VEC: Đầu tư nút giao An Phú là không khả thi vì... hết tiền

Ngày 3-10, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết trong các tuyến cao tốc VEC quản lý, mật độ phương tiện trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tập trung cao nhất, đặc biệt vào dịp cuối tuần, ngày lễ, tết.

Trong các dự án VEC quản lý và khai thác thì cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có lưu lượng xe lớn.

Các điểm “nóng” tập trung chủ yếu tại khu vực nút giao An Phú (quận 2, TP.HCM), điểm đầu của đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đại lộ Đông Tây (nay là đường Mai Chí Thọ).

Để giải quyết cơ bản tình trạng này, một trong những giải pháp được VEC từng chỉ ra là phải xây dựng nút giao thông khác mức (hầm chui, cầu vượt) tại khu vực nút giao. Tuy nhiên, hiệp định vay vốn của dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ kết thúc vào tháng 7-2021, nên việc sử dụng vốn dư để thực hiện đầu tư nút giao An Phú là không khả thi, nhất là trong điều kiện đang thực hiện tái cơ cấu các dự án của VEC.

“Đây cũng là lý do mới đây UBND TP.HCM đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, khẳng định có đủ khả năng sắp xếp vốn để TP.HCM triển khai đầu tư nút giao An Phú…” - VEC thông tin.

Để giảm áp lực giao thông nội đô, VEC cho biết Sở GTVT TP.HCM đã kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận sử dụng đường dưới dạ cầu tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây làm đường giao thông tạm và cho phép TP.HCM khai thác gầm cầu cạn các tuyến cao tốc làm nơi đỗ xe. Tuy nhiên, theo VEC, việc này có khả năng ảnh hưởng đến công tác bảo trì và kết cấu, công năng của công trình trong trường hợp gặp sự cố.

Trước đó, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ quản của VEC) xem xét khả năng đầu tư dự án nút giao An Phú.

Theo UBND TP.HCM, dự án nút giao An Phú (quận 2) được Bộ GTVT và TP.HCM thống nhất đầu tư.

Dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng vốn dư JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) vay từ dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây triển khai thủ tục đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, hiệp định vay vốn dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ kết thúc vào tháng 7-2021, nên việc sử dụng vốn dư để thực hiện đầu tư cho nút giao An Phú là không khả thi.

Để sớm triển khai thực hiện dự án, tránh kẹt xe cho khu vực nút giao An Phú, UBND TP đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, khẳng định có đủ khả năng sắp xếp vốn để TP.HCM triển khai đầu tư.

Theo UBND TP.HCM, sau khi đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành, lượng xe đi qua khu vực này rất lớn, tuy nhiên do chưa có cầu vượt hoặc hầm chui nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Theo VEC, dự án đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú gồm cầu vượt và hầm chui. Cụ thể, xây dựng đường hầm chui hai chiều (bốn làn xe) kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ theo hướng về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại. Tổng vốn đầu tư 1.047 tỉ đồng, trong đó sử dụng vốn vay dư của chính phủ Nhật Bản đã đầu tư xây dựng dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

 

          VEC từ chối 48.000 phương tiện đi vào cao tốc

Trong chín tháng đầu năm, VEC cho biết đã thực hiện kiểm soát tải trọng 1,84 triệu lượt phương tiện và VEC phát hiện 59.000 lượt phương tiện vi phạm tải trọng. Trong đó, thực hiện từ chối phục vụ 48.000 phương tiện (cao hơn 55% so với cùng thời điểm năm 2018).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm