‘Viết từ thành phố lockdown’: Thương lắm Sài Gòn những ngày như thế!

‘Viết từ thành phố lockdown’. Ảnh: FBNV

‘Viết từ thành phố lockdown’ là một cuốn sách của một bác sĩ và một nhà văn. Nhưng nếu bạn muốn tìm những câu chuyện rùng rợn, giật gân câu khách trong mùa dịch bệnh vừa qua thì tôi e, cuốn sách này không hẳn. 

Có khóc, có cười, có những câu chuyện bàng bạc nhưng đọc ngẫm thấy đau, thấy tủi, thấy thương Sài Gòn những ngày tháng ấy vô cùng. ‘Viết từ thành phố lockdown’ của nhà văn Trần Nhã Thuỵ và bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh đưa bạn đọc đi qua những cung bậc cảm xúc như vậy.

1.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) năm nay đã gần 60 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh và nhà văn Trần Nhã Thuỵ. Ảnh: FBNV

“Cuối tháng 7, đầu tháng 8 người dân chết nhiều quá. Tôi chuyên khoa mắt, gần như chẳng liên quan gì đến chống dịch. Tôi đi tới đi lui hoài, bà con như vậy, tôi tự hỏi tôi là bác sĩ làm cái gì? Thấy bà con chết nhiều như vậy, tôi là bác sĩ không làm được gì. Tôi cảm thấy bất lực. Vài tuần sau, nghe lời kêu gọi của Sở y tế, đăng kí tham gia chống dịch, dù ngoài chuyên môn.

Tôi được giao đi tiêm vaccine. Việc gì cũng được, miễn giúp được bà con. Ở góc độ chuyên môn và cũng từ những ngày tháng gắn bó với công việc này, tôi đi tiêm vaccine tôi vừa để ý, tôi nhận ra nhiều vấn đề”- bác sĩ Ngọc Anh trải lòng.

Ông gọi điện cho Trần Nhã Thuỵ chia sẻ câu chuyện. “Những cảm xúc, những lăn lộn trong chống dịch, giờ còn nhớ nhưng chưa tới năm đâu, người ta có còn nhớ những mất mát tang thương trong mùa dịch? Tôi muốn lan toả đến mọi người những trăn trở suy tư về khoa học chống dịch, về ảnh hưởng dịch bệnh tới người dân.

Tôi gọi điện cho Trần Nhã Thuỵ, ảnh là nhà văn, đợt dịch rồi anh liên tục đi giúp bà con thành phố, ảnh có sức ảnh hưởng, tôi rủ cùng viết sách. Anh ấy viết dưới góc nhìn nhà văn, tôi viết dưới góc nhìn bác sĩ”- người bác sĩ tóc đã điểm hoa tiêu chia sẻ.

2.

Trần Nhã Thuỵ chẳng phải cái tên xa lạ gì trong giới văn chương. Nếu từng đọc những cuốn tạp văn: “Cuộc đời vui quá không buồn được”, “Triều cường chân ngắn và rau sạch” hay những cuốn tiểu thuyết “Sự trở lại của vết xước”, “Hát”… thì Trần Nhã Thuỵ chính là “cha đẻ” của những cuốn sách trên.

Anh cũng chính là người khởi xướng và thực hiện chương trình Trụ lại Sài Gòn - nhóm thiện nguyện đã cùng chung tay giúp đỡ hàng trăm phận người khó khăn, giúp họ trụ lại Sài Gòn sau hàng tháng trời thành phố ‘lockdown’.

Nhóm chỉ có khoảng 10 người, trẻ thì cũng tầm trạc anh đã ngoài 40, có thành viên đã ngót nghét 70 tuổi. Họ khác độ tuổi, giới tính, quê quán nhưng có một điểm chung duy nhất đó là đều đau nỗi đau của Sài Gòn, đều mong san sẻ gánh nặng, giúp bà con trụ lại thành phố trong cơn đại dịch.

Trong cuốn sách này, anh viết Phố tàn hơi. Đó là những bài tạp văn, ghi chép của anh về đời sống thị dân Sài Gòn trong những ngày thành phố ở đỉnh dịch, anh cùng anh em Trụ lại Sài Gòn đi xin từng kí cá cơm, từng kí gạo, lon sữa …cho các gia đình khó khăn khắp thành phố.

Tiền bán sách được trích dần để giúp đỡ bà con sau đợt dịch thứ 4. Thay mặt 2 tác giả, nhà báo Trần Xuân Thuỷ đến trao tận tay cho 3 hộ nghèo ở Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) mỗi nhà 1 triệu đồng. 

“Đó chỉ là những lát cắt nhỏ trong những ngày thành phố căng thẳng vì dịch bệnh. Ban đầu tôi không có dự định viết sách gì hết, những ngày tháng ấy tang thương quá. Có những clip, hình ảnh nhận xong tôi phải xoá vội. Nhưng khi được bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh- một đồng hương quảng Ngãi ngỏ lời, tôi đồng ý. Chúng tôi tự bỏ tiền túi in sách, số tiền bán sách đó sẽ để dành giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch”- Trần Nhã Thuỵ chia sẻ.

3.

Ngày 20-11, anh và bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh đã có buổi ký tặng sách đầu tiên theo yêu cầu bạn đọc. Trước đó, hai tác giả đã nhận được hơn 500 đơn đặt hàng, số tiền chuyển khoản trả trước đã gần 30 triệu đồng dù sách chưa được phát hành.

Nhà văn Trần Nhã Thuỵ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Ở nhà nhiều tháng trời liên tục, bạn đã từng nghe được tiếng đồ vật với nhau? Thậm chí là trò chuyện lại cùng chúng? Tiếng hai cái tộ trao đổi về việc suốt ngày phải ăn mì tôm thay vì bún bò, mì quảng như trước? Chuyện cây đèn dầu có bầu và cái bóng điện “xin phép cưới nhau”? Chuyện cái vòi với cái xô cãi nhau ầm ĩ đến mức phải quát cho chúng một trận?

‘Viết từ thành phố lockdown’ còn có những câu chuyện như vậy. Bạn đọc như thấy câu chuyện của chính mình trong đó. Đọc, cười hả hê rồi khóc. Thương lắm Sài Gòn ơi!

Trần Nhã Thuỵ nói vẫn còn nhiều câu chuyện anh chưa kể hết. Những ngày phải tắt chuông điện thoại, anh mới dám nghỉ ngơi đôi chút nhưng cứ trằn trọc hoài chẳng ngủ được.

Câu chuyện của đôi vợ chồng, người vợ bụng bầu đã sắp tới ngày sinh vay mượn khắp nơi còn 4 triệu. Anh và các bạn hỗ trợ thêm 3 triệu nữa để đủ tiền đi sinh. Nhưng mấy ngày sau lại hay tin, chị giặt quần áo, té ngã, phải nhập viện gấp…

“Qua mùa dịch này, cái đọng lại trong tôi và bạn bè cái vô thường của cuôc sống. Trải qua sinh tử dịch bệnh, chúng tôi trân trọng nhau, trân trọng cuộc sống hơn và thấy mình mạnh mẽ hơn.

Dịch bệnh vẫn còn rình rập. Mọi người tiêm vaccine đầy đủ, giữ 5K, nhưng đừng quá lo sợ. Đã có thuốc, đã được tiêm vaccine hãy bình tĩnh đối diện. Xin đừng kì thị người nhiễm bệnh. Nhiều người chết trước vì kì thị chứ không phải vì dịch bệnh. Sống trong tâm thế như vậy, cuộc sống sẽ tốt hơn …”- bác sĩ Ngọc Anh trầm ngâm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm