Tỉnh An Giang - không quá nổi bật như Cần Thơ với chợ nổi Cái Răng, hay Cà Mau có điểm cực Nam tận cùng của Tổ quốc nhưng mảnh đất tồn tại từ thời nhà Nguyễn này vẫn có nhiều địa điểm để “du hí” mà đôi ba ngày chắc chắn không đi hết được.
Tượng cá ba sa ở TP Châu Đốc (An Giang ) là nơi được nhiều bạn trẻ tham quan chụp ảnh. Ảnh: LÊ THOA
Đâu đâu cũng bán bún cá lóc
Dọc đường từ TP.HCM về An Giang, nếu khách du lịch cảm thấy choáng ngợp với dưa hấu hoặc thơm ở Long An (tùy theo mùa) và hạt sen, sữa hạt sen ở dọc đường Đồng Tháp thì về đến An Giang sẽ thấy toàn bún cá lóc dân giã.
Đầu cá lóc vàng ươm ăn với bún.
Ở Sài Gòn, có vài nơi bán bún cá lóc Châu Đốc - đặc sản của An Giang; nhưng khi về An Giang, không chỉ ở Châu Đốc mới có bún cá mà dọc đường đâu đâu cũng thấy những xe đẩy bán bún.
Bún cá lóc, ngoài bún và cá ra còn có một loại bông đặc trưng của miền sông nước - bông điên điển vàng hoe. Bông điên điển được trộn cùng với giá và rau muống để ăn kèm với bún cá đậm chất Nam bộ với giá tầm 17.000-20.000 đồng/tô.
Cá lóc được mua nguyên con giá chỉ hơn 20.000 đồng/kg rồi đem nướng bả mía, chấm mắm me tỏi ớt.
Cá lóc được nuôi nhiều, con nào con nấy to bự, thời điểm được mùa cá lóc chỉ hơn 20.000 đồng/kg, mua một con nặng hơn 1 kg giá chưa đến 30.000 đồng, nướng bả mía rồi chấm mắm me tỏi ớt mà đến ba đứa ăn không hết. Cá lóc nướng ở dưới quê có thịt thơm, ngọt mà giá rẻ rề, chỉ ưng mua cả chục ký mang lên Sài Gòn ăn cho bỏ ghét.
Ăn bún cá lóc xong, ghé mấy quán nước dọc bờ sông uống cà phê đen giá 4.000 đồng/ly. Thành - một cậu thanh niên phóng xe máy hơn 200 cây số từ TP.HCM về An Giang thấy cà phê rẻ quá phải thốt lên: “Tao mà ở An Giang thì mỗi ngày tao sẽ uống chục ly cà phê”.
Chợ nổi, trái cây tú hụ
An Giang cũng có chợ nổi. Khác với các chợ nổi tiếng ở miền Tây như chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) hay chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Long Xuyên ở An Giang vẫn còn giữ được khá nhiều nét nguyên sơ của một phiên chợ trôi dọc sông Hậu.
Chợ họp từ khoảng 5 giờ đến 9 giờ hằng ngày với đầy đủ trái cây, thức ăn được mua bán trên sông nước đầy thú vị. Ghe nào bán hàng nào sẽ treo mặt hàng đó trên một cây sào để khách dễ nhận biết.
Dọc nhiều con đường ở An Giang, đâu đâu cũng thấy xoài treo lủng lẳng.
Trái cây thì thôi rồi. Mùa này, An Giang rộ lên nào xoài thái, xoài tượng, xoài cát,… giá đầy “yêu thương”. Vô số kể những con đường ở đây đều rợp bóng xoài, xoài treo lủng lắng trước nhà, xoài treo dọc bờ sông tưởng như xoài “dại” mà hóa ra có chủ hết. Ai nấy đi ngang qua cũng trầm trồ khen ngợi, thèm thuồng được với tay lên hái trái xoài non còn chua lòm để cắn chấm muối ớt thật cay, ăn cho thật sướng. Khách muốn mua xoài ngon, giá rẻ đừng vội ra chợ bởi dọc đường, xoài thường được bày bán trước nhà, ghé lại ngọt lời trả giá đôi ba câu sẽ được những con người hồn hậu bớt giá gần như nửa, vừa bán vừa cho để mang về TP.
Dừng vài phút nghe cuộc chiến đẫm máu ở An Giang
An Giang có hai mặt với 5 huyện/thị xã giáp tỉnh Campuchia. Người dân An Giang đi Campuchia như đi chợ thông qua các cửa khẩu.
Vào dịp nghỉ lễ, Nhà mồ Ba Chúc luôn được khách du lịch và người dân bản địa ghé thắp nén nhang cho đồng bào Ba Chúc đã bị Pôn Pốt tàn sát.
Tuy nhiên, về thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn), ghé Nhà mồ Ba Chúc, khách du lịch sẽ được nghe, được thấy những hình ảnh, chứng tích trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978. Nhà mồ Ba Chúc được xây dựng để gìn giữ hơn 1.000 bộ hài cốt của đồng bào huyện trong tổng số hơn 3.000 người bị giặc Pôn Pốt thảm sát tháng 4-1978.
Tại di tích lịch sử này, chứng tích tội ác gây ra cho đồng bào An Giang được tái hiện rõ qua nhiều hình ảnh tư liệu. Sau 12 ngày đêm bị chiếm đóng, Ba Chúc chìm trong biển máu, đi đến đâu giặc cũng cướp bóc tài sản, đốt phá, tàn sát đồng bào không kể già, trẻ, trai, gái. Những vũ khí chúng tàn sát được lưu giữ lại, đặc biệt những bộ xương của đồng bào An Giang bị giặc giết cũng được bảo quản trong nhà mồ. Ai nấy khi bước ra khỏi địa điểm này đều phải nghẹn ngào trước tội ác của bọn diệt chủng.
Nơi đây còn lưu giữ những vũ khí mà giặc Pôn Pốt sát hại người dân vô tội
Những mảnh xương được lưu giữ trong nhà mồ nhưng là chứng tích cho tội ác tàn bạo của quân Pôn Pốt trong chiến tranh biên giới Tây Nam.
An Giang có lắm cầu cao bắc qua sông để bạn trẻ tha hồ "tự sướng".
Dọc đường lên thị trấn Ba Chúc
Đây cũng là nơi có đến hơn 30 ngọn núi để khám phá.
Chưa kể, dọc đường về An Giang có thể ghé qua Đồng Tháp ngắm mùa sen đang nở rộ, mua hạt sen với giá chỉ phân nửa so với trên TP.HCM; uống sữa hạt sen thơm lừng.
Không những vậy, tiện thể thì nên ghé qua Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), để ngắm cảnh sinh thái, chèo xuồng và dạo quanh những con đường rợp bóng cây như thế này.
Ai nói miền Tây không có núi? An Giang có đến hơn 30 ngọn núi lớn nhỏ. Trong đó phải kể đến 7 ngọn núi ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Nghe nói người ta gọi 7 ngọn núi là Thất Sơn, ở huyện Tịnh Biên có ba núi gồm núi Cấm (còn gọi là Thiên Cẩm Sơn), núi Két (còn gọi là Anh Vũ Sơn), núi Dài Năm Giếng (còn gọi là Ngũ Hổ Sơn); còn lại thuộc huyện Tri Tôn với núi Cô Tô (còn gọi là Phụng Hoàng Sơn), núi Tượng (còn gọi là Liên Hoa Sơn), núi Nước (còn gọi là Thủy Đài Sơn), núi Dài (còn gọi là Ngọa Long Sơn). |