Sông Sài Gòn dài 256 km, bắt nguồn từ vùng biên giới Việt - Campuchia (Tây Ninh và Bình Phước), tạo thành hồ Dầu Tiếng, xuôi Bình Dương, qua Sài Gòn rồi hợp lưu với sông Đồng Nai thành sông Nhà Bè, chia thành hai nhánh ra biển Đông là Lòng Tàu và Soài Rạp. Ở phía Tây, con sông Vàm Cỏ như dải lụa mềm uốn khúc qua nhiều vùng thượng tỉnh Long An rồi đổ vào sông Soài Rạp và đi ra biển Đông.
Từ thuở Lễ Thành Hầu Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh Chúa Nguyễn đi khai mở đất phương Nam đến tận những năm đầu thế kỷ 20, Sài Gòn vẫn còn khái niệm “nhất cận thị, nhị cận giang”, giao thương chủ yếu bằng đường thủy. Có lẽ chưa ai hình dung chỉ chưa đầy một thế kỷ sau đó, hội chứng “nhà mặt tiền” đã băm nát vùng đất này.
Trong một tâm thức nửa tò mò nửa nuối tiếc quá khứ, khi ý tưởng khai thác buýt đường sông mới manh nha vẫn chưa thành hiện thực, chúng tôi được một ông bạn mời làm một chuyến du sông với tham vọng tổ chức tour du lịch khai thác mặt nước. Mục đích vừa phục vụ đưa đón thực khách, vừa thưởng ngoạn cảnh sông nước thanh bình, mà lại khỏi tốn thêm chi phí đầu tư mở rộng diện tích mặt đất.
Trong tiết tháng Giêng, sau khi đã quá nhàm với các thực đơn tiệc tùng kiểu nhà hàng, hay các món thịt mỡ ngày Tết thì có lẽ một chuyến du xuân trên sông rạch phía Nam Sài Gòn sẽ không làm bạn thất vọng. Chuẩn bị một vài bếp than đước, cộng với gia vị và đồ uống là có thể làm một chuyến du ngoạn trên sông vừa dân dã mà không kém phần kỳ thú.
Đợi con nước lớn, thuyền bắt đầu khởi hành. Thuyền đi từ rạch Bàng ra kênh Thầy Tiêu, sau đó là đi vào mênh mang sông nước của vùng Bắc Nhà Bè. Tốt nhất là khởi hành vào khoảng 9, 10 giờ sáng, bởi lúc này bạn có thể ghé vào các thuyền của ngư phủ để chọn mua đồ nhắm. Tôm, cua tươi ròng ròng, cá, tép còn nhảy lách tách. Đôi khi còn có cả cá lớn vừa câu lên như cá dứa hay trê, bông lau... Chọn một “hoang đảo” để hạ trại là có thể vào một cuộc chơi rộn ràng giữa trời và nước. Thưởng thức tôm, cá nướng trên than hồng với ly rượu ong non trong cái nắng xuân và những ngọn gió chướng đầu mùa, không quên tất tật những thứ phồn hoa nhân tạo của cái đô thị hiện đại hào nhoáng phía chỉ cách một dòng sông kia mới là chuyện lạ.
Nếu chọn thời điểm xuất phát vào buổi chiều, điều quan trọng là nhớ canh chừng con nước. Bởi vào những con nước lớn chẳng hạn như dịp rằm tháng Giêng, lúc thủy triều lên tới đỉnh, nhiều khả năng thuyền sẽ không có đường về vì vướng những cây cầu mà người làm ra chúng chẳng bao giờ nghĩ đến giao thông thủy.
Khi hoàng hôn vừa xuống, tìm một chỗ neo thuyền lại gần bờ, bạn có cảm giác giống như một người đang lạc giữa hai thế giới: Một bên là vùng hoang vu lau lách, um tùm bần, trâm bầu, dừa nước, một bên là khu trung tâm thương mại phức hợp lung linh đèn đóm. Lúc này, bạn sẽ có một trải nghiệm hoàn toàn khác mà không phải thị dân nào cũng có được. Nếu cuộc chơi kéo dài, chắc chắn bạn phải chuẩn bị theo một cây guitar nữa. Và, nếu đã du sông vào những đêm sáng trăng thì lời khuyên tốt nhất là nên tắt điện thoại di động.
Đi xa hơn nữa về hướng Cần Giờ trên sông Soài Rạp, qua bến phà Cần Giờ - Cần Giuộc nối TP.HCM và tỉnh Long An, bạn sẽ đến thị xã Cần Giuộc. Nơi có món lạp xưởng tôm tươi từ lâu đã là một thương hiệu khá nổi tiếng. Lạp xưởng làm từ giống tôm đất của vùng này liệt vào hạng ngọt và ngon nhất nhì đất Nam bộ. Tôm đất sau khi lột vỏ, lấy hết chỉ lưng, quết chung với các loại gia vị. Đặc biệt không thể thiếu tiêu sọ, một nửa giã nhỏ, một nửa để nguyên hạt trộn với hỗn hợp để khử mùi tanh của tôm và khi nướng lạp xưởng mới dậy mùi thơm.
Người Cần Giuộc còn có cách bảo quản độc chiêu bằng cách dùng nước dừa tươi để luộc lạp xưởng dưới lửa riu riu cho đến khi nước dừa rút hết vào trong lạp xưởng rồi cất vô tủ lạnh. Món lạp xưởng chưng… nước dừa này không những có thể để lâu trong vòng 3-4 tháng, mà còn trông đẹp hơn, vị cũng thơm hơn.
Nếu muốn qua đêm trên sông, tốt nhất là chọn điểm cù lao Tân Lập. Bạn cứ nằm im nghe tiếng sóng rì rào và cảm nhận sự khác biệt của nhịp chòng chành, tiếng gió vi vu thổi qua mành là một trải nghiệm khá thú vị đối với những cư dân thời hiện đại.
Những trải nghiệm đó, có muốn quên cũng không thể được…
Trong kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy trên địa bàn đến đến năm 2020, TP.HCM mong muốn xây dựng ít nhất bảy chương trình du lịch đường thủy khai thác trên các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và các tuyến kênh rạch nội đô. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tất cả mới chỉ là ý tưởng. |