Có một Sài Gòn trên bến dưới thuyền

Câu hát “Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai…” mở màn bài hát Sài Gòn đẹp lắm của nhạc sĩ Y Vân có thể xem là bao quát một hình ảnh Sài Gòn - TP.HCM với đặc trưng sông rạch, bến thuyền.

Chợ hoa xuân Trên bến dưới thuyền ở Bến Bình Đông (quận 8) là nét đẹp mùa tết của TP.HCM. Ảnh: HTD

Một bảo tàng sống của cửa ngõ thông thương Sài Gòn

Từ thuở ban đầu, mảnh đất Sài Gòn đã có rất nhiều chợ nổi như khu vực miền Tây sông nước. Đó là thuở Pháp chưa đánh chiếm thành Gia Định (1859), Sài Gòn - Chợ Lớn lúc đó chủ yếu phát triển giao thông đường thủy. Khắp nơi là cảnh trên bến dưới thuyền với những nhánh rẽ của hai hệ thống sông lớn là sông Sài Gòn (tên chữ là sông Tân Bình) và sông Đồng Nai.

Riêng khu vực quận 8, vị trí ven đô Sài Gòn thì “quận 8 có hệ thống đường thủy chằng chịt với trên 23 kinh rạch như Bến Nghé, Bà Là, Lò Gốm, Ruột Ngựa, Đôi, Tàu Hủ… Trong đó có những kinh rạch đóng vai trò quan trọng trong giao thông thủy như kinh Đô, rạch Cần Giuộc, rạch Bến Nghé…” - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu viết trong quyển Địa lý Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM.

Cũng chính nhờ hệ thống kênh rạch này mà quận 8 là nơi rất mạnh về nông nghiệp, thủ công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, sửa chữa tàu thuyền. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cũng viết: “Dịch vụ đường sông phát triển nhờ vào hệ thống cảng, bến bãi, kho tàng Chánh Hưng, Dương Bá Trạc, Bình Đông, Bình Lợi, Phú Định. Thời Pháp thuộc, Bình Đông trở thành cảng chính tiếp nhận lúa gạo từ miền Tây lên. Nhiều nhà máy xay xát, trại mộc đóng thuyền, kho lúa được xây dựng dọc theo kinh rạch. Có thể coi quận 8 là trạm trung chuyển, là cửa ngõ thông thương với miền Tây Nam bộ qua các huyện Cần Giuộc, Cần Đước (Long An), Gò Công (Tiền Giang)”.

Theo nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa trong quyển Sổ tay tên đường ở TP.HCM thì Bến Bình Đông vốn mang tên của thôn Bình Đông từ những năm 1820, đến thời Pháp thuộc, Bến Bình Đông mang tên Quai des Jonques. Cho đến năm 1954, bến đổi tên thành Bến Lý Thái Tổ và năm 1955 đổi thành Bến Bình Đông đến nay.

Có thể nói Bến Bình Đông đã là cửa ngõ thông thương bằng đường thủy của Sài Gòn trên 150 năm qua. Bến Bình Đông đặc biệt không chỉ ở lối thông thương trên bến dưới thuyền mà dọc đó là những ngôi nhà phố hai tầng cổ xưa có lan can sắt cùng hệ thống nhà máy xay xát lúa gạo nằm dọc theo bến. Chính kiến trúc nhà phố của người Hoa pha kiến trúc phương Tây cộng với sinh hoạt kinh tế ghe thuyền tấp nập đã tạo nên một đời sống kinh tế, văn hóa thú vị đặc trưng của Sài Gòn cũng như mảnh đất Nam bộ.

TP.HCM có ba lễ hội dân gian cấp TP. Trong đó, Chợ hoa xuân Trên bến dưới thuyền là lễ hội mới nhất. Trước đó, lần lượt năm 2020 và 2005, hai lễ hội dân gian đã được nâng là lễ hội cấp TP chính là Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở TP.HCM và Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ

Giữ kiến trúc không gian cho chợ hoa trên bến dưới thuyền

Từ rất lâu, trong năm thì Bến Bình Đông là vựa buôn bán lúa gạo thì cuối năm mùa tết, các ghe thuyền từ những nhà vườn hoa ở miền Tây chở lên Bến Bình Đông tấp nập hoa, cây cảnh; dần dà, Bến Bình Đông thành chợ đầu mối hoa của cả Sài Gòn.

Bảy mùa tết qua, chợ hoa trên bến dưới thuyền được UBND quận 8 chính thức lưu tâm đưa trở lại với nhiều hoạt động đi kèm. Và năm nay, mùa tết Tân Sửu 2021, chợ hoa trên bến dưới thuyền chính thức trở thành một trong ba lễ hội dân gian thường niên của TP.HCM.

Năm nay, các nhà vườn vẫn đem hoa lên bán dọc Bến Bình Đông như mọi năm nhưng trên mỗi thuyền hoa đều được trang trí thêm sắc xuân. Bên cạnh đó, dọc hai cầu đi bộ bắc ngang kênh Tàu Hủ, dọc đường Bến Bình Đông khu vực diễn ra chợ hoa xuân cũng sẽ có những tiểu cảnh trang trí nhiều hơn để người dân TP có thể đi dạo lẫn mua cho mình cành mai, chậu cúc…

Và xa hơn, Sở VH&TT TP.HCM cũng đang có những nghiên cứu, đề xuất để bảo tồn được không gian dọc Chợ hoa xuân Trên bến dưới thuyền. “Khi sở và Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM làm đề xuất Chợ hoa xuân Trên bến dưới thuyền trở thành lễ hội dân gian của TP, chúng tôi đã có những nghiên cứu, gặp gỡ người dân lâu năm, địa phương... để lắng nghe.

Chúng tôi sẽ làm từng bước làm sao để sự phát triển về kinh tế và nét văn hóa phải song hành, văn hóa được tôn vinh nhưng không ảnh hưởng lưu thông hàng hóa của các ghe thuyền. Và hơn cả, chúng tôi sẽ nghiên cứu để làm sao không gian chung trên bến dưới thuyền kết hợp được kiến trúc cổ, các nhà kho cũ lớn với kiến trúc xưa…. vẫn được giữ gìn” - ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm