Thời gian gần đây báo Pháp Luật TP.HCM tiếp tục nhận được nhiều phản ánh, kêu cứu của bạn đọc liên quan đến việc vay qua app núp bóng là tín dụng đen.
Điều đáng nói là loại hình vay tiền rủi ro này đã được cảnh báo nhiều năm nay nhưng vẫn có nạn nhân mới.
Từng có ý nghĩ tìm đến cái chết
Đầu tháng 9-2020, trên fanpage PLO, chúng tôi nhận được dòng tin nhắn của một bạn đọc tên NTĐ trần tình việc đã quá bế tắc, mất niềm tin vào cuộc sống sau khi trót vay qua app.
Chị NTĐ cho biết lúc đầu vay một app sau đó cứ đến kỳ hạn trả nợ là các app khác tự động xuất hiện mời gọi vay để trả nợ. Kết quả là số app chị vay lên đến hơn 20 cái. Chị Đ. bị cuốn theo vòng xoáy vay của app này trả cho app kia để rồi số tiền gốc vay ban đầu là 20 triệu đồng nay đã lên đến gần 2 tỉ đồng.
Chị Đ. nói: “Vì bị các đối tượng đòi nợ khủng bố nên giờ gia đình tan nát, mất hết bạn bè, người thân. Giờ chỉ muốn tự tử để được giải thoát nhưng suy cho cùng mình chết đi rồi thì những món nợ vẫn còn nguyên đó, bọn khủng bố đòi nợ vẫn tiếp tục làm phiền người thân vì thông tin đã bị chủ app cho vay thu thập trước đó.
Tôi cũng đã tìm mọi cách để thoát khỏi cảnh khổ này nhưng không thể. Thậm chí tôi đã tìm trên mạng về việc bán thận, bán gan, nói chung là bán được cái gì có thể bán để có tiền trả nợ. Nhưng mọi thứ lại không dễ dàng, giá như bán nội tạng dễ như vay qua app thì tốt...”.
Một trường hợp khác là chị NTN (Tiền Giang) đang làm việc trong khu công nghiệp ở Bình Dương phản ánh với chúng tôi với tâm lý lo sợ.
Chị N. cho biết cách đây khoảng ba tháng, do tình hình dịch khó khăn nên chị đã tải app về để vay tiền. “Chỉ cần vài thủ tục đơn giản, thực hiện nhanh chóng trên điện thoại và không cần đi gặp người vay nên tôi đã vay vài app.
Khi trả nợ trễ hạn, tôi liên tục bị các đối tượng đòi nợ dọa nạt người thân, gia đình. Ngoài ra, họ đăng thông tin trên mạng xã hội Facebook nói tôi lừa đảo. Điều tôi lo sợ là mẹ già ở quê sẽ bị các đối tượng xã hội đen tìm về làm phiền thì tôi rất ân hận” - chị N. bày tỏ.
Tuy nhiên, điều đáng nói là khi chúng tôi đặt ra câu hỏi cho những nạn nhân về việc hình thức vay qua app này đã được các cơ quan báo chí phản ánh cảnh báo nhiều lần, hầu hết các nạn nhân đều trả lời là chưa từng biết.
“Tôi làm trong khu công nghiệp xong rồi về nhà nên không biết thực trạng đang như vậy. Khi dính vào rồi, tìm hiểu mới thấy thông tin trên mạng thì đã muộn rồi” - chị N. nói.
Đừng túng thiếu rồi vay liều
Ông Phạm Nhất Anh Pha, chuyên gia tín dụng, nhận định vay qua app bản chất là cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh.
“Thủ đoạn vay qua app không có gì mới, vẫn là tạo sự thuận tiện tối đa cho người đi vay lúc ban đầu, tính lãi cắt cổ và hình thức đòi nợ giống như kiểu xã hội đen.
Dấu hiệu rõ nhất hiện nay khiến người vay có thể gặp rủi ro khi vay qua app là những quảng cáo như vay tiền tiện lợi, thủ tục nhanh gọn, không cần chứng minh thu nhập.
Trong khi các cơ quan chức năng đang tích cực hoàn thiện cơ sở pháp lý để kiểm soát tốt hơn hình thức cho vay này thì mỗi cá nhân cần tỉnh táo trước khi quyết định vay qua app. Người đang túng thiếu không nên nhắm mắt làm liều để rồi sau khi dính vào lại đi kêu cứu các cơ quan chức năng trong khi các đối tượng thực hiện với thủ đoạn rất tinh vi, gây khó khăn trong xác minh, điều tra” - ông Pha bình luận.
Rất nhiều người rơi vào cảnh không lối thoát Trong tuần qua, rất nhiều bạn đọc đã phản ánh đến báo về chuyện dính nợ không lối thoát khi đã trót vay qua app. Nhiều bạn đọc mong mọi người cảnh tỉnh. • Mình thật sự cần tiền nên vay qua app nhưng vay 2,5 triệu đồng chỉ nhận được 1,5 triệu đồng. Phải vay hai, ba cái app mới đắp đủ một cái app. Bây giờ số nợ rất lớn, mình thật sự không còn khả năng để trả nữa … - bạn đọc Huyền. • Tôi đã vay 3 triệu đồng, chỉ bảy ngày sau chưa trả được mà bị bên cho vay gọi điện thoại nhiều quá nên tôi đã vay app khác để trả, rồi tiếp đến là vay nhiều app để trả các app trước. Đến cuối tháng nhận lương trả cũng không hết được. Tôi đã phải làm hồ sơ vay vốn ngân hàng để trả luôn một lần cho hết, tính ra cả tiền lương và tiền vay ngân hàng tôi đã phải trả khoảng 130 triệu đồng. Giờ tôi vẫn còn nợ ngân hàng chưa trả hết. Quá tởn! - bạn đọc Văn Hướng. • Lúc đầu vay một app để giải quyết việc gấp. Rồi không có khả năng trả. Rồi lại vay hai app khác mới đủ trả app cũ. Rồi lại tiếp tục vay bốn app khác để trả hai app kia. Tôi đã trả hơn 50 triệu đồng nhưng giờ vẫn còn nợ hơn 40 triệu đồng. Tôi thực sự không đủ khả năng chi trả… - bạn đọc Nhiên. • Trong một lần kẹt quá mình đành vay qua app, cứ vay app này trả app kia, giờ suốt ngày phải xoay xở đủ cách cũng không thể trả nổi. Chồng chưa biết tôi đang nợ không lối thoát. Tôi muốn tự giải thoát nhưng không dám vì còn ba đứa con… - bạn đọc Thư. |