VFF không muốn dẹp bạo lực?

Chuyện xảy ra từ vòng 3 V-League trên sân Hàng Đẫy. Tình huống hai cầu thủ chủ nhà Hà Nội (Samson và Văn Kiên) lao vào, dùng gầm giày đạp lên đùi cầu thủ Châu Ngọc Quang (HA Gia Lai) đã nằm sân để lấy bóng khiến dư luận bất bình.

Tình huống ấy trọng tài bỏ qua, rồi giám sát trọng tài, giám sát trận đấu cũng bỏ qua nhưng hành vi bạo lực đấy thì ai xem cũng sợ. Sợ vì nó châm ngòi cho lối đá bạo lực, đi ngược với công văn chỉ đạo của chủ tịch VFF ký hồi đầu giải. Công văn thể hiện quyết tâm việc chấn chỉnh bóng đá Việt Nam qua hình ảnh xấu chơi và mang tiếng là đội bóng bạo lực nhất ở AFF Cup 2016.

Từ đó đến nay, truyền thông liên tục đề cập với mong muốn xử nghiêm tình huống mà trọng tài “quên” và giám sát cũng “quên”. Các đài truyền hình, các báo đài và cả những chuyên gia, những nhà chuyên môn đều lên tiếng với mong muốn tiếng nói của mình góp phần làm thức tỉnh những người có trách nhiệm nhưng “mê ngủ” hoặc bận bịu ngày Tết.

Những nhà điều hành cứ che chắn như thế, làm sao bóng đá Việt Nam ngăn được bạo lực? Ảnh: HUY PHẠM

Thế nhưng sau đó thì việc mổ băng rồi tự tiện công bố quyết định không đúng chức năng của Ban Trọng tài đã dẫn đến hàng loạt những lệch lạc của các ban chức năng sau đó, làm người hâm mộ và giới chuyên môn mất niềm tin.

Bắt đầu là động tác tấn công đầy bạo lực của Samson và Văn Kiên được Ban Trọng tài “bẻ” đi bằng hình thức sử dụng câu từ để che chắn cho hành vi bạo lực. Ban Trọng tài đã dùng từ “vào bóng liều lĩnh” để không kết tội từ động tác tấn công bạo lực gây nguy hiểm và có khả năng hủy hoại đồng nghiệp mà hai cầu thủ Samson và Văn Kiên có hành vi xấu.

Rồi từ kết luận của Ban Trọng tài, Ban Kỷ luật VFF nối đuôi theo và cho rằng đến Ban Trọng tài kết luận đấy không phải là lỗi, không phải là hành vi bạo lực thì không xử…

Sự việc chưa dừng lại đó khi không ít nhà chuyên môn và những PV có tâm vì quá uất ức với việc xem thường dư luận của Ban Trọng tài, Ban Kỷ luật và ban tổ chức giải nên đã gửi đoạn clip bạo lực đấy đến các trọng tài FIFA có tiếng từng điều hành những giải đấu như vòng loại World Cup, Asian Cup, Olympic… Không hẹn mà gặp, những trọng tài có hạng đấy đều khẳng định đấy là hành vi bạo lực và ít nhất phải là thẻ đỏ bởi gây nguy hiểm và có thể hủy hoại cầu thủ đối phương. Tất nhiên, họ cũng khá thắc mắc với từ “vào bóng liều lĩnh” không có trong sách luật của 17 điều luật FIFA.

Người hâm mộ và giới chuyên môn rất thất vọng về việc phân tích tình huống để che giấu bạo lực của hai cầu thủ Hà Nội và tự hỏi phải chăng có một góc khuất nào đó hay một động lực đủ mạnh để những người điều hành đấy dám chà đạp cả lên công văn kêu gọi chống bạo lực, chống bóng đá xấu xí của ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.

Nói về những quyết định khó hiểu làm mất lòng tin người hâm mộ, những nhà chuyên môn như cựu Trưởng ban Trọng tài Quốc gia Đoàn Phú Tấn; cựu HLV đội Thể Công Trịnh Minh Huế; cựu danh thủ và cũng là cựu tổng biên tập báo Bóng Đá, ông Vũ Mạnh Hải; HLV Lê Thụy Hải đều có chung một tiếng nói: “Trên sân có thể tình huống diễn ra quá nhanh, trọng tài không theo kịp nhưng khi những người có trách nhiệm ngồi lại mổ băng đàng hoàng với nhiều góc quay mà lại cố tình che giấu bao biện và dùng câu chữ để giúp các cầu thủ có hành vi bạo lực thoát án thì cũng có nghĩa là V-League đã loạn mất rồi! Loạn vì người ta dám dùng luật riêng, dùng quyền hành của mình mà bẻ cong 17 điều luật của FIFA khi chế thêm từ “vào bóng liều lĩnh” để đậy một lỗi to tày đình trên sân cỏ…”.

Chả trách V-League ngày càng thưa thớt khi người xem chán nản, mất niềm tin bởi những thứ trá hình và thiếu minh bạch. Kể cả Luật FIFA hay công văn kêu gọi của ông chủ tịch VFF cũng bị bóp méo.

Ban Kỷ luật, ban tổ chức giải và VFF có bị lừa?

Sau khi dư luận lên tiếng, Ban Trọng tài đã nhanh nhảu mổ băng rồi đưa ra kết luận. Lạ ở chỗ người chủ trì việc mổ băng là Phó ban Trọng tài Dương Văn Hiền, mà ông Hiền cũng là giám sát trận đấu trên. Ở đây nhiều người ngạc nhiên vì ông Hiền đã sai khi không báo cáo tình huống bạo lực, rồi thì sau đó cũng chính ông Hiền lại là người mổ băng và khẳng định pha bóng đấy không bạo lực (!?).

Các chuyên gia phân tích việc ông Hiền sai để bảo vệ cho mình trong trận đấu ông làm giám sát mà không báo cáo đã đành, đằng này các bộ phận tiếp theo như Ban Kỷ luật, ban tổ chức giải… cũng bất chấp mà nhắm mắt xem như không có bạo lực.

Thế thì làm sao cải tổ được bóng đá Việt Nam sau cú sốc bị Đông Nam Á nhận xét đội tuyển Việt Nam là đội xấu chơi nhất và bạo lực nhất giải AFF Cup 2016.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới