“Vậy là cái ngày được mong chờ đó cũng đã đến. Phan Thiết - Phan Rang - Ninh Hòa - Phú Yên - Bình Định - Pleiku - Phú Thiện (Gia Lai) - Quảng Ngãi - Diễn Châu (Nghệ An) - Thọ Xuân (Thanh Hóa) - Yên Dũng (Bắc Giang) - Hạ Long - Hải Phòng: những địa điểm trên con đường mang 5S đi muôn nơi!
Lần này, bọn tôi đến với 10 bệnh viện, trên con xe nhà (gọi là xÈ) trên lộ trình cả đi và về ước tính khoảng 6.500 km. Đây cũng là cơ hội để bọn tôi trải nghiệm một phần câu chuyện “living in a van”.
Dòng nhật ký mở đầu cho hành trình “living in a van”, hành trình mà hai vợ chồng Nguyễn Thế Anh, Phan Thị Ngọc Linh cùng nhóm chuyên gia của CHIR mang 5S (một công cụ cải tiến chất lượng của người Nhật áp dụng trong ngành y tế) chia sẻ miễn phí cho các bệnh viện trên cả nước trong tháng 12-2018 vừa qua.
“Nhiều người nói tôi điên”
10 năm trước, câu chuyện quản lý chất lượng, an toàn người bệnh ở các bệnh viện Việt Nam còn rất sơ khai. Bộ Y tế cũng chưa có thông tư về quản lý chất lượng, chưa có tiêu chí chất lượng như bây giờ.
Khi đó, thạc sĩ Phan Thị Ngọc Linh đang làm việc tại Bệnh viện FV. Làm được hai năm, Linh hiểu được quản lý chất lượng giúp cho nhân viên y tế và người bệnh rất nhiều. “Tiếp cận với quản lý chất lượng bệnh viện, thấy nó hữu ích quá nên tôi chuyển hướng, chọn lĩnh vực này để làm, không nghĩ ngợi nhiều tới chuyện thu nhập cao thấp. Người thân, bạn bè nhiều người nói tôi điên. Riêng tôi lại thấy quá tuyệt khi mỗi ngày chỉ tìm cách làm sao cho bệnh viện tốt hơn, người bệnh an toàn hơn” - Linh nói về quyết định của mình.
Rồi một số tổ chức như GIZ của Đức, JICA của Nhật mời Linh làm chuyên gia hỗ trợ một số bệnh viện công lập Việt Nam về vấn đề quản lý chất lượng bệnh viện. “Càng làm tôi càng say mê. Tôi không ngờ những cái mình cho đi quá nhỏ bé mà lại giúp nhân viên y tế và người bệnh an toàn hơn, hài lòng hơn. Rồi tôi gặp anh Thế Anh, một con người xàm xàm, chỉ muốn làm điều mình yêu thích, hữu ích, xem đồng tiền bé xíu xiu” - Linh kể về cơ duyên tiếp theo khiến mình quyết định rời Bệnh viện FV đầu quân cho bệnh viện công cấp quận.
Cùng đốt lửa trại, nhâm nhi món thịt nướng giữa cái lạnh 10 độ C. Ảnh: LP
Đam mê không tách rời
Cuộc gặp gỡ định mệnh tại một buổi tập huấn chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất lượng bệnh viện đã khiến anh kỹ sư công nghệ thông tin theo cô bác sĩ làm cải tiến chất lượng.
“Đó là năm 2014, tôi đi tập huấn cho bệnh viện, ảnh làm học viên. Tôi biết ảnh là trưởng phòng công nghệ thông tin mới về bệnh viện, chưa biết mặt. Kết thúc lớp tập huấn, gọi tên học viên lên phát biểu, tôi gọi nhầm tên ảnh. Ảnh xuất hiện, ăn mặc quê ơi là quê nhưng cách nói chuyện lại rất thông minh khiến tôi chú ý. Rồi sau đó làm việc chung, nói chuyện nhiều, tôi thấy ảnh quá hay, quá giỏi. Tôi tìm cách khai phá cái hay của ảnh để có thêm người đồng hành, nào ngờ bén duyên luôn” - Linh kể.
Rời bệnh viện quận, Linh làm chuyên gia tự do, cùng Thế Anh đi dạy và hỗ trợ các bệnh viện. Hai người đã cùng nhau thành lập diễn đàn Quản lý chất lượng - an toàn trên Facebook và website www.qpsolutions.vn để chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp cả nước. Đến tháng 1-2018, cả hai cùng một nhóm đồng nghiệp trong và ngoài nước tâm huyết với cải tiến chất lượng y tế và an toàn người bệnh thành lập Trung tâm Nghiên cứu cải tiến y tế (Centre for Healthcare Improvement Research - CHIR). Đây là tổ chức 100% phi lợi nhuận với tôn chỉ hợp tác để kiến tạo một nền y tế tốt hơn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng thông qua các hoạt động huấn luyện, hội thảo, nghiên cứu khoa học và tư vấn ngày càng chuyên nghiệp hơn.
“Sau bốn năm đồng hành cũng vui buồn nhiều chuyện nhưng tôi mãn nguyện. Khi gặp anh ấy, tôi hiểu rõ cuộc sống của mình có thể vui vẻ, hữu ích như thế nào. Không có anh ấy chắc chắn tôi không làm được như bây giờ” - Linh tâm sự.
Và … xÈ cùng 5S!
“xÈ là viết tắt của Xe Nhà, tức cái nhà trên chiếc xe. Bản thân chữ xÈ cũng tượng hình như hình dáng đặc trưng của một chiếc campervan rất thông dụng ở các nước. Vì thường xuyên phải di chuyển nên chúng tôi phải tìm cách kết hợp giữa việc vừa làm vừa đi chơi” - Thế Anh kể về chuyến hành trình xuyên Việt trên con xÈ mà hai vợ chồng vừa thực hiện.
Họ xác định sẽ kết hợp tour 5S thành chuyến xuyên Việt độc đáo, ít ở khách sạn mà lựa chọn nghỉ ngơi ở nhà bạn bè, ở trên xe và khám phá những vùng đất chưa có nhiều du khách ghé chân đến.
“Ngoài công việc, mục đích chuyến đi của chúng tôi là để được đi chơi, được trải nghiệm các món ăn ngon tại những địa điểm đi qua. Trên hành trình, tụi tôi luôn được bạn bè ở các địa phương dắt đi ăn, hoặc chỉ chỗ quán nào ngon, đặc sản gì,... Bánh canh Phan Rang, cháo lòng ở ngã ba Phú Tài Quy Nhơn, mì Quảng ở Tam Kỳ, phở hai tô ở Pleiku, miến lươn ở Nghệ An, phở chéo quẩy Hải Phòng, bún bề bề Hạ Long,… chúng tôi đều được thử qua” - Thế Anh hồ hởi khoe.
Nhờ vậy, hai vợ chồng mới được tận hưởng cảnh đốt lửa nướng thịt trong cái lạnh 10 độ tại một phòng khám ở Lạng Sơn, đến 22 giờ là nghỉ ngơi để 4 giờ sáng hôm sau chạy xe về bệnh viện huyện, bắt đầu một buổi chia sẻ kinh nghiệm về 5S mới. Hay cảnh ngồi xem một trận bóng trong giải AFF Cup tại sân Bệnh viện Mắt Phú Yên, cũng cờ hoa ăn mừng ầm ĩ chẳng thua kém Sài Gòn, Hà Nội.
Liên tục như vậy, trên chiếc xe cũng là nhà, họ rong ruổi đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác. Có hôm họ dừng chân ngay biển. Mở cửa “nhà” đã nghe tiếng sóng biển rì rào cạnh bên. Lúc lại rất “vương giả” khi xen giữa những ngày tất bật với công việc là cảm giác được “xõa” hết cỡ trên du thuyền ở vịnh Hạ Long… Cứ thế, họ rong ruổi hết ngày này sang ngày khác, bằng một niềm đam mê, được trải nghiệm cuộc sống tự do, được chia sẻ kinh nghiệm đến các bệnh viện.
“Chúng tôi ngày đi đêm nghỉ, cùng nhau say ngắm, dọc đường. Non sông và phong tục mỗi nơi mỗi lạ, mỗi bước chân mỗi thấy tuyệt vời. Nhìn không biết chán. Mỏi chẳng muốn dừng… thật có đi có trải” - Linh đọc một đoạn tâm đắc trong tập truyện Dế mèn phiêu lưu ký mà cậu con trai của mình được các bác sĩ tặng trong chuyến đi rồi nhẹ giọng trải lòng: “Làm điều mình thích và hữu ích cùng người mình yêu thương trên hành trình xÈ xuyên Việt kết nối bạn bè, đó là điều mà chúng tôi mong muốn nhất”.