Trong và sau dịp Tết Nguyên đán là thời điểm người dân tấp nập rủ nhau đi cầu phúc, cầu an. Đây cũng là thời điểm các chùa chiềng, đền tự dường như mịt mù trong hương khói và không khó để bắt gặp hình người dân thắp cả bó nhang lớn cháy đỏ nghi ngút khói trên án thờ.
Đốt nhiều nhang vì mong được nhiều phúc
Theo Tiến sĩ Tôn giáo Dương Ngọc Dũng, Giảng viên khoa Triết học Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-TPHCM, thì không thể xem việc người dân lạm dụng thắp quá nhiều nhang tại các đền chùa là mê tín và cũng không có cơ sở khoa học để phân định đó là tín ngưỡng dân gian hay mê tín dị đoan.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do quan niệm trong người dân khi tin rằng càng thắp nhiều nhang thì lời khấn nguyện của mình càng nhanh chóng thành hiện thực, thắp nhiều thì được phúc nhiều. Mặc khác, khi người dân đến chùa, đền thường mang theo nhang vì vậy họ có quan điểm phải thắp hết số nhang mang đến chùa để tránh lãng phí và thể hiện sự thành tâm.
Một người dân khi đến chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP.HCM) đã đốt một lúc cả bó nhang. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Để giải quyết được vấn đề tiêu cực này cần phải thay đổi thái độ của người dân trong việc cúng bái. Hiện nay, rất nhiều địa điểm chùa, đền đã có bảng ghi rõ “chỉ đốt một nén nhang” nhưng nhiều người dân đốt nhiều hơn. Bởi khi người dân đã tin tưởng thì họ sẽ làm theo niềm tin và rất khó để cấm. Cần có sự quan tâm giáo dục từ phía nhà chùa, đền để có biện pháp hạn chế, chấn chỉnh phù hợp với phong tục”, Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng bày tỏ.
Đốt bao nhiêu là đủ?
Trong những ngày đầu năm, phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM đã có dịp trao đổi cùng Nhà nghiên cứu Văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng - Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Thông tin tại TP.HCM, xoay quanh vai trò của nén nhang trong phong tục thờ cúng.
Ông cho biết, nhang là lễ vật đứng đầu trong lục cúng, tức sáu lễ vật dâng cúng: nhang, đèn, hoa, trà, quả, thực (thức ăn). Do là tính đứng đầu trong lục cúng nên nhang không thể thiếu trong đời sống tâm linh của mỗi cá nhân và các nghi thức cúng bái.
Trong tín ngưỡng của nhiều tôn giáo, trong đó có đạo Phật và tín ngưỡng dân gian đều xem khói nhang là con đường dẫn dắt linh hồn hay lời cầu nguyện từ trần gian đến cõi trời, gọi là “Dẫn hương lộ”. Do đó, trong một nghi thức cúng bái hương phải được đốt lên để tạo đủ ba thành tố: lửa, khói, hương thơm.
Một cậu bé theo người thân đến chùa thắp nhang. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cũng cho rằng theo tập tục truyền thống chỉ cần thắp một nén hoặc ba nén nhang là đã đủ để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, thần, Phật. Vì trong tín ngưỡng tôn giáo, số một là Bản nguyên, là số khởi thủy của mọi sự vật, mang ý nghĩa từ không đến có của Đấng tạo hóa. Thắp một nén nhang là biểu hiện rõ ràng của sự chính tín, sự thống nhất hóa chứa đựng năng lượng tâm linh cực mạnh.
Còn con số ba, được hiểu là kết quả phép cộng của 1+2, là con số hội đủ hai mặt âm dương. Đây là con số chỉnh, không thể thêm bớt, chỉ sự toàn thể, hoàn thành.
Trong các trường hợp ngoại lệ thường thấy trong thông tục như cúng Thổ địa phải thắp năm nén nhang vì đó là lễ bái năm vị thần Đất “Ngũ phương- ngũ thổ” toạ ở phương đông, tây, nam, bắc và trung ương. Tuy nhiên, mỗi vị thần cũng chỉ cần thắp một nén nhang.
“Tùy theo từng tôn giáo khác nhau mà có những con số thiêng được dùng trong nghi lễ thờ cúng, thắp nhang khác nhau. Tuy nhiên, việc lạm dụng thắp quá nhiều nhang của người dân chỉ mang tính biến tướng trong lối hành sự cúng bái. Quan niệm đốt nhiều phúc lộc nhiều chỉ là cách người dân “suy từ bụng ta ra bụng Phật”, không có cơ sở diễn giải. Còn theo tín ngưỡng tôn giáo thì chỉ cần một nén đã đủ thành tâm”, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Trảng nhấn mạnh.