Những ngày qua, mỗi ngày có tới hàng chục ngàn hành khách và thân nhân có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ai cũng náo nức mong được về quê ăn tết hoặc gặp lại người thân từ nước ngoài trở về trong những ngày giáp tết.
Sân bay trở nên nhỏ bé
Trưa 3-2 (25 tháng Chạp), sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt người vào thời điểm các chuyến bay từ Mỹ, lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc hạ cánh. Dòng người chen chân, xê dịch từng chút một, ai cũng cố tìm cách len vào sát khu vực phân cách tại ga đến quốc tế để đón người thân. Nhiều người chờ lâu, quá mệt mỏi phải ngồi bệt hoặc nằm ngủ gục dưới sàn.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương (50 tuổi, ngụ Long An) cho hay: “Năm nào tôi cũng ra đây đón con trai vào ngày 25 tháng Chạp. Năm nào sân bay cũng đông kinh khủng. Nhìn người thôi mà muốn nghẹt thở rồi”.
Theo lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất, dịp cao điểm (từ 26 tháng Chạp trở đi) sân bay có thể đón hơn 100.000 lượt khách/ngày. Trung bình mỗi hành khách có 4-5 người thân ra đón, vì thế quá tải là điều khó tránh khỏi. Trước đó, từ ngày 29-1 đến 2-2, lượng khách đổ về sân bay tăng dần đều khoảng 10.000 người/ngày. Ngày 2-2, lượng khách qua sân bay đã gần đạt con số 100.000 với gần 650 chuyến bay trong ngày.
Các nhân viên hàng không và lực lượng an ninh phải làm việc hết năng suất để phục vụ hành khách. Một nhân viên an ninh hàng không cảnh báo hành khách phải hết sức cẩn trọng vì sân bay đông nghẹt như vậy rất dễ xảy ra trộm cắp, móc túi.
Trong ngày 3-2, các tuyến đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất như Cộng Hòa, Hồng Hà, Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn… luôn trong tình trạng ùn tắc. Lực lượng CSGT phải rất vất vả để điều tiết.
Cả gia đình anh Trương Bá Lực (Quảng Nam) cùng tới ga để mong mua được vé tàu. “Nếu không mua được thì cả nhà lại phải kéo về chứ biết làm sao” - vợ anh Lực nói. Ảnh: LÊ THOA
Bà bánh mì, cháu bánh bao lót dạ chờ được lên xe tăng cường. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Sảnh chờ ở ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất trở nên quá chật chội khi hàng chục ngàn người chen chúc chờ đón người thân. Ảnh: H.TRÂM
Mẹ con mệt mỏi chờ lên xe. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Kéo cả nhà tới ga chờ mua vé
Từ sáng sớm 3-2, hàng chục ngàn người đổ tới Ga Sài Gòn đón tàu về quê ăn tết. Nhiều người ở xa như Thủ Đức, quận 2, Đồng Nai… sợ trễ tàu nên đến ga từ rất sớm.
Năm nay, anh Ngô Thái Hòa dắt vợ và hai con về quê Quảng Trị ăn tết. Dù 9 giờ tàu mới chạy nhưng từ 5 giờ sáng, cả nhà đã đón xe đi từ Thủ Đức đến Ga Sài Gòn. “Cứ hai năm tụi tôi lại về ăn tết ở quê một lần. Mấy năm gần đây nhờ ga bán vé điện tử nên tôi tránh được cảnh chầu chực cả ngày mỏi mệt mới có được tấm vé. Nhưng nghe nói dạo này kẹt xe, lại nhiều người đi nên làm thủ tục lâu, vì thế cả nhà phải ra ga sớm vì sợ trễ tàu” - anh Hòa nói.
Đáng ngạc nhiên là mãi đến hôm nay vẫn còn nhiều người đến ga để mua vé tàu. Gia đình anh Trương Bá Lực (Quảng Nam) mang cả hai cháu nhỏ cùng mớ hành lý cồng kềnh ra ga từ 7 giờ sáng để mua vé. Anh Lực kể: “Ngày 2-2, tôi ra ga mua vé cho cả nhà, lấy được số thứ tự 900 nhưng tới lượt mình thì hết vé. Nghe nói có tới 3.000 vé được trả lại nên hôm nay cả gia đình dọn đồ ra ga để mua được vé thì đi luôn. Tôi cũng đã nhờ mua vé chợ đen, đưa CMND đàng hoàng nhưng họ cũng bảo phải đợi”. Vợ anh Lực buồn bã nói thêm: “Nếu hôm nay cũng không mua được vé thì đành ôm đồ về nhà lại chứ biết sao bây giờ”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có kế hoạch bán vé từ ngày 1-10. Đến giờ thì số lượng vé tàu trong ngày cao điểm theo chiều Sài Gòn - Hà Nội đã bán hết. Tổng công ty không có kế hoạch bổ sung vé, chỉ còn các vé do khách trả lại nhưng số lượng không nhiều, đa dạng và có thể không đúng ý hành khách.
Đối với các trường hợp trễ tàu, ông Văn cho biết hành khách sẽ không được hoàn lại tiền. Nếu khách có nhu cầu, ngành đường sắt có thể bán vé ghế phụ của các chuyến tàu khác để họ tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, đây là việc bất đắc dĩ vì hành khách sẽ không được hưởng những dịch vụ tốt nhất, đồng thời gây ảnh hưởng đến những hành khách khác. “Thời gian đầu số lượng khách trễ tàu nhiều nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 10 trường hợp/ngày” - ông nói.
Không còn xe thương hiệu, giá vé tăng cao
Cùng ngày, Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, TP.HCM cũng đón hàng chục ngàn người dân lên xe về quê đón tết. Từ tờ mờ sáng, nhiều gia đình đã vác lỉnh kỉnh hành lý đến phòng chờ để mua vé, sau đó ngồi chờ xe. Đa phần họ về Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định…, do không đặt được vé sớm nên chấp nhận đi những chuyến xe tăng cường. “Ghế ngồi cứng, mềm gì cũng được, miễn sao về được nhà” - bà Phan Thị Trang (70 tuổi, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, Phú Yên) nói.
Bà Trang cho hay vào Sài Gòn thuê trọ, làm thuê, làm mướn lâu nay tại huyện Củ Chi. Sáng sớm nay, con rể bà về quê bằng xe máy cho đỡ chi phí, riêng bà cùng con gái và hai người cháu ngoại mua được ba tấm vé hết gần 800.000 đồng. Từ sáng sớm, cả bốn người đã ra bến xe nhưng chỉ mua được vé khởi hành lúc 12 giờ.
Ông Lê Văn Giang đón xe về Chư Sê, Gia Lai vừa bẻ bánh mì cho con ăn vừa góp lời: “Bình thường đi xe về quê chỉ hết 220.000 đồng nhưng nay giá tới 400.000 đồng”.
Cạnh đó, chị Phan Thị Ngọc Viên ở thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên tỏ ra mệt mỏi vì phải đợi xe lâu. Chị cho biết vừa sinh con được hai tháng. “Cháu còn nhỏ mà phải đi đường xa, xót lắm nhưng không biết làm sao cả. 13 giờ mới lên xe chắc sáng mai mới về được nhà. Cũng muốn về quê bằng tàu cho đỡ mệt nhưng giờ vé tàu hết rồi, phải đi xe tăng cường (là xe nhỏ) nên chắc sẽ mệt lắm” - chị Viên thở dài.
Theo một số nhà xe, đa phần các chuyến xe thương hiệu, xe giường nằm về các tỉnh miền Trung đã bán hết vé từ lâu. Hiện nếu muốn đi các tỉnh Quảng Trị, Nghệ An, Bình Định, Hà Nội…, khách phải chấp nhận ngồi ghế phụ. Giá vé các tuyến đều tăng 40%-60% so với ngày thường. Giá vé cho một ghế ra Thanh Hóa là 1,2 triệu đồng.
Chiều 3-2, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết lượng khách qua bến trong ngày 2-2 vào khoảng 41.000 lượt. Riêng ngày 3-2 chưa có thống kê cụ thể. Nhìn chung năm nay lượng hành khách không tăng đột biến so với năm trước, tập trung chủ yếu từ ngày 24 tháng Chạp trở đi với khoảng 39.000-42.000 lượt khách.