“HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Trí mức án một năm tám tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản…” - tiếng của vị thẩm phán chủ tọa vang lên cũng là lúc kết thúc phiên tòa. Ngày cận tết Nguyên đán, trong lúc nhiều người đang chuẩn bị tàu xe về sum họp với gia đình thì Trí lầm lũi lên xe bít bùng quay lại trại giam chờ đến những ngày cuối đời.
Từ trại cai nghiện đến trại giam
Sinh ra ở miền quê lúa Thái Bình, bị cáo lập gia đình khi mới 25 tuổi và làm công nhân cho một công ty giày. Cuộc sống yên bình, hạnh phúc cứ thế diễn ra khi gia đình nhỏ đón chào một thành viên mới. Rồi ngày nọ Trí bị mất việc làm, vợ con lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống của bị cáo vốn đã khó khăn nay lại thêm khốn đốn, Trí quyết định bỏ xứ vào miền Nam kiếm sống.
Năm 2010, Trí vào tỉnh Bình Dương, không nghề nghiệp nên bị cáo xin vào làm công nhân ở một công ty với mong muốn đủ tiền nuôi con ăn học. Tuy nhiên, duy trì công việc chẳng được bao lâu thì Trí tham gia vào một nhóm trộm đồ của công ty đem bán, bị phát hiện, ngay lập tức Trí bị công ty sa thải.
Thế rồi từ đây Trí cứ trượt dài. Trí bắt đầu cuộc sống lang thang, ban ngày lê la ở bến xe, ai nhờ gì làm nấy, tối ngủ công viên. Môi trường sống phức tạp, tiếp xúc với nhiều thành phần bất hảo trong xã hội nên bị cáo trở thành con nghiện lúc nào không hay. Để có ma túy sử dụng, Trí trở thành tai mắt của những con nghiện chuyên nghiệp.
Biết chuyện, vợ Trí từ quê vào khuyên giải, can ngăn chỉ được đôi ba bữa, khi cơn nghiện kéo đến mọi lời dặn dò, lời hứa đều bay mất theo làn khói trắng. Cuộc sống túng quẫn lại thêm người chồng nghiện ngập, khuyên can nhiều lần không được, vợ Trí hết kiên nhẫn và từ đây gia đình tan tác.
Trong một lần truy quét tội phạm, Trí bị công an bắt khi đang sử dụng ma túy. Khai với cơ quan chức năng về nhân thân, Trí nói mình tứ cố vô thân vợ đã bỏ đi, cha mẹ cũng không tìm thấy và không còn ai thân thích. Từ đó, Trí đã bị cơ quan chức năng đưa đi cai nghiện bắt buộc. Điều đáng nói là sau khi cai nghiện xong, trở về xã hội lại không việc làm, không người thân, Trí tiếp tục cuộc sống lang thang. Thế rồi lại tái nghiện và Trí bị bắt đưa đi cai nghiện một lần nữa.
Những tưởng sau hai lần cai nghiện, trải qua những đợt điều trị do ma túy gây ra, Trí đã hiểu rõ tác hại và tránh xa. Tuy nhiên, cuộc sống Trí tuột dốc không phanh. Để có tiền sử dụng ma túy anh công nhân chất phác ngày nào từ một con nghiện trở thành con buôn cái chết trắng.
Năm 2013, Trí bị bắt, bị truy tố về tội mua bán trái phép chất ma túy và bị tòa tuyên phạt bảy năm sáu tháng tù. Chưa hết, một thông tin xấu nữa là kết quả khám sức khỏe kết luận Trí bị nhiễm HIV.
Không còn cơ hội để quay đầu…
Năm 2019, vừa mãn hạn tù về tội ma túy, Trí lại bị VKS truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói là người bị Trí lừa 5 triệu đồng lại là ba người mua ve chai. Đứng trước bục xét xử, Trí thừa nhận tất cả hành vi phạm tội của mình. Trí khai được một người nhờ giới thiệu để bán tôn cũ, sắt phế liệu nên đã liên hệ với người mua ve chai để bán.
Tuy nhiên, khi biết việc mua bán này là không có thật, Trí vẫn hứa hẹn nói rằng thiếu tiền cọc nên không bán được. Tin tưởng Trí, ba người mua ve chai đã góp tiền đưa cho Trí để có thể làm cho xong việc. Nhận tiền Trí lấy tiêu xài hết và không nói đến chuyện mua bán phế liệu.
Nếu chỉ nhìn dáng vẻ bên ngoài, mái tóc bạc, khuôn mặt khắc khổ, người đối diện không thể ngờ rằng bị cáo chỉ mới ngoài bốn mươi.
Trí gục đầu trả lời HĐXX với một thái độ chấp nhận tất cả. Lúc này, một vị hội thẩm lớn tuổi hỏi về hoàn cảnh gia đình, Trí nhỏ nhẹ trả lời: “Bị cáo không tìm được ai, cả vợ con của bị cáo cũng bỏ đi rồi”. Vị hội thẩm tiếp: “Thế bị cáo có nhớ con không?”, Trí gục đầu không trả lời.
Im lặng một lúc, Trí nói: “Bị cáo bị nhiễm HIV giai đoạn cuối”. Vị hội thẩm ôn tồn động viên: “Bị cáo nhìn lên HĐXX đi. Biết mình sai thì phải sửa, mắc căn bệnh này cuộc sống tính từng ngày nhưng không thể cứ lao vào cái chết như vậy. Bị cáo hãy sống những ngày cuối đời thật ý nghĩa”. Trí cúi đầu, chắc có lẽ lâu lắm bị cáo mới nghe được một lời khuyên như thế.
Thẩm phán chủ tọa nghiêm giọng: “Bị cáo ngẩng đầu lên trả lời HĐXX. Bị cáo đã hai lần bị đưa đi cai nghiện. Sau đó bị kết án về tội buôn bán ma túy, vừa mới chấp hành xong án thì lại tiếp tục phạm tội. Bị cáo có nhận thức được tác hại của ma túy không? Tại sao sau khi cai nghiện lại tiếp tục dính vào ma túy để phải trả giá trước tòa như thế này?”.
Bị cáo Trí lí nhí trả lời là do bạn bè rủ rê. Ngay lập tức, vị chủ tọa nói rằng bị cáo đã lớn tuổi chứ không còn trẻ mà không nhận thức được việc làm của mình.
Phiên tòa khép lại, vị thẩm phán chủ tọa trầm ngâm một lúc mới rời phòng xử án. Ông bảo bị cáo Trí là một trong những nghịch cảnh mà trong công việc xét xử ông từng chứng kiến. Con người ta một khi cứ thả trôi, trượt dài trên con đường phạm tội thì đến lúc thật sự hối hận, muốn làm lại cuộc đời… than ôi, mọi sự đã quá trễ tràng…
Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng hành vi của bị cáo làm mất niềm tin trong cuộc sống, cần phải có một bản án nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe. Tuy nhiên, xét tại tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, có thái độ ăn năn, hối cải nên vị này đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để đưa ra một bản án phù hợp. |