Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo vụ 89 xã rớt chuẩn nông thôn mới

(PLO)- Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo Bí thư Tỉnh uỷ Lương Nguyễn Minh Triết về nội dung liên quan đến việc 89 xã rớt chuẩn nông thôn mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-3, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã có báo cáo Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết các nội dung báo chí phản ánh, trong đó việc liên quan 89 xã rớt chuẩn nông thôn mới (NTM) mà Pháp Luật TP.HCM đã thông tin.

Văn phòng UBND tỉnh báo cáo Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam vụ 89 xã rớt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: TN
Văn phòng UBND tỉnh báo cáo Bí thư tỉnh Quảng Nam vụ 89 xã rớt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: TN

Theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, đến cuối năm 2023, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh (193 xã) theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025 là 16,42 tiêu chí/xã (tăng 2,63 tiêu chí so với năm 2022).

Đến nay, có 123/193 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỉ lệ 63,7%. Dự kiến quý I-2024 sẽ công nhận thêm sáu xã NTM, nâng tổng số xã NTM lên 129/193 xã.

Trong 112 xã đạt chuẩn NTM từ năm 2020 trở về trước có 61 xã chưa đảm bảo duy trì theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022-2025 (gọi là rớt chuẩn). Các xã rớt chuẩn 1-3 tiêu chí/xã.

Trong 61 xã rớt chuẩn không có xã nào thuộc trường hợp phải thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn theo quy định. Các tiêu chí rớt chuẩn chủ yếu rơi vào các tiêu chí có nhiều chỉ tiêu tăng thêm của Bộ tiêu chí giai đoạn 2022-2025 theo quy định của Trung ương.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân các xã rớt chuẩn nông thôn mới là do Bộ tiêu chí giai đoạn 2022-2025 có nhiều chỉ tiêu tăng thêm nên cần có thời gian để thực hiện.

Cụ thể, tiêu chí về giao thông, do chỉ tiêu đường trục xã và đường trục thôn tăng thêm do quy định mới phải cứng hóa từ 70% lên 100%, do đó cần phải có nguồn đầu tư. Đây là tiêu chí khi duy trì chuẩn cần kinh phí để thực hiện, tuy nhiên nguồn vốn ngân sách trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia được phân bổ chậm (cuối năm 2022) nên hiện các địa phương đang triển khai thực hiện thêm.

Với tiêu chí về thông tin truyền thông, do tỉ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến chưa đảm bảo, đài truyền thanh xã xuống cấp… hiện đang đầu tư (đã có nguồn).

Do thu nhập theo giai đoạn mới tăng thêm, mỗi năm đều tăng 3 triệu/người/năm nên tiêu chí này phải duy trì nâng cao thu nhập hằng năm, không đảm bảo tiêu chí về thu nhập.

Tiêu chí về lao động, do lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chưa đảm bảo tỷ lệ, đang đào tạo (giai đoạn trước tiêu chí này chỉ tính là lao động có việc làm thường xuyên).

rot-chuan-ntm.jpeg
Nhiều xã rớt chuẩn nông thôn mới nhưng chưa có xã nào thuộc trường hợp phải thu hồi quyết định đạt chuẩn. Ảnh: TN

Một số chỉ tiêu tăng thêm như tỉ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử thấp; tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (4 chỉ tiêu tăng thêm); tiêu chí về nghèo đa chiều giai đoạn trước đây chỉ đánh giá chỉ tiêu hộ nghèo, giai đoạn này có cả hộ nghèo và cận nghèo….

Bên cạnh đó, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật ở các địa phương khá lớn, nhất là ở miền núi nhưng việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế; nhiều xã ở miền núi đã khó khăn, nhiều cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng do thiên tai tàn phá thường xuyên sau các đợt mưa, lũ lụt... Điều này dẫn đến nhiều tiêu chí phải đầu tư lại từ đầu...

Báo cáo cho hay, công tác chỉ đạo duy trì chuẩn được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt và đã bố trí nguồn lực để đảm bảo duy trì chuẩn; các tiêu chí chưa duy trì chuẩn chủ yếu là tiêu chí “mềm”. Tỉnh phấn đấu đến tháng 6-2024 sẽ đảm bảo 100% xã đạt đạt chuẩn duy trì chuẩn theo Bộ tiêu chí mới.

Trước đó, PLO có bài viết phản ánh tình trạng sau hơn chục năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Quảng Nam có 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng khi áp dụng bộ tiêu chí mới thì có đến 89 xã "rớt" chuẩn.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ, Văn phòng Tỉnh uỷ đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan báo cáo các nội dung theo phản ánh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm