BẢN QUYỀN V-LEAGUE BÁN CHO AVG 20 NĂM

VFF “ly dị” VTV!

Chơi với AVG, V-League được nhiều tiền hơn! - Ảnh: N.Nhật

6 tỉ đồng/năm

Ông Nguyễn Trọng Hỷ, chủ tịch VFF, cho biết hợp đồng giữa VFF và AVG có giá trị 6 tỉ đồng/năm, cao gấp đôi giá trị mà VFF đã bán cho VTV và VTC những năm trước.

Ngoài việc trả tiền bản quyền truyền hình hằng năm cho VFF, AVG sẽ phải trích tối thiểu 20% giá trị của các hợp đồng quảng cáo được phát trên các kênh truyền hình trong các trận đấu tại V-League kể từ mùa bóng 2011.

Như mọi người đã biết, cách đây vài tháng, báo chí đã nói nhiều về câu chuyện AVG sẽ thâu tóm bản quyền truyền hình của hàng chục môn thể thao ở VN trong vòng 20 năm. Xung quanh chuyện này, có nhiều liên đoàn “gật” và ngược lại nhiều nơi cũng đã “lắc”.

Phe không đồng ý thì cho rằng mỗi nhiệm kỳ của một liên đoàn chỉ có bốn năm, nên việc bán bản quyền đến 20 năm là vượt thẩm quyền của mình. Phe đồng ý cho rằng xưa nay đã có ai thèm nói đến chuyện mua bản quyền (với các môn không hấp dẫn), hoặc có hỏi thì cũng như là ban phát (với những môn mạnh).

Khi được tin môn bóng đá đã hoàn tất việc bàn thảo với AVG, chỉ chờ ngày chính thức công bố việc bán bản quyền truyền hình V-League trong 20 năm, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Hùng Dũng - phó chủ tịch VFF, người trực tiếp đàm phán hợp đồng với AVG.

VFF thiệt hại nhiều vì VTV!

* Xin ông cho biết diễn biến của việc đàm phán giữa VFF với AVG?

- Cách đây khoảng một năm, AVG đặt vấn đề với VFF về việc mua lại bản quyền truyền hình giải V-League. Ngày 8-12 vừa qua VFF đã có cuộc làm việc cuối cùng với AVG để chốt lại những khúc mắc của hai bên trước khi đặt bút ký vào bản hợp đồng.

Chúng tôi đang tìm ngày thích hợp trong tháng 12 này để hai bên chính thức ký vào hợp đồng và họp báo công bố sự hợp tác giữa VFF và AVG. Việc bán bản quyền truyền hình V-League được thường trực VFF thông qua, được sự đồng ý của ban chấp hành VFF. Hợp đồng xin được tiết lộ là sẽ kéo dài 20 năm.

* Lý do nào khiến VFF chuyển từ việc đang bán bản quyền cho VTV và VTC sang bán toàn bộ cho AVG trong 20 năm?

- Bản quyền truyền hình là câu hỏi tương đối nhức nhối với VFF. Mỗi mùa giải diễn ra chúng tôi lại đặt câu hỏi liệu có bán được bản quyền truyền hình không, bán cho ai, điều kiện thế nào. Những năm qua, VTV là đài phát các giải đấu bóng đá của VN cho người hâm mộ cả nước. Gần đây có thêm VTC cùng tham gia mua mỗi tuần một trận tại V-League.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, khi đàm phán về vấn đề mua bán bản quyền truyền hình với VTV, VFF luôn bị coi là chiếu dưới trong cuộc chơi. Có những lúc VFF phải năn nỉ các đài đến ghi hình phát sóng khi giải đấu diễn ra, thậm chí phải “bồi dưỡng” cho truyền hình.

Khi nhiệm kỳ 5 VFF bắt đầu, việc đầu tiên tôi làm là dẫn phòng tiếp thị sang làm việc với VTV đề nghị hợp tác toàn diện giữa hai bên. Đàm phán chung rất đơn giản nhưng khi thực hiện vô cùng khó khăn.

Ví dụ tháng 10 vừa qua, Liên đoàn Bóng đá TP.HCM và VFF phối hợp tổ chức Cúp bóng đá 1.000 năm Thăng Long tại TP.HCM. Kế hoạch ban đầu đã làm việc với VTV là tất cả các trận đấu đều tường thuật trực tiếp trên kênh VTV2. Tuy nhiên, trận chung kết tối 2-10 với Iran của U-23 VN đến giờ bóng lăn, VFF mới tá hỏa khi thấy không được phát trên VTV2 nữa.

Sau này kiểm tra chúng tôi mới biết VTV đã thay trận đá bóng của VFF bằng việc phát trận quần vợt với lý do rất trời ơi. Sự thay đổi này khiến VFF bị nhà tài trợ trừ khá nhiều tiền vì thỏa thuận trước đó trận đấu sẽ phải phát trực tiếp trên kênh VTV2.

Không hớ

* Vậy hợp tác với AVG, VFF được đối xử bình đẳng hơn?

- Các mùa giải trước khi VTV và VTC mua bản quyền truyền hình V-League, mỗi tuần có tối đa hai trận đấu được tường thuật trực tiếp trên sóng. Nhưng kể từ mùa giải 2011 khi VFF bán bản quyền V-League cho AVG thì mỗi tuần có bảy trận đấu diễn ra, tất cả được truyền hình trực tiếp đến người hâm mộ. Truyền hình nhiều hơn tức là giá trị thương quyền của V-League cũng được nâng lên, mà người được hưởng lợi ở đây là các CLB.

Nếu có truyền hình trực tiếp thì các CLB có thể bán biển quảng cáo trên sân, có thêm tiền bản quyền truyền hình để trang trải chi phí cho CLB, bởi 60% giá trị bản quyền truyền hình của trận đấu mà VFF bán cho AVG sẽ chảy vào túi các CLB dự V-League.

 Trong “cuộc chơi” với AVG, VFF không còn bị lép vế như trước đây mà chủ động hoàn toàn.

* Liệu có sợ hớ không vì nếu trong 10-15 năm tới V-League phát triển vượt bậc?

- Có một chi tiết trong hợp đồng tôi nghĩ rất thú vị, đó là VFF và AVG sẽ cố gắng miêu tả những sự việc sẽ xảy ra trong thời gian diễn ra hợp đồng. Nếu giá cả thị trường có nhiều biến động, tình hình bóng đá trong nước có thay đổi mà các điều khoản trong hợp đồng hiện nay không có thì hai bên sẽ làm việc với nhau để bàn bạc, sửa đổi hợp đồng cho phù hợp.

Không có chuyện VFF bị thiệt, hớ và cũng không có chuyện mặt bằng chung của VFF không cao bằng mặt bằng chung của xã hội để chúng tôi không nhìn nhận được vấn đề khi đặt bút ký vào hợp đồng.

Tôi dám chắc không có hợp đồng kinh tế nào hay nền kinh tế nào có sự phát triển cao và đều đặn 10%/năm như hợp đồng VFF ký với AVG. Tôi không quan tâm đến thời hạn 10 hay 20 năm mà quan trọng là các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng.

Nếu có sự biến động hay những tình huống chưa tiên lượng được xuất hiện, hai bên sẽ ngồi lại để bàn bạc và có thể sửa đổi hợp đồng để có lợi cho đôi bên chứ không có chuyện một bên lợi, còn VFF bị thiệt.

Người nghèo không xem được tuyển VN

Đó là phản ảnh của khá nhiều người dân ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt ở khu vực Cần Thơ. Dĩ nhiên, đó là những người dân nghèo không có khả năng để thuê bao truyền hình cáp hoặc mua đầu thu kỹ thuật số. Với chiếc tivi bắt sóng ăngten trời, những người dân nghèo này đã không thể xem được các trận đấu vừa qua của đội tuyển VN tại AFF Cup 2010!

Chúng tôi đã nêu vấn đề này với phía VTV và nhận được câu trả lời từ bộ phận kỹ thuật của đài này tại Hà Nội như sau: Việc tiếp sóng là của các đài địa phương. Trong trường hợp những người dân ở khu vực Cần Thơ không bắt được sóng VTV2, đề nghị hỏi Đài truyền hình VN tại Cần Thơ.

Theo lời hướng dẫn nói trên, chiều 10-12, chúng tôi hỏi ông Phan Quốc Nhân, phó giám đốc Đài truyền hình VN tại Cần Thơ. Và ông Nhân cho biết khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa có máy tiếp và phát sóng kênh VTV2. Hiện nay Đài truyền hình VN đang có kế hoạch đầu tư lắp đặt máy phát sóng nhưng dự kiến đến giữa năm 2011 mới thực hiện được.

Được biết, hai kênh phủ sóng diện rộng trên toàn quốc của Đài truyền hình VN là VTV1 và VTV3. Trong đó, VTV1 là kênh chuyên phục vụ các nhiệm vụ chính trị, thời sự. Còn kênh VTV3 khi ra đời mang nhiệm vụ phát sóng các chương trình giải trí, thể thao.

Tuy nhiên, về sau này VTV3 đã được bán sạch cho các chương trình game show mang nặng tính thương mại, nên hầu hết các trận đấu bóng đá của tuyển VN đều được chuyển qua VTV2. Và VTV2 thì như đã nêu trên, có phạm vi phủ sóng chưa rộng khắp cả nước, khiến những người dân nghèo ở vùng sâu vùng xa đã không có cơ hội thưởng thức, cổ vũ đội tuyển bóng đá đang khoác trên mình chiếc áo mang màu cờ Tổ quốc.

Quang Vinh

Ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc AVG:

“AVG không làm ảnh hưởng quyền lợi người hâm mộ”

* Thưa ông, AVG đã mua bản quyền 20 năm của V-League nhưng cho đến thời điểm này người ta vẫn chưa thấy xuất hiện đài truyền hình số của AVG, trong đó có kênh chuyên về thể thao 24/7 như AVG đã thông báo với các liên đoàn?

- Đúng vậy. Cho đến lúc này hệ thống và kênh truyền hình của AVG trên lãnh thổ VN vẫn chưa ai nhìn thấy vì chúng tôi chưa cung cấp dịch vụ nội dung đến khách hàng. Mặc dù vậy, kênh thể thao của AVG đã được phát sóng thử nghiệm trong thời gian qua và nó sẽ sớm xuất hiện trong hệ thống truyền hình VN.

* Kênh truyền hình số AVG chưa ra đời, vậy người hâm mộ bóng đá sẽ xem V-League ở đâu khi mà AVG là đơn vị duy nhất có bản quyền của giải đấu?

- AVG sẽ chia sẻ bản quyền mua được từ VFF cho các đài phát sóng V-League những năm qua như VTV, VTC, HTV...

Khi bước vào thị trường truyền hình, AVG tâm niệm với các đài khác như thế này: Chúng tôi là những bậc đàn em sinh sau đẻ muộn. Do vậy, công việc của AVG trước tiên chỉ là việc truyền dẫn đến các đơn vị khác. AVG sẽ không làm gì ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các đài khác.

Do vậy, tôi đảm bảo rằng V-League 2011 sẽ vẫn xuất hiện trên các đài truyền hình như các mùa giải trước và AVG không lấy một xu tiền lãi nào khi bán lại bản quyền truyền hình mua được từ VFF cho các đài.

Cho đến khi nào kênh thể thao AVG chính thức đi vào hoạt động và cung cấp dịch vụ cho khách hàng thì việc này mới có sự thay đổi. Còn trước mắt, trong mùa giải 2011 người hâm mộ vẫn có thể xem V-League trên các kênh quảng bá của VTV, kênh của VTC và một số đài khác.

* Thưa ông, bao giờ kênh thể thao AVG sẽ ra đời?

- Điều này tôi không thể nói trước được vì còn phụ thuộc vào việc xây dựng hệ thống nội dung chương trình. Bao giờ chương trình chạy ưng ý chúng tôi mới cho ra mắt khán giả truyền hình.

* Và khi AVG ra đời thì liệu có xảy ra tình trạng sử dụng bản quyền để kinh doanh độc quyền?

- AVG có một nguyên tắc: Không được phép làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người hâm mộ.

K.X. thực hiện

Theo Khương Xuân thực hiện (Tuổi Trẻ)

Email In [+]Cỡ chữ[-]

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới