Sáng ngày 20-1, giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,9 – 67,9 triệu đồng/lượng, tăng 100 ngàn đồng/lượng chiều mua và tăng 300 ngàn đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu, DOJI cũng có mức giá tương tự, gần 68 triệu đồng/lượng. Đây được xem là mức giá cao nhất của vàng miếng SJC trong nửa năm trở lại đây.
Giữa tháng 6 năm ngoái, vàng nhẫn 9999 giảm xuống 52,3 triệu đồng/lượng, nhưng vàng miếng SJC kiên quyết “cố thủ” ở mức 68 triệu đồng/lượng bất chấp đà lao dốc của giá vàng thế giới khi xuống vùng 1.725 USD/ounce, giá vàng thế giới quy đổi tương đương 49 triệu đồng/lượng (chưa thuế, phí). Điều này dẫn đến giá vàng miếng SJC cao hơn quốc tế đến 19 triệu đồng/lượng, còn vàng 24K đắt hơn 3,3 triệu đồng/lượng.
Đến thời điểm hiện tại, tức là sau nửa năm, vàng miếng SJC mới có cơ hội quay trở lại mốc giá này thì vàng thế giới lại “leo lên” vùng 1.930 USD/ounce, tương đương gần 55 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa vàng miếng SJC với thế giới rút ngắn lại chỉ còn 13 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn tròn trơn chỉ đắt hơn thế giới khoảng 1 triệu đồng/lượng.
So sánh cùng mốc thời gian cho thấy kim loại quý thế giới tăng hơn 100 USD/ounce, tức giá vàng thế giới quy đổi tăng gần 3 triệu đồng/lượng, riêng giá vàng miếng SJC lại không thể tăng nổi một đồng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn 9999 tăng từ mức 52,3 triệu đồng/lượng và đến giờ đã bật lên 56 triệu đồng/lượng, cao hơn cả lợi nhuận của kim loại quý trên thị trường quốc tế. Tức là việc nắm giữ vàng miếng SJC trong suốt nửa năm qua đang khiến người mua “lỗ nặng” so với vàng nhẫn 9999.