Vi khuẩn ở Việt Nam mạnh nhất thế giới?

“Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, diễn tiến việc đề kháng kháng sinh vô cùng phức tạp, đã xuất hiện chủng vi khuẩn kháng gần như tất cả các loại kháng sinh hiện hành. Đặc biệt, các loại vi khuẩn ở trong bệnh viện được “tôi luyện” khi tiếp xúc với nhiều loại kháng sinh và có khả năng chống chọi lại mọi loại kháng sinh...”.

TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM nêu lên thực tế các BV đang đối mặt tại buổi Tổng kết 10 năm quản lý sử dụng kháng sinh trong BV vào ngày 28-12.

Các khoa phòng của BV Chợ Rẫy ký cam kết sử dụng kháng sinh hợp lý tại buổi tổng kết 10 năm quản lý sử dụng kháng sinh trong BV. Ảnh: HL

BS Hùng dẫn chứng, ở Bệnh viện Chợ Rẫy bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đa kháng gặp ở tất cả các chuyên khoa, không chỉ Khoa Hồi sức tích cực như ICU.  Điển hình, bệnh nhân 91 (phi công người Anh nhiễm COVID-19) có thời gian dài nằm viện tại 2 BV nhiễm vi khuẩn đa kháng mọi loại thuốc có trong nước, dù có phối hợp 3, 4 loại kháng sinh cũng không diệt được nên BV phải nhập thuốc từ nước ngoài về để điều trị cho bệnh nhân.

BS Hùng cảnh báo với tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi như hiện tại, vào năm 2050 thế giới sẽ có 300 triệu người tử vong do kháng thuốc, gây thiệt hại kinh tế lên đến 100 tỉ đô la. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ vi khuẩn đa kháng cao nhất thế giới.

Theo BS Hùng, khi mắc vi khuẩn đa kháng, người bệnh đối mặt nhiều khó khăn như chi phí thuốc tốn kém, mất thu nhập, thời gian nằm viện lâu đồng nghĩa thất bại điều trị càng gia tăng.

Thực hiện chương trình kiểm soát kháng sinh trong BV, 10 năm qua BV Chợ Rẫy đã áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ. Kiểm soát môi trường sạch vi khuẩn gây mầm bệnh bằng cách thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên các khoa phòng để xác định có bao nhiêu loại vi khuẩn hiện hành, bao nhiêu loại kháng thuốc. Nhân viên y tế bắt buộc phải tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn như 5 bước rửa tay. Bệnh nhân có nhiễm khuẩn đa kháng được cách ly để tránh lây lan cho các bệnh nhân khác. Các khoa phòng đều được tập huấn quy trình thống nhất, chỉ định kháng sinh tránh tràn lan...

Năm 2020, BV cũng ra mắt sách và tại buổi tổng kết đã ra mắt app “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh” để hệ thống quy trình sử dụng kháng sinh cho nhân viên.

Nhờ áp dụng chương trình quản lý này, hiện BV đã giảm tỉ suất nhiễm khuẩn BV còn khoảng 3/1.000 bệnh nhân. BV cũng giảm tỉ trọng sử dụng thuốc kháng sinh từ hơn 20% vào năm 2013 còn 15, 16% vào năm 2019, 2020 và tiết kiệm được hơn 180 tỉ tiền thuốc mỗi năm. 98,6% sử dụng kháng sinh tuân theo hướng dẫn sử dụng kháng sinh của BV. 90-95% BS có giải trình lý do sử dụng kháng sinh hơn 14 ngày, 95-99% không có tình trạng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật khi thực hiện dùng kháng sinh dự phòng trước phẫu thuật heo hướng dẫn của BV.

Tuy nhiên, theo BS Hùng, nguyên nhân đề kháng kháng sinh không chỉ bắt nguồn từ cơ sở y tế mà còn do tình trạng mua bán kháng sinh không kê đơn, sử dụng bừa bãi trong nông nghiệp. Theo thống kê, có trên 88% bà mẹ thành thị từng mua kháng sinh cho con dưới 2 tuổi dùng, còn ở nông thôn tỉ lệ này lên đến 93%.

PGS-TS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy nhận định cuộc chiến chống lại vi khuẩn kháng thuốc còn dài, cần sự nỗ lực, phối hợp đa chuyên ngành và đồng bộ. Trong tương lai, các BV phải đối mặt nhiều thách thức do vi khuẩn đa kháng thuốc còn cao và các chủng kháng thuốc kháng sinh mới. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng xuống cấp, ý thức nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân trước việc phòng vi khuẩn đa kháng ở một số nơi còn chưa cao, sử dụng liều dùng kháng sinh chưa hợp lý....

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới