Mười tám tháng qua, tỉnh Ninh Thuận chỉ mới có được một cơn mưa, mọi người mừng rỡ gọi là trận mưa vàng. Hai ngày vừa qua mới thêm hai cơn mưa nữa nhưng cũng chỉ đủ thấm đất.
Oằn mình vì hạn
Tất cả hồ chứa nước trong tỉnh đều cạn kiệt. Ruộng đồng nhiều nơi không còn ngọn cỏ nào. Toàn bộ 20 hồ thủy lợi ở Ninh Thuận đã cạn kiệt, chỉ còn 15 triệu m3, chiếm 7% dung tích thiết kế. Nhiều nơi trong tỉnh đã ngưng sản xuất lúa, ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt và chăn nuôi gia súc.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch HĐND xã Phước Nam (huyện Thuận Nam), cho biết lúa ở xã chết toàn bộ, 1/3 diện tích nho và táo cũng chết nốt, cừu, dê cũng chết, còn người thì ở các thôn xa bộ đội phải chở nước sinh hoạt đến.
Bác chủ nhà nơi một nhóm từ thiện mượn làm điểm phát quà cho người dân thôn Tam Lang (xã Phước Nam) bảo cậu con trai út sáng giờ đi tìm cỏ cho mấy con bò mãi chưa về. May mà nhà bác còn có nước nên đỡ khổ. Những nhà khác xung quanh đây mấy tháng rồi giếng và suối đều cạn khô, chính quyền phải mang nước đến cứu trợ.
Tại UBND thị trấn Phước Dân, nơi một nhóm bạn đồng hương Ninh Thuận quyên góp tặng 50 suất quà cho người dân làng gốm Bàu Trúc, Phó Chủ tịch HĐND xã Trần Thanh Sơn cho biết Ninh Thuận xưa nay ít mưa nhất nước, dân chịu cực quen rồi. Nhưng cơn hạn khủng khiếp này đã khiến người dân quê ông điêu đứng.
Ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi, trao quà cho bà con nghèo xã Phước Nam (Thuận Nam, Ninh Thuận) sáng 28-6. Ảnh: NGÂN NGA
Chia sẻ với vùng hạn
Ngày 28-6, báo Pháp Luật TP.HCM và Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi tổ chức trao quà cứu trợ tại xã Phước Nam, huyện Thuận Nam. Mới 7 giờ sáng, mặt trời đã chói chang, nắng rát mặt. Những bạn trẻ tình nguyện viên của quán cơm từ thiện 2.000 đồng Nụ Cười ở Phan Rang lưng áo ướt đẫm mồ hôi giúp đoàn cứu trợ vác gạo, mì gói, dầu ăn, đường, bột ngọt… chất lên xe. Chị Thanh Hân, chủ một doanh nghiệp vận tải ở Phan Rang, chẳng những cho mượn không chiếc xe còn đi theo để phụ giúp phát quà.
Sáng sớm, UBND xã đã có khá đông bà con, đa phần là người Chăm. Tôi gặp một cụ già dẫn theo đứa cháu nội bốn tuổi đi chân trần đen nhẻm đất đang ngồi chờ bà cho hay hai bà cháu đến từ sớm lắm. Bà mưu sinh bằng cách nhặt phân bò. Tuổi già chân yếu đi đứng khó khăn nên bà đi không được xa mà số người đi nhặt phân bò lại nhiều nên mỗi ngày bà chỉ tìm được một bao phân, bán được 20.000 đồng. Nhận được quà, hai bà cháu cuống quýt đi bộ về để kịp nấu cơm. Bà tay xách nách mang, đứa bé còm nhom khệ nệ ôm bịch gạo đi theo. Gương mặt khắc khổ đen đúa của họ lấp lánh niềm vui.
Cô bé người Chăm gương mặt cương nghị với đôi mắt sáng lễ phép nhường chỗ mát cho tôi ngồi. Cô bé dẫn theo đứa em nhỏ xíu khép nép ngồi sát vào người chị. Hai chị em vừa mất mẹ sau một cơn bạo bệnh. Hỏi ba đâu, em cúi đầu định nói điều gì thì đến phiên nhận quà. Cái bóng lớn đi cùng cái bóng nhỏ, lủi thủi rồi khuất dần. Người chị ấy sẽ phải làm cha, làm mẹ cho đứa em nhỏ dại của mình. Rồi bà cụ nhỏ thó người, ho lụ khụ, răng rụng gần hết được đứa cháu chở đến. Bà mới hết bệnh, sức vẫn còn yếu lắm. Nhận quà, bà rối rít cảm ơn rồi “Chúc cô làm ăn phát tài năm mới”. Người Chăm Hồi giáo ở Ninh Thuận vừa đón tết năm mới của mình trong cơn hạn hán lịch sử này.
Báo Pháp Luật TP.HCM và Công ty Duy Lợi tặng quà cho người dân vùng hạn Nhằm chia sẻ khó khăn với người dân vùng đại hạn, ngày 28-6 vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức đợt trao quà tại xã Phước Nam, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). 200 suất quà mỗi suất gồm 10 kg gạo, đường, bột ngọt và dầu ăn tổng giá trị 100 triệu đồng do Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi tài trợ đã được trao cho các hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo của xã. Bà Châu Thị Ma Ry, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nam, nói đây là sự hỗ trợ rất kịp thời và cần thiết, giúp đồng bào có thêm điều kiện để cầm cự trong khi chờ mưa tới. Theo lãnh đạo xã, khó khăn của người dân sẽ còn kéo dài bởi ngay cả khi mùa mưa đến để có thể bắt tay sản xuất thì vẫn mất một thời gian mấy tháng sau mới thu hoạch. Trong khi đó nguồn lực cho tái sản xuất đã cạn kiệt vì đã phải chi phí cho sinh hoạt trong cơn hạn lịch sử này. |