Về một quyển sách của Nguyễn Hiến Lê

(PLO)-  “Tự học - Một nhu cầu thời đại” truyền tải thông điệp về cách thức giáo dục trong xã hội hiện đại và là cẩm nang định hướng cho mục tiêu sống của mỗi người. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Học giả Nguyễn Hiến Lê xác định giáo dục truyền thống là một trong những nguyên nhân hạn chế khả năng tư duy, sáng tạo của con người. Tự giác học tập kinh nghiệm bên ngoài những điều đã biết và đọc sách sẽ giúp con người có đời sống đầy ý nghĩa và mạnh dạn trong thế giới luôn thay đổi liên tục.

Bổ khuyết những điều trường lớp không dạy

Kể từ lần xuất bản đầu tiên với tựa đề “Tự học để thành công” vào năm 1954, đến năm 1964, tác giả đã sửa chữa, bổ khuyết, và đổi thành “Tự học – Một nhu cầu thời đại” (NXB Văn hóa thông tin tái bản năm 2017).

Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984)

Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984)

Mười năm định nghĩa lại mục đích của tự học, Nguyễn Hiến Lê không chỉ đưa ra phương pháp làm sao lập thân “thành công”, mà ông có khát vọng xây dựng một con người hoàn diện, hòa mình với xu thế chung đời sống, “nhu cầu của thời đại”.

Vì sao phải tự học trong khi có người không cần biết quá nhiều nhưng vẫn sống dễ dàng, thậm chí giàu sang? Tác giả đặt vấn đề: Phần đông chúng ta có tánh làm biếng, lười suy nghĩ, không chịu khó nhọc tìm tòi, chỉ thích những cái vui dễ kiếm và một khi đã đủ ăn, không cần thấy phải bồi dưỡng tinh thần, đạo đức nữa.

Thế kỷ trước, Nguyễn Hiến Lê đưa ra nhận xét xác đáng mà cho đến ngày hôm nay khi soi xét lại vẫn còn tính thời sự. Con người thường thích sống trong sự an toàn và ngại thay đổi, đó còn chưa nói đến học thêm kiến thức mới. Xã hội bắt đầu nhan nhản những người bằng lòng với những thứ có sẵn và hàng loạt lý do khác theo ông “có thể gây hậu quả không tốt đến sự tấn tới của mỗi cá nhân và toàn xã hội”.

Thời gian sống tại Long Xuyên, Nguyễn Hiến Lê từng làm nghề “gõ đầu trẻ” trong khoảng bốn năm (1947-1951) và ông có tiếng là thầy dạy giỏi. Quan sát nhà trường và học trò, ông nghiệm ra giáo dục truyền thống luôn tranh thủ nhồi nhét đủ loại kiến thức, mỗi tuần học sinh học 23 giờ thì có 22 giờ về trí dục, thể dục được 1 giờ, đức dục tuyệt nhiên không. Lên đến cấp độ Đại học, nhà trường cung cấp sơ lược về kiến thức căn bản của ngành, tuyệt nhiên vắng bóng những môn học khuyến khích sự sáng tạo và khả năng tư duy độc lập.

Tác phẩm Tự học- Một nhu cầu thời đại của học giả Nguyễn Hiến Lê

Tác phẩm Tự học- Một nhu cầu thời đại của học giả Nguyễn Hiến Lê

“Người ta muốn cho trẻ biết gần đủ các ngành khoa học; nhưng vì biển học mênh mông, mỗi ngày sự hiểu biết của loài người càng tăng tiến, dù học suốt đời cũng chưa được bao nhiêu, huống hồ chỉ mới học trong mươi năm”. Vì thế ông kết luận: “Trường học bây giờ đào tạo những con người máy”.

Nạn giáo dục rập khuôn, hời hợt vì thế chứng minh tự học như là nhu cầu điền vào những ô trống mà giáo dục nhà trường đã bỏ qua. Nguyễn Hiến Lê nhận thức học là một quá trình liên tục và tự giác là cần thiết trong cuộc sống, không chỉ để xây dựng một xã hội phát triển mà trước hết mang lại nhiều lợi ích cho bản thân.

“Người nào đã kiên tâm tự học thì sớm muộn gì cũng vượt hẳn lên trên những người khác, không giàu sang hơn thì cũng được kính trọng hơn” – Ông quả quyết.

Chớ quên đọc sách

Học giả Nguyễn Hiến Lê thường dành nhiều thời gian để chu du thiên hạ, đi đây đó khám phá cái mới để mở rộng tầm mắt. Theo ông, dù đi tới nhiều miền mới, hay vô tình đọc lướt thông tin lạ từ đâu đó, cũng chỉ mới “biết” cái bề mặt chứ chưa “hiểu” được nội tình, cái sâu sắc của vấn đề. Vì thế tiếp thu kiến thức qua sách vở là phương tiện hiệu quả nhất để tự học và củng cố thêm những điều chưa được giải thích rõ ràng.

“Suốt hàng nghìn năm qua, những kinh nghiệm, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tác luôn được ghi ra trong sách vở truyền thụ lại cho đời sau. Đọc sách tức là tiếp nhận vốn tinh thần nhân loại mà chính nó lại là cầu nối giữa thế hệ của ta với những thế hệ trước và sau ta” – Nguyễn Hiến Lê viết.

Tận dụng được thời gian rảnh tự học bằng cách đọc sách còn hơn là “miệt mài trên chiếu tứ sắc hoặc bê tha ở các quán rượu”, tuy nhiên tác giả cũng từng trả giá cho việc đọc vô mục đích, không phân định được loại sách phù hợp với khả năng bản thân.

Trong “Tự học - Một nhu cầu thời đại”, Nguyễn Hiến Lê dành ra tám trong tổng số mười bốn chương để nhấn mạnh việc đọc sách và phương pháp tiếp nhận thông tin hiệu quả nhất cho từng hạng người, dù ít học hay bụng một bồ chữ cũng tìm ra cho mình cuốn sách phù hợp nhất.

Trên con đường tự học, chỉ đọc không thôi chưa hẳn là chiếc phao cuối cùng để con người tiến bộ và phát triển trong công việc. Có người thích học qua sách vở, trong khi người khác lại tận hưởng việc học thông qua các bài giảng hoặc du lịch trải nghiệm. Dù học bằng bất kỳ hình thức nào đi nữa, mục đích chính mà Nguyễn Hiến Lê muốn nhắm đến là tạo ra ý nghĩa mới cho đời sống và trang bị kiến thức để mạnh dạn bước vào một thế giới thay đổi liên tục.

Trong hồi ức “Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, học giả Nguyễn Hiến Lê luôn được nhắc đến là một tấm gương sáng của nghị lực và phụng sự xã hội: “Ông tận tuỵ cả đời viết sách, đem kinh nghiệm bản thân ra hướng dẫn thanh thiếu niên, mong giúp được người khác chút gì; lúc bỏ cây viết ra thì vớ ngay cuốn sách để đọc, để học không ngừng” – Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm