Ngay trong sáng sớm, Bến xe Miền Đông đã có hàng trăm xe xuất bến, chủ yếu chở khách về các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Xe ra khỏi bến nhiều nhưng trước cổng phía đường Xô Viết Nghệ Tĩnh không ùn ứ hoặc xe dừng lại đón khách như mọi năm.
Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, năm nay lượng khách mua vé trước khá nhiều. Đến ngày 31-1 các hãng tự bán vé trước đã bán ra hơn 175.000 vé (bằng gần 50% tổng lượng vé đi từ ngày 20 đến 29 tháng Chạp), còn các cửa bán vé theo ủy thác của doanh nghiệp chỉ bán được 1.400 vé (giảm hơn một nửa so với 2012). “Các hãng bán vé trước nhiều nên họ đã chủ động được nguồn xe, sắp xếp giờ xuất bến hợp lý nên khách đến bến rải đều nhiều giờ trong ngày, không bị đổ dồn về bến cùng lúc gây ùn ứ…” - ông Hải nhận xét.
Đến cuối chiều qua, đã có hơn 1.600 xe rời bến với hơn 41.000 hành khách (ngày 23 tháng Chạp là 1.400 xe và hơn 31.600 khách). Theo ông Hải, so với cùng kỳ thì năm nay lượng xe và khách rời bến đều giảm. Có nhiều nguyên nhân như tình hình kinh tế khó khăn, người dân hạn chế đi lại; nhiều công ty, xí nghiệp đã cho công nhân nghỉ về quê trước ngày 15 tháng Chạp vì khó khăn hoặc chủ động nguồn xe đưa công nhân, nhân viên về quê không cần qua bến. “Tình trạng xe hợp đồng, du lịch trá hình hoạt động sâu trong nội đô nhưng thực chất là chạy xe khách theo tuyến liên tỉnh cố định đã “hút” mất khoảng 10.000 khách của bến xe!” - ông Hải cho biết.
Hành khách lên xe từ Bến xe Miền Đông để về quê ăn tết trong sáng 4-2. Ảnh: LĐ
Tại Bến xe Miền Tây, ngày 4-2, lượng khách đi xe cũng giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Lê Công Tâm, Trưởng phòng Điều độ, lượng khách về các tỉnh miền Tây qua bến này giảm có nguyên nhân giống như ở khu vực miền Đông. Ngoài ra, về miền Tây có nhiều tuyến đường ngắn nên nhiều người đã chọn cách đi xe máy thay vì đi xe đò. “Lượng khách qua bến này sẽ tăng dần từ sau ngày 25 tháng Chạp” - ông Tâm dự báo.
Theo Trung tá Trần Văn Thương, Đội trưởng Đội CSGT Hàng Xanh, trong ngày 4-2 không xảy ra tình trạng ùn ứ xe ở các tuyến đường quanh Bến xe Miền Đông.
l So với những ngày trước, lượng hành khách đi lại trong ngày 4-2 tại các bến xe ở Hà Nội đã giảm nhưng tình trạng nhồi nhét và đẩy giá vé lên cao ngất ngưởng vẫn cứ diễn ra.
Các nhà xe “ép” ba người ngồi trên hai ghế, kê những tấm gỗ ngang giữa hai hàng ghế để “ép” thêm hai người ngồi vào đó. Như vậy, chỉ với hai hàng ghế cho bốn người ngồi, nhà xe nhét được đến 7-8 người. Một chiếc xe 48 chỗ nhét được đến 120-130 người. Giá vé cũng đã được các nhà xe đẩy lên cao gấp 1,5-2 lần so với ngày bình thường. Tuyến Hà Nội - Nam Định ngày thường giá 60.000 đồng/khách, giờ cũng đã lên đến 100.000-120.000 đồng; tuyến Hà Nội - Vinh từ 170.000 đồng/khách tăng lên 300.000-350.000 đồng…
Một hành khách bức xúc: “Nhà xe thu giá cao còn nhét đến hai người trên một ghế nhưng chẳng hiểu sao CSGT, các lực lượng trong bến vẫn cho các xe đi lại thoải mái”.
Doanh nghiệp Hoa Châu, chạy tuyến Tây Sơn (Bình Định) dùng phiếu đặt chỗ của hành khách thay cho vé xe nhằm trốn thuế nên tổ công tác tại Bến xe Miền Đông của Ban Quản lý các bến xe khách đã buộc doanh nghiệp phải xuất vé chính thức cho hành khách rồi mới cho xe rời bến. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các bến xe khách, các trường hợp hãng xe vi phạm về vé (như lấy quá giá niêm yết, không xuất vé…) buộc phải thực hiện nghiêm, cho xuất bến rồi sau tết mới xử lý đình tài, chuyến hoặc nặng hơn thì đề nghị không cho hoạt động trong bến. Nhà xe bỏ hơn 40 hành khách giữa đường Sáng 4-2, anh Nguyễn Văn Hòa (ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) gọi điện thoại đến đường dây nóng báo Pháp Luật TP.HCM báo tin: Anh cùng hơn 40 hành khách khác bị hãng xe khách Xuân Tùng (Đà Nẵng) bỏ ở quán cơm Nam Phương thuộc địa phận xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa (Phú Yên) khi khách vào ăn sáng. Khi chúng tôi đến nơi, hàng chục hành khách lo lắng vì chiếc xe chở họ “biến mất”. Các hành khách này đã mua vé của hãng xe Xuân Tùng đi từ TP.HCM về Quảng Nam với giá 650.000 đồng/vé. Nhiều vé xe ghi giờ xuất bến khác nhau nhưng nhà xe này gom hành khách lại để cùng xuất bến lúc 17 giờ 15 ngày 3-2 tại 560B Hồng Lạc, quận Tân Bình, TP.HCM. Tuy nhiên, hãng xe Xuân Tùng không chở khách mà giao số khách trên cho một chiếc xe khác mang biển số Campuchia. Lúc đầu có một người của hãng xe Xuân Tùng đi cùng chiếc xe này nhưng đến Bình Thuận, sau khi thu đủ tiền của hành khách, người này xuống xe, giao khách cho tài xế và một phụ xe của chiếc xe trên. Hành khách lo lắng vì bị nhà xe bỏ giữa đường. Ảnh: TẤN LỘC Theo các hành khách, khi đến quán cơm Nam Phương, tài xế bảo hành khách xuống ăn sáng để đi sửa xe nên họ để nguyên hành lý trên xe. Chờ mãi mà không thấy xe đâu, gọi đến hãng xe Xuân Tùng nhưng không được trả lời nên họ gọi vào đường dây nóng của báo. Chị Lê Thị Kiều Oanh (ngụ xã Hà Lâm, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) nói: “Khi bán vé, nhà xe nói bao cả ăn uống cho hành khách nhưng chẳng thấy người của nhà xe đâu nên chúng tôi phải tự lo hết..”. Do chờ quá lâu mà không có phản hồi gì, một số hành khách đã ra đường tự đón xe để kịp về quê. Chúng tôi báo và Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên đã cử một tổ công tác đến giải quyết sự việc, truy tìm chiếc xe thì thấy nó đang nằm tại một tiệm sửa xe cách quán cơm gần 2 km. Tài xế chiếc xe trên cho biết: Hãng xe Xuân Tùng hợp đồng và giao cho Công ty T&T-PK chở số hành khách trên. “Sau khi xe bị hư, tôi đã gọi điện thoại báo cho hãng xe Xuân Tùng nhưng họ không gọi lại. Tôi chỉ làm nhiệm vụ lái xe nên không thể giải quyết những điều mà hãng xe Xuân Tùng đã cam kết với hành khách khi bán vé”. Sau hơn 4 tiếng đồng hồ biến mất, trưa cùng ngày, chiếc xe trên mới sửa xong, tiếp tục hành trình. TẤN LỘC |
L.ĐỨC - T.VĂN