Một trong những đặc trưng của Sài Gòn là “đô thị sông nước”. Vùng đất này là nơi gặp gỡ của hai dòng sông lớn Đồng Nai và Sài Gòn để cùng đi ra biển; có những kinh rạch mà mức độ lưu thông có thể sánh ngang những con đường giao thông quan trọng nhất như rạch Bến Nghé, kinh Tàu Hủ, kinh Tẻ kinh Đôi...; có những con rạch quanh co xuyên qua thành phố như Nhiêu Lộc, Thị Nghè; có khu vực chằng chịt kinh rạch lớn nhỏ như vùng Chợ Lớn, có con rạch mang tên cả một làng nghề sầm uất và nổi tiếng là rạch Lò Gốm, có cả kinh đào thẳng tắp một thời quan trọng như kênh Ruột Ngựa. Và Sài Gòn còn là nơi cửa sông gặp biển ở Cần Giờ...
Phố đã khởi nguồn từ sông
Nhiều con đường ở đô thị Sài Gòn, Chợ Lớn xưa bắt đầu từ sông Sài Gòn – rạch Bến Nghé, nổi tiếng như đường Đồng Khởi hay đường Nguyễn Huệ (từ việc lấp kinh Chợ Vải nên xưa còn gọi là đường Kinh Lấp)... Nhưng hình thành trước đó là đường ven sông đồng thời là hệ thống bến, bãi của một thời “trên bến dưới thuyền”. Rồi Sài Gòn phát triển đô thị kiểu phương Tây với nhiều đường “dọc” bắt đầu từ sông đan xen với đường “ngang” tạo thành những “ô vuông bàn cờ”, “phố ven sông” được coi là “mặt tiền” của đô thị này.
Trên mỗi chuyến bay về Sài Gòn, khi tiếp viên hàng không nhắc nhở “cài dây an toàn, mở tấm che cửa sổ” là tôi biết đã gần đến nhà. Lần nào cũng vậy, dù ngày hay đêm tôi cũng nhìn qua cửa sổ xuống dưới kia. Thành phố của tôi hiện ra đầu tiên là những dòng sông. Sông rạch ở Sài Gòn không đậm màu phù sa như sông nước miền Tây, cũng không trong xanh như vùng nước lợ nhiễm phèn ven biển và có thể nhận diện dễ dàng bằng những vệt nhà cửa hai bên bờ. Ban đêm ánh đèn như đường dài ở hai bên một đường đen thẫm...
Có lẽ không ở đâu mật độ nhà ven sông dày đặc như ở Sài Gòn. Dày đến nỗi nhiều con đường không thể đi song song bên bờ sông mà phải len lỏi vòng vo giữa những khu nhà. Muốn ra đến bờ sông, người ta phải theo những con hẻm ngoằn ngoèo càng đi càng mất hút, mãi mới nhìn thấy sông. Trước kia phố ven kênh rạch hình như không bao giờ thấy bình minh, ban ngày ánh sáng chỉ nhờ nhờ. Còn đến chiều, bóng tối, không thèm đợi hoàng hôn, sụp xuống rất nhanh. Phố lúc ấy hầu hết là những xóm nhà cấp bốn, nhà sàn lội ra giữa kinh rạch... Sông khi ấy hầu hết là đen thui, nước đặc quánh mùi hôi lưu cữu hàng chục năm... Trên kinh rạch Sài Gòn từ lâu đã ít ghe tàu thông thương, chỉ vài đoạn có cảnh “trên bến dưới thuyền” vào những ngày giáp Tết.
Nhưng khoảng mươi năm gần đây cảnh quan này đã có nhiều thay đổi.
Bắt đầu từ việc mở đại lộ Võ Văn Kiệt từ quận Một đến Nhà Bè, Bình Chánh. Rồi rạch Bến Nghé, kinh Tẻ kinh Đôi vào Chợ Lớn, đến lưu vực Nhiêu Lộc, Thị Nghè, Lò Gốm... được nạo vét, kè bờ gọn gàng thì “xóm nhà mái tôn vách ván” trên sông rạch đã lần lượt biến mất. Con đường mới thành hình hai bên bờ làm lộ diện những ngôi nhà nhếch nhác, xấu xí. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, chúng được sửa sang hay xây mới rất nhanh. Những con hẻm ngoằn ngoèo cũng mở rộng hơn, tráng xi-măng sạch sẽ. Phố ven sông ngày nào giờ trở thành phố thị với những ngôi nhà mặt tiền đẹp đẽ, hàng quán khang trang.
Và sông, nước đã trong hơn, hầu như không còn nặng mùi dù trong ngày nước ròng nắng gắt. Người ta đã có thể thả cá xuống kinh rạch, đã dự kiến có tàu du lịch xuôi ngược. Hai bên bờ bây giờ là thảm cỏ vườn hoa, đường đi bộ và hàng cây xanh... Phố của sông, sông của phố bên nhau như một đôi bạn thân.
Liệu có lúc nào đó những khối bê tông kính thép sừng sững hai bên bờ sẽ biến sông Sài Gòn thành một dòng kênh cô đơn, không còn phố, không còn đường làm bè bạn?
Sông và phố nương náu hồn nhau
Sài Gòn từ khi hình thành đô thị thì “sông của phố” là đường giao thông trong nội đô và ra ngoại tỉnh. Từ đường thủy, tính chất giao thương của Sài Gòn đã phát triển. Không phải tự nhiên mà cùng với việc xây thành Gia Định, chúa Nguyễn Ánh đã dựng Xưởng Thủy nơi rạch Thị Nghè gặp sông Sài Gòn, sau này là công xưởng Ba Son nổi tiếng. Từ Xưởng Thủy nghề đóng tàu của người Việt Nam đã trở thành một ngành công nghiệp, nhất là từ cuối thế kỷ 19 khi kỹ thuật đóng và sửa chữa tàu của phương Tây được ứng dụng tại đây.
Nơi ngã ba sông Sài Gòn tách một dòng là rạch Bến Nghé đi vô Chợ Lớn có cột cờ Thủ Ngữ làm tín hiệu cho tàu ra vào cảng, có bến Nhà Rồng trước là trụ sở của một công ty tàu biển... Dọc rạch Bến Nghé tiếp đến kinh Tàu Hủ, rồi kinh Tẻ, kinh Đôi hồi đó đất đai rộng rãi, cặp sát bờ sông phía quận Tư, quận Tám còn là vùng đất khá trũng và hoang sơ. Từ đó dần mọc lên hệ thống bến bãi, nhà máy xay xát lúa gạo, nhà máy sản xuất rượu, nước ngọt, thuốc lá, xà bông... Có thể nói sự kết hợp giữa “phố và sông” ở Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19 làm nên những khu công nghiệp và cảng thị. Tại đây tiếp nhận nông sản từ miền Tây lên, xuất cảng lúa gạo, hàng hóa ra nước ngoài. Tại đây có một số chợ đầu mối mua bán hàng hóa sỉ, lẻ cho cả Sài Gòn, Chợ Lớn, xuống miền Tây, ra miền Đông, miền Trung...
Ven sông về phía quận Một, quận Năm, quận Sáu là phố thị. Có nhà máy đèn Chợ Quán và những dãy nhà một trệt một lầu san sát mặt tiền buôn bán sầm uất. Xưa “trên bến dưới thuyền” chủ yếu phía bên này (bên kia nhà máy thì tàu lớn, xà lan), từ rằm tháng Chạp đến ngày 30 Tết ghe chở cây kiểng bông chưng, dưa hấu, trái cây các loại, cả ghe chở than đước ông lò đất, ghe chiếu “Cà Mau” về đậu kín bến sông, ván bắc liền ghe nọ qua ghe kia, trên bờ hình thành chợ Tết.
Sông ở giữa chia đôi hai nửa thành phố, nhưng bên này bên kia liên kết với nhau bởi cùng tính chất kinh tế thương mại, có lẽ tính chất này bắt đầu từ ngôi chợ đầu tiên của thành Gia Định nằm ở bến sông Sài Gòn (khu vực chợ Cũ ngày nay): chợ Bến Thành. Sài Gòn được hình thành từ những dòng sông của phố và phát triển nhờ những đường phố của sông. Bản sắc Sài Gòn cũng là ở đó. Sông rạch và hệ thống cảng thị là yếu tố địa-kinh tế giúp Sài Gòn phát triển nhanh chóng, một thời từng là trung tâm của khu vực Đông Nam Á.
Và sợ mai sau phố xa lạ với sông
Giờ đây, khi thành phố mở rộng nhiều hơn trước, sông Sài Gòn vẫn chia thành phố làm hai nửa: bên quận Một, quận Ba, quận Năm… là trung tâm đô thị cũ, nơi chứa đựng nhiều di tích lịch sử của 320 năm Sài Gòn kể từ năm 1698. Bên kia là quận Bảy, quận Hai, quận Chín, quận Thủ Đức là vùng đô thị hóa nhanh chóng, hiện đại như Phú Mỹ Hưng, bán đảo Kim Cương… Xa hơn là đô thị biển Cần Giờ đang thay đổi từng ngày. Một khúc uốn quanh của sông Sài Gòn ôm trọn bán đảo Thủ Thiêm, nơi mà theo quy hoạch sẽ là một thành phố mới.
Khu vực cảng lâu đời như Ba Son, Tân Cảng, Khánh Hội ven sông Sài Gòn… đã di dời vì không còn phù hợp trong một thành phố ngày càng mở rộng. Lẽ ra ven sông phải là công viên, cây xanh, bến du thuyền hay đơn giản chỉ là thảm cỏ, vườn hoa, quán cà phê… để người dân có thể thoải mái đến đây nghỉ ngơi và ngắm nhìn dòng sông, con kinh ngày hai lần nước lớn nước ròng, để hít thở ngọn gió trong lành mang theo hơi biển, để những dòng sông vẫn gắn bó với đường phố như trăm năm nay. Thế nhưng ở đó các dự án nhà cao tầng cứ mọc lên dày đặc, che bờ sông, chắn gió biển, chặn tầm nhìn xa của thành phố. Cứ như thế liệu có lúc nào đó những khối bê tông kính thép sừng sững hai bên bờ sẽ biến sông Sài Gòn thành một dòng kênh cô đơn, không còn phố, không còn đường làm bè bạn?
Là một thành phố gần biển và đang phát triển ra phía biển, sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé… cần được coi là mặt tiền của thành phố. Mặt tiền khang trang, đẹp đẽ, hiện đại, tốt thôi. Nhưng mặt tiền còn là dấu chỉ để nhận dạng ngôi nhà, nhận diện chủ nhân. Hãy đừng để “bản sắc Sài Gòn” biến thành hàng rào bê tông cứng đờ, vô hồn, xa lạ với dòng sông mềm mại và luôn tràn đầy gió biển, xa lạ với những con phố thân thiện luôn tràn đầy sức sống.