveshow ca nhạc, âm nhạc có truyền hình trực tiếp lẫn thu hình, đạo diễn Trần Vi Mỹ khẳng định anh phản đối việc hát nhép. “Hát nhép chỉ phù hợp với chương trình truyền hình trực tiếp bởi ngoài yếu tố đảm bảo sóng thì hiện nay, về mặt kỹ thuật chất lượng âm thanh qua truyền hình trực tiếp rất tệ dù âm thanh tại sân khấu, tại chỗ rất hay.

Khi biểu diễn sử dụng quá nhiều vũ đạo thì rất khó có thể hát thật.
Trong ảnh: Ca sĩ Chi Pu đang biểu diễn. Ảnh: HẢI HÀ

Chính vì thế, êkíp thực hiện truyền hình trực tiếp phải thêm một bước là cho phép hát nhép và xử lý âm thanh. Tuy nhiên, theo tôi, trong vai trò đạo diễn, tôi tuyệt đối không cổ súy hát nhép, ngay cả mở bản nhạc nền thu sẵn tôi đã không thích. Với tôi, những chương trình nghệ thuật đúng nghĩa phải chơi trực tiếp với ban nhạc, dàn nhạc…
Giá trị của người nghệ sĩ là chạm đến trái tim công chúng và chính nghệ sĩ có tự trọng nghề nghiệp của mình thì sẽ không sử dụng những bản ghi âm sẵn. Cơ quan quản lý văn hóa không cần phải “ra tay” cấm đoán việc này mà chính khán giả sẽ đào thải họ. Khi khán giả đã không tin một nghệ sĩ nào thì đừng mong họ chọn tiếp tục đồng hành. Tôi vẫn tin khán giả trẻ giờ họ văn minh hơn và không chấp nhận đồ giả” - đạo diễn Trần Vi Mỹ nói.

Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động biểu diễn vừa ban hành ngày 14-12 vừa qua và sẽ áp dụng từ ngày 1-2-2021 có các điểm mới: Bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975, bỏ việc cấp phép cho nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn, cho phép sử dụng bản ghi âm thay cho giọng thật (hát nhép), không cần giải thưởng trong nước vẫn dự thi hoa hậu quốc tế...  

Một điều luật giết chết ban nhạc
Ngược lại với đạo diễn Trần Vi Mỹ, nhạc sĩ, nhà sản xuất Phạm Hải Âu cho rằng việc bỏ cấm hát nhép, đàn nhái là một “kết quả vô tiền khoáng hậu”.
“Chuyện cho phép hát nhép công khai sẽ giết chết những ca sĩ có thực lực, có giọng hát trời ban vì công nghệ chỉnh giọng, chỉnh phô hiện nay quá tinh xảo. Ai cũng có thể có một bản ghi hay hơn chính mình rất nhiều. Bạn có tưởng tượng được các ca sĩ ra sân khấu tập luyện với nhau chỉ lườm nguýt nhau xem bản thu âm của người nào hay hơn người nào?
Chuyện hát nhép cũng giết dần các ban nhạc, mà dịch COVID-19 đã quá khổ thân cho các ban nhạc vì chẳng mấy ai dám làm chương trình ngoài trời hay gameshow ca nhạc trong nhà. Các tụ điểm, phòng trà cũng đóng cửa hàng loạt. Khi cho phép hát nhép tức là vô tình tuyên bố không cần nhạc sống, điều này giết chết ban nhạc. Tại sao không suy nghĩ và hành động để nâng tầm thẩm mỹ và trải nghiệm của khán giả mà lại làm điều ngược lại?” - nhạc sĩ, nhà sản xuất Phạm Hải Âu cho biết.
Nhạc sĩ Phạm Hải Âu cũng khẳng định trong cuộc chơi bỏ bên ngoài những điều cấm về việc hát nhép, đàn nhái thì sẽ có những người làm nhạc được lợi. Tuy nhiên, liệu những người làm nhạc phòng thu có thật lòng muốn thu âm hay làm beat cho những người không có giọng hát không?
Bởi bất cứ ai làm ra một bản nhạc cũng muốn ban nhạc hòa phối lại, muốn nghe được thêm nhiều cách xử lý sống động mà từ bản ghi của mình đã góp phần tạo nên. “Đã làm việc ai cũng cần tiền nhưng khi làm âm nhạc, làm nghệ thuật thì sâu thăm thẳm trong người họ, họ cũng cần tâm hồn nữa. Hãy để tâm hồn ấy được sống” - nhạc sĩ, nhà sản xuất Phạm Hải Âu chia sẻ.

Nghệ sĩ phải có trách nhiệm với khán giả của mình 

Nghị định mới trao quyền cho người nghệ sĩ nhiều hơn. Chính người nghệ sĩ phải có trách nhiệm với khán giả của mình. Chúng tôi không khuyến khích hát nhép nhưng không cấm bởi thực tế đã diễn ra vẫn có những chương trình hát nhép. Điều quan trọng nhất chính là đạo đức nghề nghiệp của người nghệ sĩ, kế đến là người tổng đạo diễn các chương trình. Họ phải chọn cách thể hiện để không gây ảnh hưởng hình ảnh của họ khiến khán giả quay lưng. 

Ở giai đoạn Nghị định 79, đó là thời điểm hát nhép tràn lan, bây giờ sự tự chủ của nghệ sĩ với nghề nghiệp, sự tiếp nhận của khán giả với các phần biểu diễn đã thay đổi. 

Tại sao người nghệ sĩ lại bảo việc bỏ quy định cấm sử dụng bản ghi âm thay giọng thật là giết nghệ thuật? Tại sao họ không làm tốt và làm đúng trách nhiệm của chính họ khi lựa chọn nghề hát? Ai giọng dở, ai hát nhép… một hai lần vì sự cố gì đó khán giả có thể tha thứ chứ nhép hoài khán giả cười ngay và bỏ ngay. Khán giả rời bỏ chính là án phạt nặng nhất của người làm nghệ thuật.

Một nghị định không thể bao quát được hết, nếu đưa ra điều cấm mà không thực thi được triệt để thì có nên đưa ra hay không? 

Ông Trần Hướng DươngPhó Cục trưởng
Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm