“Ý thức được ý nghĩa, tính cấp thiết của dự án vành đai 3 TP.HCM nên TP.HCM và các địa phương, Sở GTVT TP.HCM và Ban Giao thông đã cố gắng tối đa để chuẩn bị hồ sơ một cách tốt nhất.
Theo đó, các địa phương sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh các nội dung, các góp ý để trình Quốc hội (QH) trong kỳ họp này. Chúng tôi rất kỳ vọng QH ủng hộ và thông qua chủ trương đầu tư và triển khai dự án này trong thời gian tới” - ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông), nhấn mạnh.
Dự kiến trình Quốc hội vào ngày 16-6
Ông Phúc cho biết dự kiến ngày 6-6 sẽ trình Chính phủ, chính thức trình dự án vành đai 3 TP.HCM ra QH.
Ông Phúc đánh giá đây là dự án trọng điểm quốc gia, do đó quyết định chủ trương đầu tư là QH. Theo đó, Chính phủ sẽ trình QH xem xét và thông qua chủ trương đầu tư dự án này vào ngày 16-6.
|
Sơ đồ tuyến vành đai 3 TP.HCM. Đồ hoạ: Hồ Trang |
Nội dung trình QH thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong đó bao gồm kết quả nghiên cứu, đề xuất quy mô đề án, hướng tuyến, mặt cắt ngang và những đoạn đi trên cao, những đoạn đi dưới thấp và các đường song hành, các hạng mục trên tuyến.
Bên cạnh đó Chính phủ cũng sẽ trình QH tổng mức đầu tư, khối lượng GPMB và tính toán về nguồn vốn, tiến độ giải ngân, tiến độ triển khai dự án.
Tiếp theo là trình QH thông qua nhóm cơ chế đặc thù – đây là nhóm cơ chế đặc thù rất quan trọng với dự án vành đai 3. Với tinh thần kế thừa những kết quả mà QH đã cho cơ chế đặc thù với dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, vành đai 3 cũng sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp với dự án.
“Lường trước những công việc mất nhiều thời gian, chúng ta sẽ xin cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn quá trình triển khai dự án này, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án vành đai 3” - ông Phúc nhấn mạnh.
Sau khi QH thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư vào tháng 6, Chính phủ sẽ có Nghị quyết để triển khai các công tác nội dung thực hiện. Theo đó, từ nay tới cuối năm 2022 sẽ tiến hành triển khai trước một số công tác GPMB và tập trung hoàn chỉnh báo cáo khả thi của dự án này.
Đến đầu năm 2023 sẽ duyệt dự án đầu tư vành đai 3 và tiếp tục công tác GPMB. Năm 2023 cũng được xác định là năm cao điểm để hoàn tất công tác, khối lượng chính GPMB và khởi công một số gói thầu vào cuối năm 2023.
Năm 2024 sẽ hoàn tất các công việc còn lại của GPMB và chuyển sang công tác thi công các hạng mục công trình - đây là công tác trọng tâm của giai đoạn này.
Năm 2025 và 2026 sẽ hoàn thành các hạng mục chính của vành đai 3 và thông xe toàn tuyến đề chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Thời gian còn lại là hoàn chỉnh các hạng mục của dự án, đặc biệt là đường song hành nối kết dọc theo trục chính. Năm 2027 sẽ quyết toán và hoàn thành dự án.
Cơ chế đặc thù - gắn với tuân thủ các quy định
Ông Lương Minh Phúc cho biết với tiến độ dự án triển khai trong thời gian ngắn, cơ bản hoàn thành vào năm 2026 thì đỏi hỏi các đơn vị phải nỗ lực rất nhiều.
Có nhiều khâu chiếm nhiều thời gian như bồi thường GPMB, đấu thầu tuyển chọn nhà thầu; vật liệu phục vụ thi công và công tác điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh hạng mục của dự án trong quá trình triển khai thực hiện.
|
Đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương), một đoạn của vành đai 3 TP.HCM đã hoàn thành và đang khai thác. Ảnh: ĐÀO TRANG. |
Chính vì vậy, trên cơ sở kế thừa chủ trương, cơ chế đặc thù của các dự án cao tốc phía Bắc - Nam, phía Đông, kỳ này các địa phương cũng xin bốn cơ chế đặc thù với QH.
Đầu tiên là nguồn vốn, để đảm bảo nguồn vốn được đầy đủ, liên tục thì cần sử dụng hai nguồn vốn là ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Trong đó, các địa phương đề xuất trung ương bố trí 50% tổng mức đầu tư ở các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai; 75% tổng vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An.
Thứ hai là tổ chức thực hiện dự án. Sau khi QH thông qua chủ trương đầu tư sẽ kiến nghị cho phép tách dự án thành tám dự án thành phần, bao gồm GPMB và dự án xây lắp trên bốn địa phương. Như vậy sẽ rút ngắn thời gian thực hiện và chủ động triển khai, từ đó xin phép xử lý quy trình theo trình tự thủ tục của dự án nhóm A (thẩm quyền người đứng đầu địa phương xử lý).
Đối với cơ chế thẩm quyền điều chỉnh dự án, đây là dự án thuộc thẩm quyền QH. Để đẩy nhanh thủ tục triển khai, Chính phủ sẽ kiến nghị QH giao cho Ủy ban thường vụ QH để xem xét, đề xuất điều chỉnh dự án.
Thứ ba là khâu chỉ định thầu, đề xuất chỉ đấu thầu các gói thầu xây lắp, còn tất cả các hạng mục còn lại như tư vấn, GPMB, di dời tiện ích, hạ tầng sẽ được chỉ định thầu để rút ngắn thủ tục liên quan, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai dự án.
Chính phủ cũng xin cơ chế xin khai thác mỏ, đất – đá cát để phục vụ dự án. Theo đó, xin tăng 50% sản lượng mỏ đang khai thác, đảm bảo vật liệu phục vụ dự án.
“Tóm lại, bốn nhóm cơ chế đặc thù này sẽ giúp chúng ta có sự chủ động trong quá trình triển khai, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, đẩy nhanh triển khai dự án. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định tiến độ, chất lượng công trình theo yêu cầu đặt ra”, ông Phúc nhấn mạnh.
Song song đó, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện nhóm công việc như tiếp thu ý kiến của các cơ quan QH và đại biểu QH để hoàn chỉnh bộ hồ sơ dự án tốt nhất – đạt yêu cầu trình QH cho kỳ họp lần này.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chuẩn bị các bước xây dựng dự án tiếp theo đặc biệt là khâu thiết kế, kỹ thuật, đơn giá, dự toán và công tác GPMB... từ đó, đảm bảo tiến độ đề ra.
Song song với quá trình chuẩn bị chủ trương đầu tư trình QH xem xét thì các địa phương cũng hoàn thành kế hoạch bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực cho các đơn vị quản lý dự án, các đơn vị thực hiện GPMB.
Bên cạnh đó là xây dựng quy chế phối hợp giữa TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An để thực hiện dự án này một cách đồng bộ.
Cũng ngay từ bây giờ, các địa phương đã chuẩn bị dần công tác GPMB, mỏ vật liệu để ngay sau khi QH thông qua chủ trương đầu tư là bắt tay vào các dự án.