Một số tiểu thương kinh doanh thịt heo ở chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) phản ánh lực lượng thú y tại chợ chỉ loe hoe, trong khi bình thường mỗi ngày phải trên 10 người.
Lực lượng thú y biến mất
Có mặt tại chợ đầu mối Hóc Môn rạng sáng 6-6, PV ghi nhận chỉ có ba nhân viên thú y làm việc. Mỗi ngày có trên 5.000 con heo được đưa về chợ này với trên 300 xe vận chuyển. Quan sát, do quá ít người làm công tác kiểm dịch nên các xe đưa thịt vào chợ phải ùn ứ chờ đợi. Lượng hàng lớn nên kiểm được một lúc thì các nhân viên thú y lộ vẻ “đuối”.
Bà B., tiểu thương chợ Hóc Môn, phàn nàn: “Trước đây lực lượng thú y nhiều nên giải quyết xe chở thịt vô chợ rất nhanh. Hôm nay chỉ một, hai người nên xe dồn ứ, ảnh hưởng đến kinh doanh”.
Vừa gãi đầu, ông M., chủ doanh nghiệp ở Bình Dương, vừa nói: “Mỗi ngày tôi lấy mối quen ở chợ này độ một tấn thịt và được cấp giấy kiểm dịch ngoại tỉnh. Mới đây, một anh thú y báo ngày mai sẽ không cấp giấy kiểm dịch nữa vì việc này không phải của Chi cục Thú y TP.HCM. Không có giấy kiểm dịch tôi sẽ gặp nhiều phiền phức. Các cơ quan quản lý ở TP.HCM cần nghiên cứu để không làm ảnh hưởng doanh nghiệp”.
Một nhân viên thú y cho biết: “Trước đây tôi và 10 nhân viên khác làm việc tại chợ đầu mối Hóc Môn là người của Chi cục Thú y TP.HCM. Hiện nay, tất cả nhân viên thú y ở chợ này đã được chuyển qua Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM. Hôm 5-6, nghe thông báo công việc kiểm soát sản phẩm động vật là của Chi cục Thú y nên những người vừa được chuyển qua ban đã ở nhà, vài người không biết nên vẫn đi làm. Tuy nhiên, ngày mai (7-6), chúng tôi cũng sẽ không ra chợ nữa vì chúng tôi không còn là người của Chi cục Thú y nữa”.
Thịt heo đưa vào chợ đầu mối cần thiết phải được kiểm dịch nghiêm ngặt. Ảnh: TRẦN NGỌC
Sẽ gỡ nút thắt
Trao đổi với PV sáng 7-6, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho rằng trước đây lực lượng thú y ở chợ đầu mối Hóc Môn là của Chi cục Thú y TP.HCM. Nay lực lượng này đã bàn giao cho Ban Quản lý ATTP TP thì sẽ do ban này phân công nhiệm vụ. Do vậy, Chi cục Thú y TP.HCM không còn trách nhiệm kiểm soát sản phẩm động vật ở chợ đầu mối Hóc Môn và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch ngoại tỉnh nữa.
“Tuy nhiên, từ đây đến 20-6, Chi cục Thú y TP.HCM tạm thời tiếp tục kiểm soát sản phẩm động vật kinh doanh ở hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, kể cả cấp giấy kiểm dịch sản phẩm động vật ngoại tỉnh. Trong thời gian này, UBND TP.HCM sẽ họp với các đơn vị liên quan để có chỉ đạo chính thức” - ông Phan Xuân Thảo thông tin.
Theo ông Thảo, không có lực lượng kiểm soát sản phẩm động vật ở chợ đầu mối sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. Thịt heo chết, heo bơm nước sẽ lén lút tuồn vô chợ, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Vệ sinh thú y tại chợ không được kiểm soát sẽ làm giảm chất lượng thịt heo. Chưa hết, doanh nghiệp ở các tỉnh sẽ gặp nhiều rối rắm nếu không được cấp giấy kiểm dịch.
“Được biết Sở NN&PTNT TP.HCM đã có công văn đề nghị Ban Quản lý ATTP tạm thời bố trí nhân sự ở hai chợ đầu mối để kiểm dịch sản phẩm động vật và cấp giấy kiểm dịch ngoại tỉnh. Tuy nhiên, Sở vẫn chưa nhận được phản hồi” - ông Thảo cho biết.
Chưa rõ ai sẽ kiểm dịch ở chợ đầu mối Ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, cho rằng nhân sự từ các sở, ngành hoàn tất thủ tục chuyển cho Ban Quản lý ATTP thì là người của ban. Nhân sự của Ban Quản lý ATTP sẽ làm việc theo nhiệm vụ được quy định tại Quyết định 06/2017 của UBND TP.HCM. Khoản 2 Điều 4 quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý ATTP TP.HCM (ban hành kèm Quyết định 06/2017 của UBND TP.HCM) quy định: “Quản lý nhà nước về ATTP trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, phân phối, kinh doanh đối với tất cả loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến… thuộc phạm vi quản lý về ATTP của Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương được phân công, phân cấp trừ sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, hoạt động kiểm soát giết mổ do ngành nông nghiệp quản lý…”. Nếu căn cứ vào quyết định trên thì Chi cục Thú y vẫn thực hiện nhiệm vụ kiểm soát hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ. Riêng nhiệm vụ kiểm soát sản phẩm động vật ở chợ đầu mối thuộc đơn vị nào thì chưa rõ. Đây đang là khoảng trống trong phân công trách nhiệm. “Chúng tôi căn cứ vào đề án thành lập Ban Quản lý ATTP TP.HCM để nhận nhân sự. Do vậy, Sở NN&PTNT muốn xin người thì phải thông qua Sở Nội vụ TP.HCM” - ông Hải nói. ___________________________ Chợ thịt đầu mối Hóc Môn buộc phải có cơ quan quản lý kiểm soát và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch ngoại tỉnh. Theo quan điểm của tôi, công việc này giao cho Chi cục Thú y TP.HCM sẽ phù hợp hơn. Ông NGUYỄN TIẾN DŨNG, Giám đốc Công ty TNHH |