Theo khảo sát nhanh của PLO, trong ngày 22-4, trên chặng bay TP.HCM đi Hà Nội, các kênh bán vé trực tuyến thể hiện có 10 chuyến bay của các hãng Vietnam Airlines, VietJet và Bamboo Airways khai thác. So với những ngày trước đó, giá vé đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, giá vé dao động 1,3-2,3 triệu đồng/vé.
Đáng chú ý, từ ngày 23 đến 26-4, giá vé trên các kênh trực tuyến giảm khá sâu và số lượng chuyến bay khai thác trên chặng này cũng thể hiện đồng loạt tăng tần suất khai thác ở nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Cụ thể, dải giá vé phổ biến là 1-2,8 triệu đồng/vé thể hiện giữ liên tiếp trong bốn ngày. Trong đó, vé tung ra bán nhiều nhất trên chặng này là hãng VietJet.
Chiều ngược lại, Hà Nội đi TP.HCM có dải giá vé thấp hơn cũng khá phổ biến. Từ ngày 22 đến 26-4, dải giá thấp gần 900.000 đồng/vé. Còn dải giá cao 1,1-2,4 triệu đồng/vé. Trong giai đoạn này cũng thể hiện có nhiều khung giờ bay với nhiều hãng cùng khai thác, theo đó hành khách có nhiều lựa chọn.
Còn chặng bay TP.HCM đi Đà Nẵng do ba hãng khai thác, từ ngày 23 đến 26-4, có giá dao động từ 279.000 đến 1,8 triệu đồng. Thậm chí, trong dải vé giá thấp trên chặng bay này thể hiện kéo dài đến cuối tháng 4. Chiều ngược lại trên chặng bay này có nhích lên chút ít, dao động từ 369.000 đến 1,8 triệu đồng.
Những ngày tới, vé máy bay trên một số chặng có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: P.ĐIỀN
Như vậy, so với giai đoạn thắt chặt giãn cách xã hội, những ngày tới vé máy bay đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Còn trong giai đoạn cao điểm, giá vé các hãng dao động 2,3-3 triệu đồng/vé/chiều.
Tuy nhiên, tính đến 17 giờ ngày 21-4, Cục Hàng không Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn chính thức về việc để các hãng tăng tuần suất khai thác trong giai từ ngày 22-4 trở đi hay chưa.
Về tình trạng vé tăng rồi thể hiện hạ nhiệt, một giám đốc điều hành gần 2.000 đại lý cấp hai tại TP.HCM cho biết trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các hãng chỉ khai thác 4-6 chuyến bay/ngày trên các chặng bay vốn đông đúc nhất cả nước như TP.HCM - Hà Nội - Đà Nẵng và ngược lại. Tần suất khai thác thấp chưa từng thấy, cộng với biện pháp thực hiện ngồi giãn cách nên số ghế bán trên mỗi chuyến bay rất hạn chế. Theo đó, giá vé tăng lên khá cao trong giai đoạn này là điều nhiều hành khách gặp phải.
Vị này chia sẻ chưa bao giờ doanh số bán vé lại giảm thê thảm như giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 như vừa rồi. Thậm chí trong tháng 3 kết sổ chỉ có vài chục triệu đồng. Trong khi, thông thường sau kỳ nghỉ tết, các đại lý bắt đầu tăng tốc bán vé cho cao điểm du lịch hè, có ngày doanh số bán vé cả tỉ đồng.
Thông tư 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, quy định: Giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội dưới 500 km là 1,6 triệu đồng/lượt; nhóm đường bay khác dưới 500 km là 1,7 triệu đồng/lượt; 500-800 km mức giá tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280 km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều. Mức giá tối đa này đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ tiền thuế giá trị gia tăng, các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, gồm giá dịch vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý và giá dịch vụ tăng thêm. |