Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố San Diego, bang Califonia (Mỹ), cũng là nơi có nhiều người Việt sinh sống. Lớn lên một chút, tôi khá quan tâm đến văn hóa Việt Nam nhưng lúc đó chưa thể nào hiểu được cặn kẽ, đầy đủ về đất nước này. Rồi cuộc sống với những cơ duyên đặc biệt đã đưa tôi đến với Sài Gòn và với đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Du lịch bụi xuyên Việt
Năm 1997, tôi lần đầu đặt chân đến Việt Nam khi vừa tốt nghiệp đại học. Hành trình đầu tiên của tôi là chuyến du lịch bụi xuyên Việt, từ Sài Gòn ra Hà Nội trong vòng một tháng bằng xe đò.
Điều ấn tượng nhất mỗi nơi tôi đến là khi lần bước vào quán cà phê, quán bia hơi hay quán ăn nào đó thì dường như người ta không để tôi phải ngồi một mình. Thời đó, đường Nguyễn Thái Học, quận 1 có rất nhiều quán bia hơi. Mỗi khi tôi bước vào quán, gọi một chai bia ngồi một mình thì người dân ở đó luôn mời: “Ồ, you, you… qua đây”! Tôi thấy rất thú vị mặc dù chưa biết nói tiếng Việt.
Người Sài Gòn dù nghèo hay giàu đều rất cởi mở. Họ muốn chia sẻ về đời sống của họ và thích nói chuyện về mọi thứ. Điều đó khiến tôi có cảm giác mọi người đều là nhà trí thức. Tôi nghĩ mình vừa tốt nghiệp đại học, cũng là trí thức nên tiếp xúc với họ tôi thích lắm. Ngay lập tức, tôi nhận thấy Việt Nam rất hay và quyết định sẽ nghiên cứu về đất nước này.
Tôi học ngành nhân học và đối với ngành học này, không có gì tuyệt vời bằng việc được sống, sinh hoạt và trò chuyện cùng với người dân bản địa. Để am hiểu về lịch sử đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, tôi đã học và nói tiếng Việt rành rẽ. Thời điểm đó, rất nhiều người đã chọn Hà Nội hoặc các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng để nghiên cứu. Riêng tôi muốn nghiên cứu về Sài Gòn nên đã xin cô giáo dạy tiếng Việt cho phép tôi được học tiếng Việt giọng Sài Gòn. Trong suốt thời gian ở Sài Gòn, tôi nghiên cứu các vấn đề liên quan đến quá trình đô thị hóa tại thành phố này.
Năm 2010, Erick Harms chính thức nghiên cứu về đô thị hóa tại TP.HCM. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Người Sài Gòn chân chất
Có rất nhiều điều để tôi yêu mến Sài Gòn, trong đó điều tuyệt vời nhất là tinh thần của người dân. Chính hình ảnh và cuộc sống của người dân đã để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng, cả những niềm vui, sự thú vị, có cả những nỗi buồn khi chứng kiến cuộc sống đầy bế tắc của họ.
Nhiều người gặp tôi thường hay hỏi: “Ô, hẳn là Erik yêu Sài Gòn lắm ha?”. Tôi nói tôi không thể yêu được một thành phố nếu không yêu con người nơi đó. Con người mới là quan trọng nhất, thành phố chỉ là cơ sở vật chất thôi. Một căn nhà xây bằng xi măng rồi đập đi cũng không sao, nhưng nếu làm hư đời sống của con người thì việc này làm cho tôi cảm thấy bứt rứt.
Thật tiếc là điều đó đã không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển. Tôi còn nhớ rất rõ về ông ấy, một người dân sống bằng nghề chèo thuyền đưa khách du lịch trên sông Sài Gòn. Tôi biết ở Việt Nam thường có hai lối sống là thành thị và nông thôn và cả hai lối sống này đều có những điểm rất thú vị. Ở ông ấy đã quy tụ được cả hai lối sống này.
Ông có thói quen không mặc áo, mỗi ngày vui vẻ chèo thuyền chở khách du lịch trên sông để kiếm tiền. Tôi thấy ông rất hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống mà mình đang có, cho đến khi ông được đưa lên một chung cư để tái định cư. Tôi rất ngạc nhiên vì một người hào sảng, dân dã như thế, sao có thể sống ở chung cư. Lên đó, ông mất căn nhà cũ, mất thuyền, mất luôn cả một lối sống lý tưởng mà ông đã xây dựng nên. Tôi thấy ông buồn lắm. Dĩ nhiên, tôi cũng rất buồn.
Nỗi buồn phố thị
Điều khiến tôi trăn trở và buồn nhất là có nhiều người phải rời xa mảnh đất đã từng gắn bó rất nhiều thế hệ để đến một nơi ở khác để xây dựng đô thị mới. Với họ, mỗi mảnh đất, mỗi căn nhà gắn liền với bao nhiêu kỷ niệm của nhiều thế hệ trong một gia đình.
Theo tôi hiểu về quan điểm của người Việt lâu nay, nếu mất đất thì không chỉ là mất giá trị tiền bạc mà là mất một phần hoặc mất hết quê hương của họ. Đây mới chính là thứ quan trọng nhất.
Quá trình nghiên cứu và cho đến tận bây giờ, tôi nhận thấy tư tưởng của người dân cũng đã thay đổi nhiều. Năm 1997, khi tôi đến Sài Gòn, người dân thành phố lúc đó còn nghèo nhưng lại có nhà ở cố định và căn nhà của họ từng là nơi sinh sống của ông bà tổ tiên nhiều đời. Họ thích được ở nhà dưới đất chứ không thích sống trong các căn hộ chung cư. Tuy nhiên, mỗi lần đến Sài Gòn, tôi lại chứng kiến một sự thay đổi. Người ta bắt đầu quy đất đai ra tiền bạc mà quên mất rằng miếng đất, căn nhà chính là lịch sử của mỗi gia đình, dòng họ, là nơi chôn nhau cắt rốn của biết bao thế hệ. Rộng ra nữa thì chính lịch sử của mỗi căn nhà góp vào dòng chảy lịch sử của cả thành phố.
Sài Gòn bây giờ gần như trở thành một xã hội di động. Nhiều người vừa mua một căn nhà để ở, nhưng thấy được giá thì sẽ cho thuê hoặc bán để mua chỗ khác để hưởng phần chênh lệch. Họ thích sống tại những căn hộ tiện nghi trong các khu đô thị sang trọng. Tôi không hiểu được gia đình di chuyển liên tục như vậy thì cuối cùng căn nhà của mình sẽ ở đâu, bàn thờ gia tiên ở đâu, làm đám giỗ chỗ nào. Nếu vậy, các giá trị truyền thống, vốn là nét đặc trưng quý giá của người Việt, sẽ dần mất đi. Điều này khiến cho tôi cảm thấy rất buồn, dù dĩ nhiên tôi hiểu ai cũng có nhu cầu được sống ở nơi có tiện nghi. Nói về mặt khoa học thì đó là quá trình chuyển đổi, tôi không đánh giá quá trình đó là tốt hay xấu, nhưng đó là điều rất đáng để suy nghĩ.
Erick Harms sinh năm 1974, hiện đang là phó giáo sư, tiến sĩ ngành nhân học tại Trường Đại học Yale, Mỹ. Năm 2000, anh chính thức đến TP.HCM để nghiên cứu về nhân học đô thị. Erik từng được Trường Đại học Cornell và Trường Đại học Yale (Mỹ) cấp học bổng để thực hiện các dự án nghiên cứu về đô thị tại TP.HCM.
Erik từng xuất bản hai cuốn sách về đô thị hóa tại Sài Gòn: Saigon’s Edge: On the Margins of Ho Chi Minh City - tạm dịch: Bên lề Sài Gòn (xuất bản năm 2011) và cuốn Luxury & Rubble (Xa hoa và Đổ nát), xuất bản năm 2016. |