Bị lỡ nhịp với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, nên chị Hoa (Hà Nội) đã rất phấn khởi trước thông tin sẽ được hưởng lãi suất 4,8%/năm khi vay mua nhà ở xã hội tại ngân hàng chính sách xã hội.
Thế nhưng, khi hỏi về việc vay vốn ưu đãi này, chị Hoa đều nhận được câu trả lời từ các chủ đầu tư là hiện nay vẫn chưa thể triển khai cho vay mức ưu đãi này được vì chưa có hướng dẫn cụ thể.
Nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn đang mong ngóng chính sách cho vay ưu đãi. (Ảnh: Châu Anh)
"Hiện nay, tôi cũng chưa có thông tin gì chính thức, chủ đầu tư nói đang chờ thông tin cụ thể. Trước mắt, tôi cũng chỉ biết chờ đợi và nghe ngóng thôi, khi có thông tin cụ thẻ thì mới mua", chị Hoa cho biết.
Không chỉ khách hàng, nhiều chủ đầu tư làm nhà ở xã hội cũng như "ngồi trên đống lửa" khi các chính sách vay ưu đãi chậm triển khai.
Là một đơn vị có dự án đã được hưởng lợi rất lớn từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, thế nhưng, ngay sau khi gói tín dụng ngừng, giao dịch về nhà ở xã hội tại công ty cổ phần đầu tư Hải Phát cũng đã bị “đóng băng”.
Và việc chờ đợi của khách hàng đối với chính sách tín dụng ưu đãi tại ngân hàng chính sách xã hội hiện nay cũng đang khiến đơn vị này phải chịu áp lực rất lớn vì dự án vẫn phải triển khai để đảm bảo tiến độ như đã cam kết.
Ông Đinh Thế Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc Sàn Giao dịch bất động sản Hải Phát cho biết, trong tâm lý chờ đợi cao của khách hàng, nếu chính sách không cụ thể hóa sớm, hoặc không có thông tin rõ ràng thì nhu cầu của khách hàng vẫn đang bỏ ngỏ…việc này tạo nên áp lực rất lớn đối với chủ đầu tư và đơn vị phân phối dự án.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thế Hưng - đại diện Công ty Cổ phần bánh kẹo Thăng Long cũng cho rằng, chính sách đối với các dự án nên sớm đi vào cuộc sống để người mua nhà có thể mua nhà ngay sau ngày 15/8, hiện rất nhiều khách hàng khi biết thông tin này đã tìm tới dự án, nhưng khi biết gói vay này vẫn chưa được triển khai thì họ đều rất thất vọng.
"Hiện tại, để tạo điều kiện cho khách hàng, công ty tôi vẫn hướng dẫn khách hàng làm các thủ tục, hồ sơ cần thiết và trình lên Sở Xây dựng xét duyệt. Còn về phần vốn vay ưu đãi, chúng tôi phải tư vấn cho khách hàng chờ đợi thêm một thời gian nữa để chính sách vay vốn này được thực hiện", ông Hưng cho biết.
Theo ông Hưng, việc chậm trễ trong việc cho vay vốn ưu đãi này ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Bởi lẽ hiện tại nhiều khách hàng đã rút hồ sơ về, nhưng chủ đầu tư vẫn phải vay vốn để triển khai dự án đúng tiến độ, thực hiện đúng cam kết với các khách hàng đã ký hợp đồng mua bán trước đó.
Trong khi đó, lý do chính khiến chính sách cho vay ưu đãi 4,8% chưa thực hiện được là do Ngân hàng Chính sách xã hội chưa có nguồn vốn để triển khai.
Ông Hoàng Minh Tế - Phó tổng giám đốc ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, theo Chương trình thì gói vay ưu đãi này sẽ được triển khai từ 15/8, người mua nhà ở xã hội sẽ được vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng.
Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Đến hết ngày 31/12/2016, lãi suất cho vay của chương trình là 4,8%.
Hiện, mọi công tác chuẩn bị đã xong, nhưng vẫn chưa được phê duyệt nguồn vốn. Và khi chưa có vốn, Ngân hàng chính sách xã hội sẽ chưa thể cho vay được.
Cũng theo ông Hoàng Minh Tế, đề xuất nguồn vốn này của năm 2016 là 1.000 tỷ đồng từ ngân sách, ngân hàng chính sách xã hội sẽ huy động thêm 1.000 tỷ đồng. Như vậy, năm 2016 dự kiến cho vay 2.000 tỷ đồng. Nhưng, hiện nguồn vốn này chưa được phê duyệt nên chưa thể thực hiện được.
Và như vậy, những người đang có nhu cầu mua nhà ở xã hội sẽ lại tiếp tục phải chờ đợi cho đến khi Chính phủ phê duyệt nguồn vốn đề thực hiện chương trình này. Và không ai biết đến khi nào, chương trình tín dụng nhà ở xã hội mới chính thức được triển khai.
Liên quan đến gói tín dụng này, mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ xây dựng đã làm việc với Ngân hàng nhà nước, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, ngân hàng Chính sách xã hội và cũng đã có thông tư hướng dẫn cụ thể.
"Nhưng đây là vốn đầu tư công trung hạn nên phải tuân theo Luật Đầu tư công rồi cân đối các nguồn vốn khác, cho nên hiện nay chính sách đã có rồi, lãi suất 4,8% Thủ tướng cũng phê duyệt rồi, Ngân hàng chính sách xã hội cũng đã phối hộp với Bộ để ban hành qui chế cho vay rồi, nhưng vẫn phải chờ tìm được nguồn vốn thì sẽ cho giải ngân cái này", Thứ trưởng Duy cho biết.
Điều đó có nghĩa là, chừng nào Ngân hàng chính sách xã hội vẫn phải chờ tìm được nguồn vốn đề giải ngân, thì chừng đó người dân vẫn chưa thể “chạm tay” tới ngôi nhà mơ ước, còn doanh nghiệp thì vẫn phải “oằn lưng” cõng gánh lãi suất thương mại để đảm bảo tiến độ dự án.