Vĩnh biệt ‘Cánh buồm’ Phạm Toàn

6 giờ 45 phút sáng 26-6, nhà văn, dịch giả, nhà giáo Phạm Toàn đã rời cõi tạm tại nhà riêng ở tuổi 88. “Cánh buồm” đã thôi thong dong với nhiều dự định, ông ra đi để lại những di sản đồ sộ cả về văn học lẫn giáo dục.

Người sáng lập nhóm Cánh buồm

Cánh buồm cũng là tên một nhóm do nhà giáo Phạm Toàn sáng lập. Trên website của nhóm này, GS Hồ Ngọc Đại từng viết: “Tầng lớp trí thức trong xã hội là một thực thể có tầng có lớp. Lớp trên cùng gọi là thiên tài, số cá thể đủ đếm trên đầu ngón tay như Nguyễn Du, Mozart, Einstein. Kế theo là tầng lớp người có ý tưởng, đông lắm nhưng các cá thể có thể gọi theo tên riêng cộc lốc, ví dụ Phạm Toàn. Dưới cùng gọi là lớp học trò, đông không đếm xuể, nên tên gọi cá thể bao giờ cũng phải kèm theo hư danh, chức tước, bằng cấp… ví dụ GS-TSKH Hồ Ngọc Đại”.

Trước khi ghi dấu ấn đậm nét của mình trong lĩnh vực giáo dục, Phạm Toàn đã là một nhà văn, dịch giả nổi tiếng với bút danh Châu Diên. Đã có một thời gian do nhiều biến động, nhà văn, dịch giả Châu Diên ngưng tay viết, phải đến những năm 2000 ông mới cầm bút trở lại. Những tác phẩm của ông như tập truyện ngắn: Mái nhà ấm (Văn học, 1959), Con nhện vàng (Thanh Niên, 1962), tiểu thuyết Người Sông Mê (Hội Nhà văn, 2003).

Trong vai trò là dịch giả, ông đưa đến cho bạn đọc Việt Nam những tác phẩm như Chín mươi ba (V. Hugo), Bay đêm (St-Ex), Nhà tiên tri, Con trai của người, Vẻ đẹp đời (Kh. Gibral)…

Tự thuật về mình, ông từng viết: “Ở Hà Nội và học từ bé ở Hà Nội, rồi 19-12-1946 đi bộ đội luôn. Chính sách chuẩn bị tổng phản công (cuối 1951) cho phép đi học sư phạm cao đẳng. Được giải văn xuôi 1952 ở trường sư phạm, thẹn không ký tên thật, bạn bè xui ký Châu Diên, nhại phát âm tiếng Tàu của “Hút thuốc lá””.

Nhà giáo Phạm Toàn luôn nhận được sự trân quý của mọi người. Ảnh: PHẠM TUẤN

Tấm lòng nhân ái, bao la với trẻ em

Cũng trong phần tự thuật nói trên, Phạm Toàn tự nói về mình: “Ông giáo kiêm nghề soạn sách giáo khoa (SGK) nhưng thích viết văn”. Thời điểm ông viết tự thuật là năm 2007. Đến năm 2009, ông sáng lập nhóm Cánh buồm và tập hợp ở đó những người làm việc hoàn toàn trên tinh thần tình nguyện để cùng nhau biên soạn một bộ SGK có khả năng phát triển năng lực tự học và tự giáo dục của người học. Không chỉ đặt mục tiêu biên soạn SGK, nhóm còn muốn tổ chức việc học thành quy trình gắn với phương châm “làm mà học, làm thì học”.

Từ đó đến nay, nhóm Cánh buồm đã biên soạn các cuốn SGK: VănTiếng Việt cho bậc tiểu học và trung học cơ sở; Khoa học, Lối sốngTiếng Anh cho bậc tiểu học.

Tổng cộng đã có khoảng 100.000 bản SGK Cánh buồm, trong đó nhiều nhất là các cuốn Văn và Tiếng Việt bậc tiểu học, được xuất bản bằng các nguồn lực xã hội do nhóm quyên góp. Bộ SGK Cánh buồm cùng phương pháp học “Learning by doing” đang được sử dụng tại một số trường ở Hà Nội và TP.HCM. Từ tháng 10-2016, nhóm cũng bắt đầu đưa lên mạng phiên bản điện tử với mong muốn sách được phổ biến rộng rãi hơn, đồng thời được góp ý, sửa chữa, thêm thắt… để trở thành mẫu mực, có thể tái bản dùng lâu dài.

Nhắc đến Phạm Toàn, nhà văn Trần Thị Trường nhớ lại câu nói của ông: “Đi học là tham gia tổ chức sự trưởng thành của mình, nhà trường là nơi lấy người đi học làm trung tâm, người học sẽ học tốt nhất khi được tạo cơ hội để tham gia sự tổ chức ấy và nhận thấy học vì lợi ích, sự trưởng thành của chính mình”.

Nói về ông, nhà văn Trần Thị Trường bày tỏ: “Gia tài của ông, người xấp xỉ 90 tuổi bên cạnh những tác phẩm văn học và tác phẩm dịch, còn lại chẳng có gì hơn ngoài tủ sách Cánh buồm và tấm lòng nhân ái với trẻ em, đau đáu với những bất công cuộc đời. Mỗi lần tỉnh dậy sau cơn đau, lại thấy ở ông nụ cười hồn nhiên, như ông vẫn từng hồn nhiên cười cả cuộc đời. Hiếm, thật hiếm một người thông thái một cách giản dị, một người đi qua mọi vất vả mà vẫn hồn nhiên như Phạm Toàn.

“Cánh buồm” Phạm Toàn, cánh buồn của con tàu thong dong không mệt mỏi đã dừng lại ở tuổi 88, ông không còn tỉnh dậy sau những cơn đau nữa, ông đi về giấc ngủ sâu của đời mình, không còn những trăn trở về giáo dục nước nhà”.

Gia đình nhà giáo xin không nhận vòng hoa và tiền phúng viếng

Theo gia đình nhà giáo Phạm Toàn, lễ viếng và truy điệu ông sẽ diễn ra từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30 thứ Sáu 28-6-2019 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy (phố Trần Vĩ, Mai Dịch). Lễ hỏa táng diễn ra cùng ngày tại Đài hóa thân hoàn vũ (Văn Điển), sau đó ông sẽ yên nghỉ tại quê nhà, thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội. Gia đình ông xin không nhận vòng hoa và tiền phúng viếng.

Nhớ nhất những hoạt động cho cách tân giáo dục

Nhớ anh, nhớ nhất những hoạt động sáng tạo góp phần không mệt mỏi cho cách tân giáo dục. Nhớ anh, rất nhớ giọng anh nói buổi tối nhận giải ấy (giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh lần thứ VIII - 2015) với tư cách nhà giáo: “Nhóm Cánh buồm chủ trương làm mẫu trên ba môn học khó nhất mà giới sư phạm Việt Nam từng đương đầu: cách học tiếng Việt, cách học văn và cách học lối sống”.

 Bà NGUYỄN THẾ THANH, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm