Vé máy bay tăng, du lịch méo mặt

Theo thông báo của các hãng hàng không, từ ngày 1-4 vé máy bay và các khoản phí dịch vụ như đổi tên, đổi ngày bay... đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể, hãng hàng không Vietnam Airlines tăng giá vé trẻ em từ 75% lên 90% so với giá vé người lớn, với mức tăng 30.000-400.000 đồng/chiều tùy lứa tuổi. Còn VietJet Air tăng phí dịch vụ đổi tên, ngày, hành trình, chọn chỗ ngồi với mức tăng thêm 20.000-170.000 đồng...

Không chỉ vậy, mức phí dịch vụ tại hàng loạt cảng hàng không như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất... cũng tăng thêm 11.000 đồng/khách kể từ ngày 1-4. Trước đó, cuối năm 2017, giá vé máy bay cũng đã tăng khá mạnh.

Khách chuyển từ máy bay sang tàu, xe

Việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé, phí dịch vụ khiến khách du lịch lẫn các công ty du lịch đứng ngồi không yên bởi giá tour bị đội lên. Nếu như năm ngoái, vào đầu tháng 4, các phòng vé máy bay đã bị “cháy vé” với khách đi tour đông người thì năm nay vé máy bay từ TP.HCM đến các điểm du lịch miền Trung và miền Bắc vẫn còn khá nhiều.

Bà Lưu Thị Hồng Liên, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Truyền thông và Du lịch Ngọc Việt, thông tin: So với cùng kỳ năm 2017, khách đi máy bay đặt chỗ đến các điểm hút khách tham quan, nghỉ dưỡng giảm đáng kể. Thay vào đó, phần lớn các tour đi theo đoàn từ 10 người trở lên thường chọn tàu hoặc xe. Nguyên nhân khách du lịch đi máy bay giảm là do tác động của việc tăng giá vé, phí dịch vụ hàng không từ ngày 1-4. Ví dụ, với 10 khách đi tour bằng ô tô giá chỉ bằng một nửa so với đi máy bay.

“Trước đây, mùa cao điểm du lịch, tour Phú Quốc vé khứ hồi hơn 2,5 triệu đồng/người thì vé khứ hồi cho mùa du lịch năm nay tăng vọt lên hơn 3,5 triệu đồng/người” - bà Liên dẫn chứng.

Vé máy bay, phí hàng không đồng loạt tăng khiến cả khách lẫn các công ty du lịch gặp khó. Ảnh: TÚ UYÊN

Còn theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông-marketing Công ty Du lịch TST Tourist, giá tour du lịch trong nước có xu hướng tăng lên. “Giá vé máy bay, phí hàng không trong nước tăng ngay đúng vào cao điểm du lịch đang gây khó cho các công ty lữ hành và du khách có nhu cầu du lịch bằng đường hàng không. Điều này buộc các công ty lữ hành phải xây dựng nhiều kịch bản như điều chỉnh giá tour với mức tăng khoảng 10%-15%” - ông Mẫn nói.

Một số công ty du lịch khác thừa nhận đang đau đầu trước việc vé máy bay và phí hàng không tăng cao. Lý do là đối với các tour đi bằng đường hàng không, vé máy bay chiếm 50%-70% nên khi vé tăng thì phải điều chỉnh giá tour, nếu không sẽ lỗ. Đến khi tăng giá tour thì bị khách phản ứng. Đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan này, một số công ty du lịch đành chọn cách chỉ dám tăng nhẹ giá tour, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chân khách hàng.

Du lịch trong nước mất lợi thế cạnh tranh

Việc giá vé máy bay tăng đẩy giá tour tăng khiến du lịch nội địa có xu hướng chuyển dịch sang các tour đi nước ngoài vì giá trọn gói dịch vụ rẻ hơn, giá vận chuyển rẻ hơn. Thậm chí một số tour quốc tế còn giảm giá vé và tung ra nhiều chương trình khuyến mãi.

Trước thực tế này, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Du lịch Fiditour Trần Thị Bảo Thu nhận định: Sức cạnh tranh của du lịch nội địa hiện chưa cao so với du lịch nước ngoài, trong đó có tác động của giá vé máy bay.

Giá vé máy bay của Vietnam Airlines dành cho trẻ em tăng lên mức 90% so với giá vé người lớn, thay vì 75% như trước đây là chưa hợp lý. Thực tế hiện nay khách hàng vẫn đang chịu áp lực từ nhiều loại phí. Ví dụ, phí chuyển chuyến bay cho cùng lộ trình là 352.000 đồng, phí chênh lệch vé thường từ 500.000 đến hơn 1 triệu đồng tùy trường hợp. Nếu chỉ cộng riêng hai loại phí trên, đôi khi còn cao hơn cả giá vé máy bay gốc.

Ông TRẦN THẾ DŨNG, 
Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ
 

Ví dụ, trong mùa cao điểm du lịch, chi phí tour đi Hà Nội - Sa Pa - Hạ Long, Hà Nội - Sa Pa - Ninh Bình hoặc tuyến đi Huế - Quảng Bình - Đà Nẵng giá khoảng 8 triệu đồng. Trong khi khách chỉ cần chi thêm khoảng 2 triệu đồng nữa là có thể đi du lịch Đài Loan. Thậm chí nếu đi du lịch Thái Lan, mức giá còn thấp hơn.

“Hơn nữa, các nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan ngày càng quảng bá du lịch trực tiếp và trực tuyến tốt. Còn việc quảng bá du lịch Việt Nam hiện nay chủ yếu do các công ty du lịch tự thân vận động nên sẽ càng khó khăn hơn” - bà Thu phân tích.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Mẫn nhìn nhận tour trong nước vốn đã kém cạnh tranh so với giá tour nước ngoài từ nhiều dịch vụ như vé tham quan, khách sạn, nhà hàng... Chẳng hạn từ đầu năm 2018, giá vé tham quan quần thể di tích Yên Tử với người lớn tăng lên 40.000 đồng, trẻ em 20.000 đồng. Nay tăng giá vé, phí hàng không càng làm sức cạnh tranh giảm thêm.

“Khách nhận thấy đi du lịch trong nước bỏ chi phí cao hơn so với du lịch nước ngoài và không có lý do gì họ không chọn tour nước ngoài. Điều này cũng có nghĩa so với các nước trong khu vực, giá vé máy bay của nước ta không khuyến khích người dân đi du lịch trong nước” - ông Mẫn bình luận.

Du lịch nội địa lo vắng khách

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Du lịch Fiditour, cho rằng giá tour nội địa cấu thành từ các dịch vụ. Nếu mỗi dịch vụ đều tăng lên thì sẽ kéo giá tour tăng theo.

Trong khi ngành du lịch đang thực hiện kích cầu du lịch nội địa thì việc tăng giá vé máy bay, phí hàng không sẽ dẫn đến tăng giá tour, chi phí tour đội lên rất nhiều. Từ đó đẩy chi phí của các công ty du lịch lên. Điều này sẽ khiến du lịch nội địa ngày càng vắng khách, khó kích cầu du lịch nội địa, nhất là các tour bằng đường hàng không.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cũng cho hay riêng trong ba tháng đầu năm nay tốc độ tăng trưởng khách ở Việt Nam đi du lịch nước ngoài của TP.HCM cao hơn trong nước. Nguyên nhân người dân đi du lịch nước ngoài nhiều hơn du lịch nội địa do đường bay quốc tế ở TP.HCM dễ hơn và giá cả hợp lý hơn, đặc biệt nhiều chuyến bay khuyến mãi…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm