Cuối tháng 7-2018, tôi về Trà Vinh, đến đoạn cuối của dòng sông Hậu, đổ ra cửa biển bằng dòng đục nâu màu phù sa. Ở đó, những người nông dân không còn nương tựa vào dòng sông nữa.
Nhà ông Đông nằm ở huyện Duyên Hải, gần một nhà máy nhiệt điện với mấy cột ống khói hai màu đỏ trắng đang phả ra khói màu trắng đục như cột mây. Ông Đông kể: “Trước đây nhà tui nuôi tôm, chỉ cần hứng nước sông vào rồi thay ra. Giờ không dám dùng nước sông nữa. Tôm chết hết. Phải nuôi đóng thôi. Một nửa ao là để chứa nước. Nửa còn lại nuôi rồi xả nước qua lại rồi lọc”.
Nước từ nhà máy điện thải từ cửa sông ra biển không biết có gì đã làm bọng cá mà ngư dân vùng này quen đánh bắt lùi xa tận mấy hải lý. Và dòng nước sông Hậu - từng được xem như biểu tượng của sự trù phú, đã bóp ngạt thở con tôm, có lúc khiến chúng cong mình chết trên những vuông nước mà người nông dân không hiểu vì sao.
Hàng ngàn nông dân có thể kể câu chuyện tương tự như ông Đông trên cõi đồng bằng đẹp nhất ở miền Tây Việt Nam. Cái đuôi của con sông Mekong dài thứ bảy châu Á, gãy gọn thành chín cái đuôi nước dài kéo tận ra Biển Đông. Trên chín dòng chảy đó là hàng triệu sinh kế, chọn lựa khác nhau. Những loài rau lúa hơi khác biệt, cá nhảy, đồng trũng, nước lên... và số phận người ở miền Tây ở đầu thế kỷ 21 này giống nhau đến ngạt thở bởi sự bứt rứt và loay hoay không cách gì yên tâm được trong từng ánh mắt người tôi gặp.
Đó là con đường ở mé sông một xóm ở Hồng Ngự, Đồng Tháp, nơi tôi thức cả đêm để nghe tiếng xà lan cát nổ máy, sáng đèn và rồi cả ngày cà kẹt trên sông. Là đêm tôi nghe tiếng người đàn bà ôm đứa cháu nội vào lòng, chìm giọng nói từ dạo nhà lở, cháu bà giật mình mỗi khi nghe tiếng kim loại gì đó nghiến ken két vào nhau như tôn cứa vào mình ngôi nhà, uốn cong, rồi gãy đổ tất cả xuống bờ nước. Khi đó, bà ôm đứa cháu chạy ra đường và chỉ kịp nhìn ngôi nhà của mình tuột xuống sông.
Khoảng 891 km bờ sông, biển ở đồng bằng sông Cửu Long đang tuột lở mỗi ngày. Nhà cửa, đất, ruộng, con đường chìm dần xuống đáy lòng sông hoặc bung ra biển.
Đó là bi kịch thực sự của những người con đã sống nhiều thế hệ ở Mekong. Họ lịu địu theo nhau rời bờ nước đã cuốn ngôi nhà đi, dạt vào xóm dân cư giữa cù lao để trốn khỏi nước, để yên tâm không có thêm lần nào ngôi nhà rùng mình sụp xuống nữa.
Đó là cuộc di cư mà thế kỷ này cuốn cả loài người theo, không loại trừ người ở đồng bằng, khi thời tiết cực đoan, đất và nước cuộn mình trong cơn trả đũa. “Chìm xuống” có lẽ còn là điều gì đó trừu tượng với người ở Cửu Long. Nhưng Tây đô chìm trong nước sau những cơn mưa giữa mùa. Cánh đồng ngập mặn tới mức cây ngả người gục xuống, chết vì mặn. Những ngôi nhà sụp lở ngay trên rìa nước mà người Cửu Long có khi đã đi qua ba, bốn đời sống trên mảnh đất đó.
Cuộc di cư rời bỏ dòng sông dần dần hiện hình. Họ dời nhà vào 100 m, 200 m, vào sâu thêm 5-10 km..., rồi bỏ luôn con nước về Sài Gòn làm công nhân. Chuyến đi đó, chưa định được ngày trở về, đã chia lìa và bẻ gãy tất cả những cố kết vốn giữ gìn linh hồn của người bản xứ từ hàng trăm năm trước. Cuộc sống xóm làng đầy lễ độ, ơn nghĩa. Những giao hảo thiện hòa của xóm làng, người thân, họ tộc. Ngày lễ hội nào đó gắn với con nước, với bầy chim cò bay về, với lúa chín rạp cánh đồng. Cuộc chia ly đó đầy cảm xúc, kín đáo, mơ hồ và rồi đẩy tất cả người ra đi về phía lạc loài.
Người trai trẻ về Sài Gòn vùi mình trong những công xưởng ngoại biên thành phố, dưới ánh đèn tuýp trắng tù mù, ngày làm việc 12 giờ và những đêm ngủ vội không kịp nhớ ra mình đã được sống một ngày nào thảnh thơi như buổi đánh cá về ngước nhìn sông Tiền loang loáng gió và nước triều lên vượt mặt.
Những cô gái bất chấp sự rủi ro của thế giới bên ngoài giăng mắc, vượt qua định kiến của chính mình đã rời bỏ quê hương đến nơi xa lạ ở Đài Loan, Hàn Quốc để tìm sinh kế. Cuộc di cư của những người trẻ ấy đang dần bẻ gãy những kết nối mỏng manh giữa Mekong và những con người một thuở mưu sinh trên dòng nước này.
Sự đứt gãy chậm chạp. Rời rạc. Không ai định rõ chân dung của những người rời bỏ.
Nhưng thế kỷ này không chỉ mang tên của thời tiết cực đoan, thiên tai không thể tránh né hay cánh đồng trắng phớ vì xâm nhập mặn mà còn mang tên của tham vọng. Con người - đi kèm với tham vọng phát triển - đã phớt lờ sinh mệnh của chính giống loài mình để chạy về phía những nhà máy điện than, những cánh đồng mở rộng không biên giới và những họng thủy điện bất chấp rủi ro vì cơn khát năng lượng.
Bức tranh phát triển đó loang lổ trên đồng bằng, làm dấy lên câu hỏi không ngớt về đúng và sai. Liệu những thủy điện đang phá núi, chặn dòng ở Lào có làm người Lào bớt nghèo đi không? Liệu những hồ chứa nước ở miền Đông Bắc Thái có làm nông dân Thái lấy được chút nước Mekong nào để khỏi khát cháy trong mùa cạn không? Liệu những kế hoạch xây kè lấn biển, lập hồ trữ nước hay khai thác cát xuất khẩu có làm người đồng bằng thịnh vượng hơn cái sơ khai mà họ từng quen trên con đò suốt mấy trăm năm qua không? Những câu hỏi đó trong những hội nghị thượng đỉnh sông Mekong tôi đã nghe người ta nói rất nhiều. Đầy thuyết phục. Đầy con số. Những thỏa thuận đầy vẻ chính danh.
Nhưng sau những ký kết, những dự án, những hứa hẹn, không có gì cản được cơn hạn hán năm 2016 quét qua đồng bằng. Không ai có thể cản một con đập thủy điện vỡ tan ở Lào và cuốn mất tích bao con người. Không ai có thể cản được trận lũ quét ở miền Đông Bắc Thái Lan, nơi những cánh rừng bị quét sạch để trồng bắp, trồng cao su theo tiếng gọi của những tập đoàn công nghiệp.
Con người - có thể nhân danh bất cứ gì - để bóp méo dòng Mekong đang chảy qua năm quốc gia. Nhưng Mekong chứa trong mình nó câu trả lời khắc nghiệt và tàn bạo, như tự nhiên từ hàng triệu năm nay vẫn vậy: Không đôi co, không trả lời bằng ngôn từ đầy ngụy biện. Mekong tạo ra thực tại, nó bóp méo cái thực tại đã hiện hữu hàng trăm năm với gần bảy mươi triệu con người sống dựa vào dòng sông, khi phải rùng mình trước biến đổi khí hậu và thái độ hành xử của con người.
Không khoan nhượng. Quyền năng của dòng sông - nơi khởi nguồn và kết thúc của vô vàn sự sống con người.
Nhưng sự không khoan nhượng đó ở đồng bằng đang ngấp ngoải đổ lên vai những người nông dân đã sống nhiều đời bên con nước đó. Sự loay hoay của họ như câu trả lời lúng búng đáp lại những phản ứng mà dòng sông xảy ra ở thời đại này. Sự loay hoay của họ như một người chèo đò theo một miệng sông ra cửa biển. Gió lên ngùn ngụt. Mưa đổ xuống. Người chèo đò không nhìn thấy đích đến. Nhưng một mực nhấn mái chèo về trước.
Khi rời khỏi vuông tôm nhà ông Đông, tôi tự hỏi về những người tị nạn thời tiết. Họ là ai? Họ có chèo thuyền ra biển khơi, hay chìm vào công xưởng ở Sài Gòn, hay mất hút cuối chân trời ngoài xứ sở xa lạ? Điều xa lạ đó, người Cửu Long chưa quen gọi tên. Nhưng chứng kiến những vỉa đất lở xuống cù lao ở Hồng Ngự, An Giang, tôi nhìn thấy cả vùng đất đang lở dần những cố kết văn hóa, tinh thần, thân hữu. Họ lở đi như phù sa.
Mỏng manh và tan biến.