Clip cảm động với người mẹ bại liệt đơn thân nuôi con thơ.
Chiều 12-3, tại phòng số 2, Khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Thuận nhiều bệnh nhân và người nhà chứng kiến cảnh một cô gái bị liệt nửa người gắng gượng dùng cánh tay lành lặn còn lại vừa khóc vừa gom số đồ đạc ít ỏi vào chiếc giỏ rách nát. Bên cạnh là đứa con trai khôi ngô nhưng xanh xao vừa mới biết đi chập chững khóc ngằn ngặt vì đòi uống sữa.
Đó là Dương Thị Hồng Thắm (27 tuổi) ngụ Tân Hải, thị xã La Gi bị bại liệt một bên do di chứng xuất huyết não. Thắm đã nằm điều trị ở bệnh viện này hơn một năm và là bệnh nhân phục hồi rất tốt. Hiện giờ cô đang muốn thu dọn đồ đạc để về nhà do không có tiền để tiếp tục điều trị.
Khi biết cô gái này thu dọn đồ đạc để về nhà do hết tiền điều trị, nhiều người đã chung tay hỗ trợ được hơn một triệu đồng để cô và con trai tiếp tục ở lại cầm cự.
Mẹ con Thắm tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Thuận
Ví dầu tình bậu muốn thôi…
Cha mẹ làm nông, nghèo đến nỗi không có cục đất chọi chim phải cất nhà ở nhờ trên miếng đất của người hàng xóm. Thế nhưng Thắm luôn có ước mơ cháy bỏng phải học hành đến nơi đến chốn dù hàng ngày phải đi nhặt phân bò bán kiếm tiền.
Lên cấp III, có người thương cho bộ áo dài trắng để mặc đi học, Thắm quý còn hơn cả bản thân mình. Đi học về là giặt ngay rồi lồng vào trong bao nylon khổ lớn treo lên để mưa dột không thể rơi vào. Giờ cái áo đã ngả màu cháo lòng, không mặc vừa nữa nhưng Thắm vẫn treo trang trọng trong góc nhà xem đó là ân nghĩa phải trả.
Ngày nghe tin Thắm thi đậu Đại học KHXH&NV, cả gia đình vừa mừng vừa lo vì không biết lấy đâu ra tiền. Chạy vạy khắp nơi, cuối cùng họ cũng vay được tiền của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngay từ năm đầu bước lên giảng đường, vừa tan trường là Thắm lao vào đủ thứ công việc để kiếm tiền từ giúp việc nhà, giữ em, phục vụ bàn…Cứ thế cho đến khi Thắm tốt nghiệp ra trường và được một công ty bảo hiểm lớn tại TPHCM nhận vào làm công tác pháp chế.
Trong một lần tư vấn cho khách hàng, run rủi thế nào Thắm lại gặp K, người hơn Thắm mấy lớp hiện đang làm thủ kho cho một công ty lớn có trụ sở tại quận 1, TPHCM. Là đồng hương gặp nhau giữa xứ lạ tình cảm đã nhanh chóng nảy nở.
Mang thai đến tuần thứ tám Thắm mới biết và vội vã thông báo cho người yêu. Lập tức K yêu cầu Thắm phá thai vì cho rằng mẹ K sẽ sốc khi biết anh ta quan hệ với Thắm, gia đình nghèo nhất xã. Hơn nữa các cô, cậu, chú của K đều là cán bộ có thế ở thị xã La Gi, K lại một mẹ một con nên cần có thời gian để anh ta thuyết phục gia đình.
Đêm đó Thắm đã khóc rất nhiều và quyết định giữ đứa con trong bụng. Đến tháng thứ sáu khi không thể giấu cái bụng bầu được nữa Thắm làm đơn xin nghỉ việc về quê.
Nghèo còn gặp cái eo
Tháng 11-2013, Thắm sinh con trai nặng 3,1kg. Thằng nhỏ khá khôi ngô, mắt tròn to, da trắng bóc. Cô nhờ cha làm khai sinh lấy họ mình đặt tên cho con là Dương Viết Khang.
Niềm vui mới lóe lên đã vụt tắt. Bảy ngày sau khi sinh con, Thắm bỗng xuất huyết não, liệt hai chi bên trái. Thằng Khang chỉ được bú sữa mẹ đúng một tuần rồi dứt vĩnh viễn. Ngày Thắm nằm cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, K và mẹ anh ta cũng mang một bịch trái cây đến thăm. Vì không bằng lòng với thái độ của hai mẹ con K, mẹ của Thắm yêu cầu mẹ con K rời khỏi phòng. Hai bên đã to tiếng với nhau nhờ có người can ngăn mới vãn. Từ lần đó không thấy K thăm hay gọi điện thoại gì cho Thắm nữa. “Nói cho ngay, lúc đầu cha thằng Khang đều đặn mỗi tháng gởi cho nó một hộp sữa. Đến tháng thư tư thì cắt hết luôn”, mẹ của Thắm chua chát kể.
Thắm cho biết hơn một năm nằm điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền viện phí khoảng 2 triệu đồng/tháng. Riêng cơm nước thì cô xin ăn ở bếp ăn từ thiện tại bệnh viện. Toàn bộ số tiền trên đều do bạn bè cũ của cô thương tình góp cho. Còn thằng Khang, hôm nào ông bà ngoại có người kêu làm mướn thì nó sẽ được lon sữa bò. Không ai kêu làm thì bà ngoại nấu cháo trắng bỏ vào bình thủy qua đêm cho nhừ thành “súp” bón cho nó ăn.
Hơn một tháng nay, bệnh viện chuyển về trụ sở mới, bếp ăn từ thiện không có nên số tiền dành dụm ít ỏi của Thắm hết sạch. Do đó nên Thắm mới quyết định thu xếp đồ đạc quay về nhà chấp nhận sống tàn phế đến suốt đời. “ Hai ba hôm nay thấy nó cứ lấy bánh ngọt ra ăn rồi uống nước mà chẳng thấy cơm cháo gì. Tui hỏi thì nó nói thích ăn bánh ngọt chứ đâu có biết nó đói rã ruột mà không chịu mở miệng ra”, bà Tư, người nhà bệnh nhân cạnh giường bệnh Thắm trách móc.
Nhìn Thắm ôm con chỉ một tay khó nhọc lê từng bước rồi hai mẹ con ngồi bệt xuống sàn ôm nhau hôn cười ngặt nghẽo thương muốn đứt ruột.
Khi được hỏi có muốn nhắn gởi gì đến K không, Thắm lắc đầu nói như tự sự “Em bây giờ không hận, không thù chỉ mong được hồi phục, con trai mạnh khỏe bởi tất cả đều có nhân quả”
Ở góc giường bệnh bé Khang đã ngủ, Thắm cất tiếng ru con lí nhí, lời ru nghe buồn não ruột “Ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu đi…”
Ngoài việc không còn tiền để chữa bệnh, mua sữa cho con hiện nay gia đình Thắm đang gánh món nợ vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã La Gi trước đây Thắm vay đi học đại học chưa trả hết. Bà Đinh Thị Tuyết mẹ của Thắm cho biết gia đình đã làm đơn nhưng vẫn không được khoanh nợ và đến nay số tiền vay cộng tiền lãi được thông báo đến hơn 40 triệu đồng. Trong khi đó theo một cán bộ UBMTTQ xã Tân Hải hiện xã đang tìm đất và kêu gọi để xây dựng cho gia đình Thắm một căn nhà tình thương. |