Ngày 21-3 (tức 28-2 âm lịch) hằng năm, tại Khu di tích lịch sử Giàn Gừa (ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đều diễn ra lễ hội cúng bà Thượng Động Cố Hỉ.
Đường vào Khu di tích lịch sử Giàn Gừa vừa được nâng cấp. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Cổ miếu bà Thượng Động Cố Hỉ nằm trong khu di tích lịch sử Giàn Gừa, cách trung tâm TP Cần Thơ hơn 10 km. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Lễ hội cúng bà Thượng Động Cố Hỉ diễn ra thường niên vào ngày 27 và 28-2 âm lịch. Lễ hội mang đặc thù văn hóa tâm linh của người dân Cần Thơ nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Người dân thường dâng heo lên cúng, rồi xẻ thịt cho mọi người cùng ăn. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Ông Lê Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa, cho biết: “Lễ hội cúng bà Thượng Động Cố Hỉ hằng năm thu hút khoảng 10.000 lượt khách khắp các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và du khách nước ngoài. Năm nay, để tránh dịch COVID-19 lây lan, ban quản lý miếu chỉ tổ chức phần lễ cúng chứ không tổ chức hội. Chủ yếu là người dân trong gia tộc họ Nguyễn và người dân địa phương lại cúng rồi về, không có khách du lịch”.
Đặc biệt miếu bà được bao bọc bởi một giàn gừa khổng lồ hơn trăm tuổi. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Một trong những nhánh chính của cây. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Các nhánh cây đan xen vào nhau tạo nên một giàn gừa khổng lồ. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Nhiều người đến tham quan, chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Các nhánh gừa vươn dài tạo thành những bóng mát cho khách nghỉ chân. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do địa hình hiểm yếu nên Giàn Gừa là địa điểm hoạt động cách mạng. Tại đây diễn ra nhiều cuộc họp triển khai kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị của Khu ủy Tỉnh ủy, nơi cất giấu vũ khí, tập kết, chuyển quân từ vàm Rạch Sung, Bà Hiệp ra sông Cần Thơ để vượt qua Lộ Vòng Cung, tấn công vào cơ quan đầu não của Mỹ ngụy tại thị xã Cần Thơ.
Đặc biệt từ năm 1961 năm 1965, đây là nơi mở các khóa đào tạo, huấn luyện đội biệt động nội thành.
Với những giá trị lịch sử trên, ngày 5-4-2013, UBND TP Cần Thơ đã xếp hạng Giàn Gừa là di tích lịch sử cấp thành phố.
Ngày 13-6-2013, Giàn Gừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Tại khu di tích có ghi nội dung “Vào năm Đinh Tỵ 1857, gia đình ông Cả Nguyễn là người đầu tiên có công khai phá vùng đất xã Nhơn Nghĩa. Trải qua sáu thế hệ, con cháu họ Nguyễn vẫn sinh sống trên mảnh đất này và thay nhau giữ gìn, tôn tạo nơi thờ phụng. Hằng năm cứ đến ngày tưởng niệm, bà con dòng họ Nguyễn và xóm giềng gần xa long trọng dâng hương, làm lễ cúng bà".
Đã hơn 160 tuổi, cây gừa vẫn phát triển tươi tốt, tán gừa đã bao phủ cả khu di tích hơn 2.700 m2.
Các nhánh gừa tiếp tục vươn ra khu vực xung quanh bao phủ tổng diện tích hơn 4.000 m2. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Ảnh: HẢI DƯƠNG
Một trong hai cổng vào khu di tích lịch sử Giàn Gừa. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Bên ngoài nhìn vào, khu di tích được bao phủ bởi một màu xanh mát rượi.