Năm 2018 chứng kiến hơn 50 phim Việt ra rạp, nhưng số phim thắng doanh thu chỉ trên đầu ngón tay. Hàng loạt phim dù dùng đủ chiêu trò quảng bá, ăn theo tên tuổi nghệ sĩ, mua kịch bản nước ngoài... vẫn chết.
Những “cái chết” bởi chiêu trò
Không thể lấy lý do khán giả Việt quay lưng với điện ảnh Việt để “đổ thừa” được nữa. Bởi thực tế nếu phim hay, khán giả vẫn sẵn sàng móc hầu bao mua vé xem phim Việt. Bằng chứng là trong khoảng 700 tỷ doanh thu phim Việt trong năm 2018, có những phim lọt vào top doanh thu trăm tỷ. Xếp theo doanh thu, năm phim Việt “hot” nhất 2018 lần lượt là: Siêu sao siêu ngố (110 tỷ), Chàng vợ của em (87,1 tỷ), Lật mặt 3 (85,5 tỷ), Tháng năm rực rỡ (84 tỷ) và 798Mười (55 tỷ). Ngoài một số phim huề vốn hoặc lời chút đỉnh thì trên dưới 30 phim lỗ nặng.
Nguyên nhân quan trọng nhất khiến các phim kể trên có doanh thu cao là chọn đúng điểm rơi công chiếu. Như Siêu sao siêu ngố chẳng có nội dung đặc sắc gì nhưng lại đạt doanh thu cao ngỡ ngàng nhờ “ăn” nguyên mùa Tết năm ngoái.
Có rất nhiều lý do khiến hàng chục phim Việt thất bại, trong đó nổi bật nhất chính là lầm tưởng thị trường điện ảnh “ngon ăn”. Trong năm 2018, hàng loạt nhà sản xuất, nhà đầu tư từ những lĩnh vực chả liên quan tới nghệ thuật thứ bảy bỗng “nhảy xổ” vào bỏ tiền đầu tư phim. Các nhà đầu tư mạnh tiền nhưng hoàn toàn mơ hồ về thị trường điện ảnh. Họ thuê đạo diễn tay ngang, thuê biên kịch sao chép kịch bản, thuê diễn viên mà họ thích… để rồi sản phẩm ra lò là những mảnh ghép rời rạc. Nhiều nhà đầu tư vẫn giữ tư duy “bỏ tiền là có quyền quyết tất cả”, đạo diễn chỉ là kẻ làm thuê, vì thế bộ phim trở thành một sản phẩm tả pín lù, đủ lỗi ngớ ngẩn.
Khi phim không ổn, các nhà sản xuất bèn bắt tay giới truyền thông bày ra chiêu trò scandal hòng cứu vãn. Nổi bật nhất trong năm 2018 chính là scandal tình tay ba Kiều Minh Tuấn - An Nguy - Cát Phượng. Thế nhưng chiêu trò này không thành công do khán giả bây giờ không còn dễ mắc lừa bởi những trò bẩn.
Song Lang là bộ phim không đạt doanh thu cao, không chơi chiêu trò bẩn nhưng để lại dấu ấn đẹp cho điện ảnh 2018 khi khơi gợi một niềm đam mê cải lương của người Nam bộ.
Thế hệ đạo diễn trẻ với chất liệu Việt
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào doanh thu, chiêu trò để đưa ra nhận định về sự phát triển của điện ảnh Việt e sẽ không đầy đủ, chính xác.Trong danh sách các phim không vào top doanh thu cao, vẫn có những phim được đánh giá là tín hiệu khởi sắc cho điện ảnh Việt. Các bộ phim Song Lang, Nhắm mắt thấy mùa hè, Vai diễn đổi đời, Ống kính sát nhân, Dream man: Lời kết bạn chết chóc… không có doanh thu tốt, thậm chí lỗ nhưng lại mang đến cho khán giả những êkíp làm phim trẻ, mới mẻ, hứa hẹn sẽ là thế hệ làm phim mới, văn minh cho điện ảnh Việt như Leon Quang Lê, Cao Thúy Nhi, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Hữu Hoàng, Roland Nhân Nguyễn…
Trong đó, Song Lang của đạo diễn Leon Quang Lê là một bước đi thông minh của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Cô là người luôn chọn chất liệu Việt để đưa vào phim điện ảnh và đưa thành công. Trước bộ phim về cải lương Song Lang, Ngô Thanh Vân từng thực hiện phim từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám với tên gọi Tấm Cám: Chuyện chưa kể; đưa tà áo dài vào Cô Ba Sài Gòn.
Thánh Gióng, Thằng Bờm… lên phim
Sau Tấm Cám, các hình ảnh của Thánh Gióng, Thằng Bờm, Ông Kẹ, Thạch Sanh, Sơn Tinh-Thủy Tinh và cả Trạng Tí từ truyện tranh Thần đồng đất Việt sẽ được Ngô Thanh Vân đưa lên màn ảnh rộng.
Hành trình làm phim Việt với cốt truyện là chất liệu Việt, những êkíp làm hậu kỳ hoàn toàn Việt là một thử thách cho chính nhà sản xuất lẫn khán giả. Bởi thực tế người Việt đã không quá mê đắm văn hóa Việt, khi chuyển thể sang điện ảnh, nhà sản xuất còn phải chú ý những yếu tố thị trường, xu hướng… để thu hút khán giả trẻ đến rạp.
Giữa làn sóng mua kịch bản phim nước ngoài, tại sao Ngô Thanh Vân lại chọn cách khai thác những truyện cổ tích, văn học Việt Nam làm đề tài cho phim? Cô trả lời: “Việc khai thác những truyện cổ tích, những tác phẩm văn học Việt Nam làm chủ đề cho phim không phải là quyết định dễ dàng. Thực sự nó cũng không phải là điều gì quá mới mẻ, ở những nước khác họ cũng tận dụng nguồn tư liệu này rất tốt để tạo ra những bộ phim gây tiếng vang lớn. Mong muốn của Vân là mang những giá trị truyền thống của người Việt của mình đến gần hơn với khán giả trong và ngoài nước”.
Ngược lại, êkíp đạo diễn Lý Minh Thắng, nhà sản xuất Tài Đỗ với nhiều phim khai thác chất liệu văn hóa Nam bộ lại cho rằng lý do chính họ chọn văn hóa Nam bộ để đưa vào phim chính là thêm hương vị cho những câu chuyện phim vốn đã quá quen thuộc kiểu mẹ chồng nàng dâu, tình yêu đôi lứa…
Bộ phim Cô Ba Sài Gòn đã tạo nên một trào lưu áo dài cô Ba Sài Gòn trong đời thực suốt hơn một năm qua. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp
Phim remake cũng phải “xào nấu” lại
Đạo diễn Đức Thịnh, một gương mặt chuyển từ sân khấu sang làm phim điện ảnh và có nhiều phim doanh thu tốt cũng ấp ủ một dự án bom tấn về lịch sử Việt Nam. Nhưng ngay thời điểm này, anh khẳng định: “Không dễ đụng đến những đề tài văn hóa, lịch sử. Ngoài yếu tố thị trường thì ngay chính mình cũng cần tìm ra một kịch bản thật tốt; tạo được đội ngũ đủ năng lực, chuyên môn, đam mê và cùng chí hướng”. Dù vậy, mùa Tết này anh cũng cố gắng đưa đến khán giả bộ phim Trạng Quỳnh, một phim hài cổ trang với hình ảnh Trạng Quỳnh hài hước.
Thực tế, việc chọn lựa nội dung chủ đề để xây dựng một bộ phim về văn hóa, lịch sử có thể kéo khán giả đến rạp là điều không hề dễ. Nhưng điện ảnh Việt chỉ cần nhìn sang điện ảnh Hàn Quốc sẽ thấy, điều giúp họ níu được khán giả nội địa lẫn quốc tế chính từ gốc rễ những bộ phim từ món ăn, trang phục, suy nghĩ, bối cảnh… đều rất Hàn Quốc.
Có thể nói việc phát triển một bộ phim ở thị trường nội địa đã không dễ dàng, huống chi bàn tính xa hơn đến việc mang nó ra khỏi phạm vi lãnh thổ. Con đường duy nhất để lấy lòng khán giả nội địa lẫn nước ngoài chính là văn hóa gốc của đất nước được xuất hiện ý nhị trong phim. Ngay cả những bản phim “remake” mua kịch bản nước ngoài thời gian qua thành công ở thị trường Việt Nam thì trước tiên cũng phải “xào nấu” lại bằng nước mắm, rau muống… chứ không thể để nguyên gốc kim chi, củ cải.
“Chính những câu chuyện, truyền thuyết được bà mình, mẹ mình kể khi xưa (là thứ mà điện ảnh thế giới không có được) sẽ là yếu tố để phim Việt cạnh tranh với các nền điện ảnh khác” - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân chia sẻ.