LHP Việt Nam lần thứ 16: Lấn cấn chuyện phim cũ

Thế nhưng thể loại đáng chú ý nhất là phim nhựa đã không còn hút được sự háo hức của khán giả như lệ thường, bởi 15 phim tham dự đa số đều không mới. Và xung quanh câu chuyện khan hiếm phim nhựa này có rất nhiều điều để ngẫm ngợi.

Vướng “Cánh diều vàng”

Dù số lượng phim nhựa tham dự ở LHP 16 nhiều hơn hẳn các LHP khác, song chỉ có năm phim tạm gọi là mới. Bởi 10 phim còn lại đã từng tham gia giải “Cánh diều vàng” năm 2008 và 2007 như Giải cứu thần chết, Trăng nơi đáy giếng, Huyền thoại bất tử, Chuyện tình xa xứ, Rừng đen, Trái tim bé bỏng, Hoài vũ trắng, Mười, Em muốn làm người nổi tiếng, Duyên trần thoát tục. Và như vậy, những giải thưởng cao nhất của “Cánh diều vàng” 2007 và 2008 lại một lần nữa thi đấu với nhau trong giải này.

Vì ban giám khảo LHP 16 quyết tâm phải trao bằng được “Bông sen vàng” dù hai năm liền 2007, 2008, giải “Cánh diều vàng” chỉ có giải bạc cho nên những phim chưa đến tầm “Cánh diều vàng” như Trái tim bé bỏng, Trăng nơi đáy giếng, Huyền thoại bất tư năm cũ lại chắc chắn sẽ có một phim được chọn làm “ Bông sen vàng” năm nay (!).

LHP Việt Nam lần thứ 16: Lấn cấn chuyện phim cũ ảnh 1

Phim Chơivơi là một trong hai ứng cử viên sáng giả nhất cho giải “Bông sen vàng” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 nhưng có điểm bất lợi là bị dư luận cho rằng phim không gần gũi với tâm lý khán giả Việt.

Vướng “Cánh diều vàng” như thế nên chưa thi mà người trong giới đều lao xao về một kết quả dễ đoán trước: Ứng cử viên cho giải vàng “Bông sen vàng” LHP 16 lộ rõ ở hai phim Đừng đốtChơi vơi. Mà giữa hai phim này, ai cũng thấy Đừng đốt đang có ưu thế rất lớn về dư luận. Sự hào hứng vì thế mà vơi đi ít nhiều.

Chưa hết, tình trạng phim đã tham gia giải “Bông sen vàng” lần này cũng có thể được dự giải “Cánh diều vàng 2009” sắp tới khiến cho cái vòng luẩn quẩn nhàm chán vậy là chưa có cơ hội kết thúc.

Đừng đổ lỗi cho khán giả

Các nhà làm phim cho rằng với số lượng phim truyện nhựa sản xuất quá ít ỏi như hiện nay, họ không thể đáp ứng nổi đầu ra để làm mới cho các kỳ liên hoan phim khác nhau và kế tiếp nhau.

Phim làm bằng vốn nhà nước ngày càng khó duyệt bởi nguồn kinh phí được rót ngày càng được siết chặt theo chủ trương xã hội hóa. Phim tư nhân mỗi năm cũng chỉ cho ra vài ba bộ để kiếm tiền dịp tết. Ít như vậy nên bất cứ phim truyện nhựa nào sản xuất ra dù giới phê bình, báo chí chê cỡ nào, khán giả ý kiến đến đâu vẫn nghiễm nhiên sang trọng được mời dự liên hoan phim quốc gia.

Về chuyện ít phim mới, các nhà làm phim tư nhân giãi bày họ chỉ bán vé được vào mùa tết nên chủ yếu chỉ làm phim tết. Còn phim nhà nước thì số kịch bản được duyệt ngày càng hiếm bởi phim nào cũng đổ tiền tỉ mà chẳng thể thu hồi được vốn chứ đừng nói là có lời.

Có nhiều lý do để các nhà làm phim “quốc doanh” biện minh, một trong những lý do được ưa chuộng nhất là đổ lỗi cho khán giả không thích những phim nghệ thuật nghiêm túc. Gần đây, với trường hợp bị chê của Chơi vơi, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bảo rằng Việt Nam chưa thật sự có khán giả xem phim. Ý kiến này lập tức bị tranh luận quyết liệt từ báo chí lẫn chính khán giả trên các diễn đàn. Và thực tế đã cho thấy ý kiến trên là phiến diện. Bởi các rạp vẫn đầy ắp phim Mỹ, Nhật, Hàn... với đủ thể loại, không thiếu các phim có giải thưởng nghệ thuật uy tín của thế giới. Và khán giả thì vẫn ùn ùn kéo đến rạp vì những bộ phim ngoại nhập ấy chứ không phải vì những phim Việt Nam vừa đoạt giải.

Thực tế này cũng trả lời luôn cho các nhà làm phim tư nhân rằng phim Việt Nam thật sự chưa hay nên chưa kéo khán giả đến rạp. Hiện tượng phim tết đông khách còn do yếu tố khách quan: Tết nhu cầu vui chơi giải trí luôn tăng cao ở mọi lĩnh vực, yếu tố chất lượng khán giả cũng giảm nhẹ.

Bao giờ phim Việt sẽ hay và nhiều?

Dù hiếm nhưng vẫn có một điểm sáng khiến phim Việt đang nhiều lên và khá hơn về sự tiếp cận phong cách làm phim hiện đại trên thế giới đến từ dòng phim Việt kiều với những bộ phim có chất lượng thể hiện qua những giải thưởng ở các liên hoan phim trong nước như: Áo lụa Hà Đông, Dòng máu anh hùng, Chuyện tình xa xứ, Huyền thoại bất tử, Cú và chim se sẻ.

Còn lại, những nhà sản xuất phim, những đạo diễn phim trong nước vẫn cho rằng: Chỉ khi nào cơ quan quản lý có được một chiến lược đầu tư máy móc, kỹ thuật điện ảnh hiện đại, căn cơ; có chiến lược đào tạo con người ở mọi khâu từ kỹ thuật đến đạo diễn, diễn viên, biên kịch, quay phim chuyên nghiệp thật sự thì điện ảnh Việt mới khá.

Trước mắt, nguyện vọng của những người làm phim chỉ là những bộ phim có kinh phí lớn do nhà nước đầu tư phải được đấu thầu công khai và xét duyệt kịch bản, tuyển chọn đạo diễn công khai, công bằng để tìm ra người xứng đáng. Nếu bộ phim vắng khách, êkíp làm phim phải chịu trách nhiệm, ít nhất là không được duyệt làm các phim tiếp theo. Chất lượng phim Việt sẽ khá lên, ít nhất từ những bộ phim có số đầu tư lớn cùng với cách làm này.

Còn bao giờ phim truyện nhựa Việt Nam mới nhiều lên, hay lên để không xảy ra sự lấn cấn cũ-mới như ở LHP Việt Nam lần thứ 16 này thì chưa thấy nhà quản lý nào mạnh dạn trả lời.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm