Làng tôi nằm ven sông Bạc Liêu có cái tên chân quê là xóm Chà. Chẳng biết tên gọi có tự bao giờ, người làng cứ suy luận rằng nó xuất hiện từ khi có nghề chất chà truyền thống. Hằng năm khi gió chướng chớm thổi, cây so đũa trước nhà trổ bông, ta bắt đầu thèm món canh chua cá chốt bằng cẳng cái nấu với bông so đũa… là bắt đầu mùa chất chà của xóm. Cả xóm đổ xô về các bến sông. Nếu như vụ lúa là để có cái ăn suốt năm thì mùa chất chà là mọi nỗ lực cho một cái Tết được vui vẻ. Quần áo mới, nồi bánh tét, vài cặp dưa hấu… Tất tật đều trông cậy vào mùa chà.
Đầu tiên người ta hạ những cây bần, cây mắm cho chúng rụng lá, sau đó đi tìm nơi định vị cho những đống chà, gọi nôm na là “bến chà”. Tìm được bến chà trúng cá tôm là một việc rất khó. Ở quê tôi có nhiều người chọn bến chà rất nổi tiếng. Quanh họ có nhiều chuyện kỳ bí như lập đàn khấn vái “bà thủy” rồi xõa tóc lặn xuống sông làm phép kêu gọi âm binh lùa cá về chà. Việc ấy linh ứng thật không thì tôi không biết, nhưng có những đống chà cách nhau 20-30 m mà một đống thì chỉ dăm ba ký cá, một đống lại vài trăm ký.
Bến chà được cào hết sình non rồi cặm gượng (thành ô chữ nhật) dài 30 m, ngang 0,5 m, sau đó chất chà vô cho đầy. Thông thường 25-30 ngày dỡ chà một lần, tùy thuộc vào dự báo chà có cá nhiều hay ít. Trước khi dỡ, người ta rang cám hoặc bổ thuốc Bắc (toa này rất bí mật) để thảy xuống dụ cá. Khuya chủ nhà đến rình nghe cá “ăn mống” trong chà rồi mới quyết định dỡ. Dỡ chà cần 7-10 người có kinh nghiệm, trong đó có hai người lặn giỏi người ta đem đăng, lưới bao xung quanh, đưa chà lên bờ xong thì lặn “rạng” vào, chừa cái rọ chừng 2 m2. Khi này cá tôm đã đặc cứng, chỉ cần đưa vợt xuống xúc. Hồi đó tôm cá nhiều vô kể, có những đống chà thu 5-7 chục ký cá chẻm, 2-3 chục ký tôm, rồi cá lóc, cá ngát, cá lăng, cá nâu… Có những con cá chẻm nặng 5-7 ký. Đống chà nào xui xẻo thì xúc đầy một xuồng tam bản cá chốt, bán chẳng ai mua, chỉ đem làm mắm. Mà hồi đó tôm cá rẻ như bèo, tôm càng bán như cho, ai muốn ăn bao nhiêu tùy thích.
Xứ tôi mỗi nhà đều có năm bảy đống chà, tùy khả năng lao động của gia đình. Chà mọc liền nhau, đặc kín hai bờ sông. Mỗi lần dỡ chà, gia chủ thông báo thì trai tráng ở xóm tự giác mang dụng cụ đến giúp, bất kể khuya sớm. Có những đêm rất khuya gió bấc lạnh thấu xương (vì dỡ chà phụ thuộc vào thủy triều) phải lặn xuống nước nhưng người ta cũng vạn vần đổi công đều đặn. Mối quan hệ thân ái này đã thành nếp sống lâu đời ở xóm Chà. Những đêm khuya dỡ chà thì tiếng í ới vang động một khúc sông, người ta nghỉ tay nướng tôm, mỗi người cầm một con tôm càng bằng nắm tay để nhâm nhi với rượu đế cho ấm. Người đến giúp được gia chủ đãi một bữa cơm rượu thật ngon. Muốn ăn bao nhiêu tôm, cá tùy thích. Khi về được biếu cho một mớ tôm cá làm quà.
Chuyện về xóm chà của tôi đã cách đây 30-40 năm. Sông nước thì lạnh lẽo và vô tri, vậy đó mà từ khi nghề chất chà xuất hiện thì tự nhiên dòng sông quê tôi có hồn. Những năm lớn lên đi xa, cái hồn sông nước ấy cứ bám theo tôi để gợi thương gợi nhớ quê nhà.
Một ngày giật mình ngẫm lại, các xóm làng ven sông có tên gọi xóm Chài, xóm Lưới… đã mất phiên hiệu, đã lặn sâu vào vũng thời gian nào, thay vào đó là những xóm Tân Lập, Tân Tạo… vô hồn. Xóm Chà của tôi cũng ra đi, nghề chất chà truyền thống mất đi từ thuở nào không ai nhớ. Mỗi lần về quê ra đứng trên bến sông, cái đập vào mắt tôi là một dòng sông hoang vắng. Nguồn lợi trên sông đã không còn thì người ven sông lên bờ chạy chợ bung ra làm ăn. Tình cảm gắn bó giữa các dòng sông và con người đã trở nên nhạt phai.