Chúng tôi về miền Tây không chỉ vì cảnh đẹp nơi đây mà còn vì những con người rất hồn hậu, thật thà, dễ thương.
Tôi không dám chắc là tất cả, nhưng phần lớn những người đã từng về miền Tây đều có chung cảm nhận như thế. Nơi đây có tình người nồng hậu khiến cho mọi người dù lạ vẫn cảm thấy thân thương như chính người nhà, chính quê hương mình.
1. Chuyện về chiếc ba lô
Chị bạn tôi tên Dung kể, có lần chị về miền Tây dự sinh nhật con của một người bạn. Đường chiều muộn nhập nhoạng không ánh đèn, vừa nhỏ vừa cua vuông góc nên những người Sài Gòn như chị không quen chạy xe xém té mấy lần.
Bình minh trên chợ nổi miền Tây.
Dù cẩn thận cách mấy nhưng rồi cuối cùng cũng vẫn té cả xe cả người xuống đường, may mà không rớt xuống kênh. Tới nơi tìm quần áo để thay chị mới biết cái ba lô đựng đồ treo trên xe đã rớt đâu mất. Trong đó không có nhiều tiền, nhưng có cái máy chụp hình và vài bộ đồ.
Đang buồn rầu vì tiếc cái máy có cả đống hình chưa kịp lưu lại thì anh bạn chủ nhà kêu chị ra có người gặp. Lạ quá, chị có quen ai ở đây đâu. Còn chưa hết ngạc nhiên thì nhận ra cái ba lo của mình đang ở trên tay một người đàn ông trung niên với nụ cười hiền hậu đặc trưng của người miền Tây.
Người đàn ông ấy kể trên đường đi thì nhìn thấy cái giỏ rớt bên gốc dừa, mở ra thấy bên trong lại có quần áo thì ông chắc người chủ chiếc ba lô đi xa nên mới mang theo mấy bộ đồ. Ở xóm này chỉ nhà ông Tú có đám thôi nôi cháu nên chắc khách xa về chơi. Nghĩ vậy nên ông ghé nhà hỏi thử, ai ngờ trúng phóc.
“Sau khi đưa ba lô cho tôi, chú ấy còn nói mở xem thử xem có mất gì không. Cái thật thà của người miền Tây ấy tôi thấy thương ngay dù chỉ lần đầu gặp mặt” - chị Dung xúc động.
2. Anh bán hàng ở chợ nổi dễ thương
Trong một chuyến du lịch miền Tây, chị Xuân cùng gia đình muốn đi thăm chợ nổi, đi thuyền trên sông để biết sinh hoạt của người dân miền sông nước.
Ghe bán đủ loại trái cây trên chợ nổi.
Đi chợ nổi lúc trời còn chưa sáng, ngồi trên thuyền gió khá lạnh, mặt trời chưa lên, những vệt sáng phía chân trời chỉ mới le lói. Trên quãng đường cả 10 km đường sông, vô tới gần chợ nổi, những người dân trên những chiếc thuyền nhỏ chở đầy trái cây, tấp bên cạnh tàu khách mời gọi.
“Trái cây rất rẻ, chúng tôi mỗi người mua 5kg, 10kg, trái nào cũng to, cũng tươi. Nhưng dễ thương nhất là lúc đặt lên cân, dù số cân đủ nhưng anh bán hàng vẫn nhanh tay nhặt bỏ thêm vào túi một trái xoài to, hoặc vài trái vú sữa, ước chừng cũng cả nửa kg nữa, rồi cười hì hì: Em lấy ở trong vườn ra nên tặng thêm cho các chị cho vui” – chị Xuân kể lại.
Ngồi trên tàu, đoàn của chị lần lượt ghé thăm các làng nghề bánh tráng, cốm nổ,… Anh lái tàu dặn dò rất cẩn thận, bảo khách cứ để trái cây, đồ nặng trên tàu, anh sẽ trông giúp cho. Ở đây người dân thật thà lắm, chẳng ai lấy đâu. Và anh cứ ngồi trên tàu dù lúc này trời đã nắng, chỉ để trông đồ cho khách.
3. Và đây là câu chuyện của chị Hoài
Chị kể lần xuống miền Tây chị ấn tượng lắm với khung cảnh nơi này khi tận mắt thấy những con sông rộng, thuyền bè đi lại tấp nập.
Chiều đó, ngồi nghỉ chân tại một bến sông, phía trên có cây bàng che mát, gió từ sông thổi vào mát rượi. Đứa nhỏ con chị đi nhiều mặt nóng bừng, thấy bên gốc cây có xe nước dừa mở nhạc lớn, nó tò mò lại gần, vừa đứng vừa nhảy. Anh bán nước dừa thấy khách du lịch ngồi đông, sợ ồn, bèn tắt nhạc.
“Nhạc vừa tắt thì bé con tôi la lên. Anh thấy vậy hỏi ngay: “Ủa con đang nghe hả?”, rồi nhanh chóng tìm trong list nhạc một bài hát cho trẻ con rồi nhảy theo nhạc với bé như đã quen từ lâu. Có mảnh đất nào mà con người lại thân thương đến thế, gần gũi đến thế…” – chị chia sẻ.