Ra đời từ năm 2013, sau hơn 10 năm thực hiện, Chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và các tổ chức thành viên với Công an TP.HCM về “Đẩy mạnh toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” (Chương trình 478) đã đạt được nhiều kết quả tích cực đáng ghi nhận.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết chương trình đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; nâng cao nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Bốn kết quả nổi bật, hai tác động lớn
. Phóng viên: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về một số kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới?
+ Ông Phạm Minh Tuấn: Có bốn kết quả nổi bật nhất sau 10 năm thực hiện Chương trình 478. Đầu tiên, nhận thức của hệ thống chính trị và cán bộ Mặt trận được nâng lên trong việc tổ chức thực hiện và tuyên truyền phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cán bộ đã xác định hai việc này là công việc thường ngày, thường xuyên ở cơ sở, làm có chiều sâu chứ không chỉ là phong trào trên mặt giấy.
Thứ hai, thông qua việc tuyên truyền, phong trào đã giúp nâng cao tinh thần tự giác của người dân TP.HCM, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp người dân có ý thức tự giác cùng tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại nơi mình sinh sống.
Thứ ba, nhiều cách làm tự quản của người dân dưới địa bàn dân cư được các cơ quan, ban ngành thẩm tra, thẩm định và hình thành mô hình tự quản trong nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự chung ở địa phương.
Thứ tư, công tác phối hợp giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 478 ngày càng được nâng cao, đã có sự phân công trách nhiệm cụ thể ở từng ngành, từng giới và tất cả đều phải chịu trách nhiệm cùng tham gia nhân rộng các mô hình.
Đơn cử như mô hình “Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ” do Liên đoàn Lao động đang triển khai cũng xuất phát từ cách làm tự quản của các công nhân lao động và Liên đoàn Lao động sẽ chịu trách nhiệm nhân rộng mô hình.
. Vậy những kết quả đó đã tác động như thế nào đến tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, thưa ông?
+ Thực hiện Chương trình 478 thành công đã góp phần kéo giảm phạm pháp hình sự trên địa bàn TP. Năm 2013, TP.HCM xảy ra hơn 6.200 vụ, đến năm 2022 con số này là hơn 4.200 vụ, giảm hơn 31%. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng đã được Đại hội Đảng bộ TP khóa XI đề ra.
Nhìn rộng hơn, những kết quả đó đã giúp thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài đến với TP. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư trước khi đến với TP.HCM, họ sẽ xem môi trường an ninh trật tự như thế nào, có thể đầu tư hay không. Bởi không có doanh nghiệp nào đầu tư ở một TP bất ổn về chính trị và an ninh trật tự.
Ngoài ra, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” phát triển mạnh mẽ đã tạo môi trường sống lành mạnh về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho TP.
Đây cũng là điều kiện để TP.HCM phát triển kinh tế, thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào đầu tư tại TP.HCM. Năm 2013, vốn FDI vào TP.HCM đạt hơn 2 tỉ USD. Đến năm 2023, con số đã tăng gần gấp ba lần, đạt 5,85 tỉ USD. TP.HCM hiện cũng là địa phương thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất cả nước.
Tạo động lực để người dân tiếp tục tham gia phong trào
. Nhiều cá nhân là người dân, cán bộ Mặt trận, các ban ngành, đoàn thể, công an… ở cơ sở đang đóng góp rất lớn vào thành công của Chương trình 478. TP.HCM sẽ làm gì để tiếp tục khuyến khích đội ngũ này, thưa ông?
+ Tôi cho rằng người dân, cán bộ khi tham gia phong trào không phải vì muốn được khen thưởng mà vì họ mong sẽ góp phần vào quá trình xây dựng, phát triển địa phương. Chính quyền TP.HCM rất trân quý tình cảm này.
Chúng tôi cũng rất mong đội ngũ này sẽ tiếp tục đóng góp vào thành công chung của Chương trình 478 nói riêng, đảm bảo tình hình an ninh trật tự TP.HCM nói chung.
TP sẽ có những giải pháp tạo động lực để khuyến khích họ cống hiến. Ngoài ra, MTTQ Việt Nam TP.HCM, các tổ chức thành viên, Công an TP.HCM sẽ rà soát, đề nghị địa phương, cơ sở đề xuất khen thưởng đột xuất cho những cá nhân có thành tích vượt trội, nổi bật.
. Theo báo cáo kết quả 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, nhiều mô hình chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Nguyên nhân do người dân còn e ngại, chưa tích cực tham gia tố giác tội phạm. Vậy Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 478 sẽ làm gì để khơi dậy tinh thần này?
+ Chúng tôi sẽ tăng cường công tác tập huấn kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, nhất là cán bộ cơ sở, cảnh sát khu vực… trong việc tiếp nhận phản ánh của người dân. Muốn người dân tham gia, phản ánh thì mình phải tăng cường tuyên truyền để người dân biết địa chỉ khi có vấn đề cần phản ánh.
Để người dân không còn e ngại trong việc phản ánh những tiêu cực về tình hình an toàn, an ninh xã hội, chúng tôi cũng sẽ có những biện pháp để bảo vệ họ. Điều này là rất quan trọng. Ngoài bảo vệ bí mật cho người phản ánh thì cán bộ cũng phải khéo léo trong giải quyết phản ánh, tránh tạo ra những bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
Đặc biệt là cần giải quyết kịp thời những phản ánh của người dân. Việc này có thể thuộc thẩm quyền của nhiều cấp nhưng dù ở cấp nào, khi người dân phản ánh thì cần quan tâm giải quyết kịp thời. Khi đó mới có thể khơi dậy mạnh mẽ tinh thần góp ý của người dân.
Song song đó là tăng cường vai trò giám sát của hệ thống Mặt trận liên quan trong giải quyết các phản ánh của người dân. Có những phản ánh không chỉ giải quyết một ngày, một bữa là xong mà cần phối hợp điều tra, khám phá. Vai trò của Mặt trận ở đây là quyết liệt đeo bám, theo dõi quá trình giải quyết những kiến nghị của người dân.
Để phong trào ngày càng lan tỏa, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động mỗi người dân cùng tham gia, để họ là một chiến sĩ trên Mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mỗi người dân chính là tai mắt của chính quyền, nếu không phát huy được vai trò của người dân thì hiệu quả phong trào đạt được sẽ không cao.
Khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước trong nhân dân
. Vậy TP.HCM sẽ đổi mới như thế nào để giúp phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” đi vào hiệu quả trong thời gian tới?
+ Hiện chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp cụ thể. Trong đó đặc biệt cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Cùng với đó, thường xuyên phối hợp rà soát, đánh giá hiệu quả của từng mô hình, tổ chức tự quản, có kế hoạch phát triển, phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ về an ninh trật tự.
Quan trọng hơn cả, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; động viên, khích lệ người dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa lực lượng công an, MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện phong trào, đưa phong trào ngày càng lan tỏa rộng rãi.
. Xin cảm ơn ông.
Người dân đã cung cấp hơn 270.000 nguồn tin giá trị
10 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã phối hợp với lực lượng công an và các ban ngành, đoàn thể để tổ chức gần 400.000 buổi tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” với hơn 11 triệu lượt người tham dự.
Nhân dân đã cung cấp cho các cơ quan chức năng 271.151 nguồn tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật (trong đó có 121.496 tin có giá trị). Lực lượng công an đã xác minh, làm rõ 35.463 vụ việc, bắt giữ 38.089 người và thu hồi tài sản hơn 86,9 tỉ đồng.
Người dân cũng trực tiếp bắt 6.686 kẻ phạm tội quả tang, thu hồi tài sản hơn 60 tỉ đồng; giao nộp 304 súng các loại, 5.916 viên đạn, 44 lựu đạn, 16 kíp nổ, 14.828 công cụ hỗ trợ, dao lê, mã tấu và hung khí tự tạo khác; cung cấp tin và phối hợp cùng công an bắt hơn 800 kẻ có lệnh truy nã.