Theo những người làm heo đất lâu năm, nghề làm heo đất ở Bình Dương xuất hiện cách đây hơn nửa thế kỷ. Trước đây khu vực này có nhiều làng nghề với vài trăm cơ sở nhưng đến nay chỉ còn vài chục. Hầu hết họ tập trung ở phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An), xã Tân Vĩnh Hiệp và thị trấn Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên).
Nghề chân lấm tay bùn
Cơ sở sản xuất heo đất của chị Lê Thị Tuyết (xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên) những ngày này đang phải huy động hết công suất. “Năm nay là năm Kỷ Hợi nên thị trường rất hút hàng heo đất. Đơn hàng về nhiều hơn mọi năm, mẫu mã cũng đa dạng hơn nên chúng tôi phải sản xuất liên tục mới mong trả kịp hàng cho khách. Chỗ tôi có 10 công nhân, cứ hai ngày sẽ cho ra hơn 2.000 con heo” - chị Tuyết hào hứng.
Theo chị Tuyết, hầu hết cơ sở làm heo đất ở xã Tân Vĩnh Hiệp đều chỉ tạo hình, sau đó giao cho các điểm trang trí heo ở phường Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương). “Năm con gì chúng tôi sẽ tạo hình con vật đó nhiều hơn, đặc biệt heo đất thì năm nào cũng có. Khách hàng giờ khó hơn xưa, vừa muốn mẫu mã đẹp vừa muốn giá rẻ nên chúng tôi phải nghĩ ra nhiều mẫu mới, giá lại phải chăng. Nghề này tuy vất vả nhưng làm đều đều thì cũng đủ sống” - chị chia sẻ.
Cách đó không xa, cơ sở làm heo đất của anh Lê Văn Hùng cũng đang tất bật làm hàng. 12 năm gắn bó với nghề, như nhiều cơ sở khác anh cũng trải qua nhiều khó khăn, đó là những khi hàng chất đống do bán chậm, giá không cao. Anh khoe năm nay là năm con heo, đơn hàng dù có tăng nhưng vẫn duy trì giá cũ. “Nghề này những ai đã gắn bó thì ráng theo chứ hiếm người đầu tư mở mới. Cả ngày làm việc kiểu trẻ con nghịch đất, chân lấm tay bùn” - anh nói.
Theo anh Hùng, hiện địa phương đang vận động các cơ sở làm heo đất chuyển đổi từ lò đốt củi sang đốt bằng gas. Nhưng chuyển đổi lại hệ thống cần rất nhiều tiền, chỉ cơ sở nào mạnh vốn mới có thể đầu tư và tiếp tục làm nghề.
Những chú heo đất sau khi được lấy ra khỏi khuôn. Ảnh: LÊ ÁNH
“Tô son điểm phấn” cho heo đón Tết
Để cho ra đời một chú heo đất hoàn chỉnh, dễ thương phải trải qua khoảng 10 công đoạn. Đầu tiên đất sét được đổ vào bồn cùng nước và keo để nhào nặn cho dẻo và có độ gắn kết, sau đó hỗn hợp này được đổ vào khuôn hình tạo sẵn. Sau hơn tám giờ đồng hồ các chú heo được lấy ra, cạo bỏ phần đất dư trước khi xếp vào lò nung. Trải qua khoảng 12 giờ nung trong lò, heo sẽ được những nghệ nhân khéo tay “tô son điểm phấn” trước khi xuất bán.
Các cơ sở “trang điểm” heo đất phần lớn ở phường Lái Thiêu, Thuận An. Tại đây, những chú heo đất sẽ được các nghệ nhân cho “mặc áo mới”, tô vẽ mắt, mũi, đánh má hồng… cực kỳ dễ thương, bắt mắt. Chị Lê Thị Thu Sương, người có hơn 25 năm gắn bó với nghề cho biết cả gia đình chị đều theo nghề này. Những ngày giáp Tết, cơ sở trang trí heo đất của chị nhộn nhịp hơn, ai cũng tất bật với công việc.
“Ở đây có hàng chục mẫu heo, ngoài những mẫu truyền thống thì các mẫu mới được tô điểm bằng sơn nước đang rất hút hàng. Các công đoạn trang trí cho heo đều phải thực hiện bằng tay, đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mỉ, có mắt thẩm mỹ… vậy heo mới đẹp, mới có hồn. Cực vậy nhưng thu nhập chỉ đủ sống chứ mong giàu thì hơi khó” - chị Sương cười.
Cơ sở của chị Phan Thị Kim Liên (phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An) bốn đời theo nghề trang trí heo đất. Trong nhà, hàng chục công nhân đang chăm chú sơn phết trang trí cho những chú heo. Tay ai nấy đều thoăn thoắt nhưng đầy sự khéo léo, chuẩn xác. “Mỗi ngày tôi xuất hơn 2.000 con heo thành phẩm đi khắp nơi, giá từ vài ngàn đến mấy chục ngàn đồng/con tùy loại. Ngoài thị trường trong nước, heo đất Bình Dương còn được xuất khẩu sang Campuchia, Lào, Thái Lan…” - chị khoe.
Xã Tân Vĩnh Hiệp hiện có 27 cơ sở làm heo đất, đa số làm thủ công, lò nung đốt bằng củi. Theo chủ trương chung của xã Tân Vĩnh Hiệp và thị xã Tân Uyên, từ nay đến hết năm 2020 chính quyền sẽ vận động các hộ dân làm heo đất di dời về khu quy hoạch chung, đồng thời chuyển đốt lò củi sang đốt bằng gas để bảo vệ môi trường. Ông TRẦN VĂN QUANG, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Vĩnh Hiệp |