Những ngày cuối năm làng nghề Đắc Châu (Thanh Hóa) của tôi lại nhộn nhịp, rộn ràng. Khắp con đường phơi đầy những phên bánh đa, bánh chả.
Mẹ tôi kể, ngày trước vì đói quá, ngoài lúa chẳng trông chờ thêm vào cái gì. Làng lại hay bị thiên tai, mất mùa thường xuyên nên những người phụ nữ trong làng đã sáng tạo ra món bánh đa này. Vừa để đổi món cho lạ miệng, vừa có thể để dành cho những ngày giáp hạt, lại có thêm nguồn mang đi bán, tạo công ăn việc làm.
Làng vui lắm, cối xay gạo chạy suốt ngày, người dân quê tôi không muốn dùng những chiếc máy xay chạy bằng điện, bởi bột gạo được xay ra không mịn, nên khi đổ bánh, chiếc bánh bị sậm sật, ăn không còn giòn tan nữa. Vì thế, cả làng tập trung vào những chiếc cối xay bột rất lớn, trai gái thường tụ tập, vừa làm việc vừa trò chuyện… Bố mẹ tôi đã nên duyên từ những lần xay gạo như thế.
Nhưng bây giờ, xã hội ngày một phát triển, chỉ trông chờ vào làng nghề thôi thì không đủ sống, không xây được cái nhà, không lo được cho con cái đi học đàng hoàng. Do đó, hiện nay hầu hết thanh niên trong làng đều đi làm kinh tế mới, những người có trí thức thì lại đi học, hoặc công tác ở những thành phố lớn. Làng vắng quá, chỉ còn lại một nửa, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ con.
Chỉ những ngày cuối năm, khi thanh niên đi làm ăn xa trở về, những người thoát ly cũng hồi hương thăm gia đình, thắp hương cho tổ tiên… làng mới lại nhộn nhịp, đông vui trở lại. Những phên bánh đa được mang ra phơi nhiều hơn càng làm rộn ràng khắp xóm.
Con đường làng, sân và mái nhà lại rực rỡ và thơm thơm mùi gạo mới, mùi gấc đỏ quyện vào với mùi vị của mùa xuân.
Phần nhiều bánh đa được làm để phục vụ tết, một phần họ muốn để dành làm quà mang vào thành phố. Thành phố bây giờ không thiếu gì, nhưng những món quà quê chứa đựng tình cảm và tâm hồn của những người quê cũ vẫn luôn được trân trọng, nâng niu…
Chúng tôi sẽ lại đi dưới những phên phơi đầy bánh đa mỗi độ xuân về để thêm nhớ những ngày tháng cũ, để lại thấy lòng lâng lâng, thương nhớ mùa xuân.