LTS: Giúp đỡ những mảnh đời, những phận người từng có quá khứ lầm lỡ sớm tái hòa nhập với cuộc sống đời thường; hỗ trợ chăm lo cho người dân trong những ngày dịch dã căng thẳng; giúp đỡ, chia sẻ với người khó khăn hơn mình... đó là những hoạt động mang lại nhiều ý nghĩa từ việc thực hiện các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức 10 năm qua. Điều đó đã góp phần xây dựng nếp sống ở các khu dân cư TP.HCM ngày càng văn minh, an toàn hơn…
Pháp Luật TP.HCM mời độc giả theo dõi loạt bài “Vì một TP.HCM an toàn, bình yên”.
*****
Những năm qua công tác xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và các tổ chức thành viên chủ trì phối hợp với Công an TP.HCM thực hiện đã góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn TP. Hiện có 10 mô hình đang hoạt động có hiệu quả và 5+1 là một trong những mô hình đó.
Mô hình 5+1 được thành lập với nhiệm vụ, chức năng là quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người sai phạm tại cộng đồng dân cư trở thành người tốt, có ích cho xã hội (do năm bên cùng phối hợp thực hiện gồm: Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên và lực lượng công an). Qua 10 năm thực hiện, mô hình này đã cảm hóa bao con người từng một thời lầm lỗi phấn đấu vươn lên tái hòa nhập cộng đồng.
Từ quá khứ bất hảo trở thành người cảm hóa
Tối một ngày tháng 4, em Nguyễn Hoàng Minh (18 tuổi, ngụ quận 8) cùng các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Lân sư rồng Long Việt có buổi biểu diễn tại đình Phú Thạnh, quận 3.
Trong nhịp trống lân rộn rã, em Minh hòa mình nhảy múa cùng các anh em. Công việc trong đội múa lân không chỉ mang lại thu nhập mà còn giúp em có thêm một gia đình. “Em nghỉ học từ năm lớp 6, ngày trước em quậy phá, chuyện gì cũng dám làm nhưng từ ngày theo anh Lộc vào đội lân thì mọi thứ đã thay đổi, giờ em đã tự lo được cho cuộc sống của mình” - em Minh nhớ lại.
Anh Lộc trong lời kể của em Minh là anh Lục Minh Lộc (35 tuổi), đội trưởng CLB Lân sư rồng Long Việt, thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên phường 14, quận 8.
Thành lập hơn 10 năm qua, đội lân của anh Lộc đã giúp đỡ khoảng 60 thanh thiếu niên từng có quá khứ bất hảo, diện gia đình khó khăn và dang dở việc học hành. Vậy nhưng ít ai biết rằng trước khi trở thành anh cả của CLB Lân sư rồng Long Việt, anh Lộc cũng từng có một quá khứ bất hảo. “Hồi đó tôi ăn chơi, quậy phá lắm, đua xe, đánh nhau… cái gì cũng từng thử. Nếu không tỉnh ngộ thì không biết cuộc đời tôi giờ ra sao” - anh Lộc nói.
Khi đó, thấy anh Lộc thuộc diện thanh niên chậm tiến, các cán bộ ở phường 14 đã giới thiệu anh về trông xe ở UBND phường để có công việc ổn định. “Cuộc đời tôi sang trang từ ngày ấy. Các anh chị đã khuyên răn, dạy bảo tôi những điều hay lẽ phải và tôi thấy cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn” - anh Lộc kể.
Sau đó, được sự gợi ý từ các cán bộ, anh Lộc thành lập CLB Lân sư rồng Long Việt. Những ngày đầu hoạt động, “cái khó, cái cực, cái khổ” nào anh Lộc cũng đều trải qua, cũng nhờ MTTQ Việt Nam phường 14 hỗ trợ mà anh có thêm kinh phí duy trì đội lân.
“Tôi luôn nghĩ phải tìm cách làm thật tốt, giúp đỡ các em có hoàn cảnh từng giống mình để đền đáp những tấm chân tình mà mọi người dành cho tôi. Đó là lời cảm ơn tốt nhất” - anh Lộc tâm tình.
Trong đội lân có những em nhỏ tuổi tầm 13-14, nghỉ học sớm và được cha mẹ gửi gắm vào đây. “Trước khi vào đội, tôi bảo các em muốn gia nhập thì phải là người tốt. Tôi sẽ giới thiệu công việc hoặc cho các em đi học nghề để có việc làm ổn định sau này” - anh Lộc kể.
Từ việc đi múa lân, anh Lộc đã thành lập một quỹ chung để dành tiền mua gạo gửi về cho gia đình các thành viên hằng tháng; hỗ trợ các em đủ 18 tuổi thi bằng lái xe, học nghề…
MTTQ Việt Nam và các đoàn thể phường 14 cũng nhiều lần hỗ trợ, giới thiệu để các thành viên đội lân giữ xe tại phường, giúp anh Lộc vay vốn ưu đãi để mua xe tải vận chuyển nhà thuê… kiếm thêm thu nhập.
CLB Lân sư rồng Long Việt từ khi ra đời đến nay đã trở thành mái nhà của nhiều anh chị em. Hiện nay có khoảng 30 thành viên hoạt động cố định, những người còn lại đều đã trưởng thành, có gia đình và việc làm ổn định. “Thấy cuộc sống của các em tốt hơn, tôi cũng hạnh phúc” - anh Lộc chia sẻ.
Cái “nghiệp” với công tác hỗ trợ người lầm lỡ
Có lẽ niềm vui khi nhìn thấy những người từng lầm lỡ nay được tái hòa nhập vào đời sống là niềm vui chung của tất cả cán bộ làm Mặt trận.
Trò chuyện với chúng tôi, đôi mắt bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 1 (phường 9, quận 4), bừng lên nhiều cảm xúc, giọng nói đầy tự hào khi nhắc về anh Trương Minh Tấn, một trong những trường hợp làm lại cuộc đời thành công trên địa bàn quận 4.
Anh Tấn (40 tuổi) từng có thời gian bị bạn bè xấu lôi kéo sa ngã vào con đường nghiện ngập. Nhớ lại hai năm đấu tranh để cai nghiện tại nhà, anh vẫn không khỏi bàng hoàng. “Hai năm đó là quá trình rất dài và tôi đã phải rất quyết tâm để từ bỏ. Bây giờ cuộc sống của tôi thay đổi nhiều lắm, tôi thấy thoải mái và lạc quan hơn” - anh Tấn rạng rỡ kể.
Bà Phương là người đã đồng hành cùng anh trong suốt hành trình tái hòa nhập cộng đồng sau đó. MTTQ Việt Nam phường 9 đã kết nối và giúp đỡ để anh Tấn được làm bảo vệ tại một tiệm thuốc trên địa bàn.
“Cô Phương và các anh chị ở phường đã thay đổi cuộc đời tôi, vừa động viên tôi vượt qua quãng thời gian khó khăn, vừa giới thiệu để tôi có công ăn việc làm” - anh Tấn xúc động nói lời cảm ơn.
Ngồi cạnh anh Tấn, bà Phương bảo anh Tấn rất nghị lực. Bởi thời gian đầu khi tiếp cận, hình ảnh anh Tấn trong mắt bà là người e dè, lặng lẽ và ít nói. “Khi đó Tấn không nói chuyện gì, chỉ ngồi một góc lặng lẽ” - bà Phương nhớ lại.
Thế rồi sau gần một tháng kiên trì, bà Phương đã dần hiểu hơn về anh Tấn. “Tấn rất có nghị lực và thương yêu gia đình. Sau khi tái hòa nhập, Tấn tham gia giúp đỡ nhiều phong trào ở địa phương như trao quà cho người nghèo, chăm sóc cây xanh… rất đáng quý” - bà Phương kể.
Dẫu vậy, ngót nghét 10 năm tham gia mô hình 5+1, bà Phương cũng gặp nhiều trường hợp tái vi phạm, thế nhưng chưa một lần bà nghĩ sẽ dừng công việc giúp đỡ, cảm hóa… những người từng lầm lỗi ấy.
“Tôi nghĩ đó là cái “nghiệp”, khi nghe có trường hợp tái lại thì rất buồn nhưng tôi chưa từng nản, tôi rất thương quý họ. Đây cũng là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước phân công nên tôi biết bản thân phải cố gắng hết lòng” - bà Phương bộc bạch.
Thấu cảm khi giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỡ
Trong năm 2022 và 2023, phường 14, quận 8 giúp đỡ, giáo dục, cảm hóa hàng chục người từng lầm lỗi trở về với địa phương. Trong số này có trường hợp của anh Nguyễn Văn Triệu (36 tuổi), trở về nơi cư trú sau khi cai nghiện.
“Do tôi khi đó không vượt qua được những cám dỗ thường tình nên đã mắc sai lầm. Giờ sửa rồi, về nhà cũng ngại gặp mọi người nhưng may mắn có cô Soan hay qua lại giúp đỡ tôi và gia đình” - anh Triệu mở lời.
Khi anh Triệu mới trở về địa phương, bà Huỳnh Thị Thu Soan, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 14, nhiều lần đến nhà thăm hỏi nhưng rồi lại phải lặng lẽ ra về vì anh ngại gặp cán bộ. Thế nhưng qua thời gian, những cuộc thăm hỏi thân mật, những lời động viên của bà Soan dần khiến anh Triệu mở lòng hơn. Bà Soan còn gửi quà, nhu yếu phẩm và giúp gia đình anh Triệu sửa lại căn nhà cấp 4 lụp xụp vốn đang dựng tạm bằng bìa carton.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Soan cũng nhiều lần bày tỏ niềm vui khi thấy cuộc sống của anh Triệu đang thay đổi tốt hơn mỗi ngày. “Giờ Triệu đã thoát khỏi diện quản lý, công việc dù chưa ổn định, ai gọi gì làm nấy, lâu lâu đi phụ hồ nhưng cũng có đồng vào đồng ra” - bà Soan kể.
Anh Triệu là một trong những người được hỗ trợ tái hòa nhập thành công mà bà Soan đã từng giúp đỡ. Hơn 10 năm tham gia mô hình 5+1, bà Soan đã trải qua bao cảm xúc. Bà đã từng rất hạnh phúc khi nhìn thấy nhiều người lầm lỡ có cuộc sống ổn định nhưng cũng trăn trở khi có người tái vi phạm.
“Khi làm công việc này, nhiều người hỏi tôi “bộ không sợ hả” nhưng tôi luôn nghĩ đó là nhiệm vụ và đặt trách nhiệm lên trên để hỗ trợ, giúp đỡ họ sớm hòa nhập với cuộc sống đời thường” - bà Soan nói.
Theo bà, tùy theo từng đối tượng mà cán bộ Mặt trận phải có cách tiếp cận khác nhau. Quan trọng nhất là phải hiểu về hoàn cảnh, thường xuyên thăm hỏi để biết họ cần giúp đỡ gì, đang gặp khó khăn về điều gì.
“Bản thân mình phải thấu cảm khi tiếp cận với họ, làm thân, giúp đỡ rồi sẽ cảm hóa, giáo dục được” - bà Soan giãi bày.
*****
Ông NGÔ QUANG TUẤN, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 14, quận 8:
Mô hình 5+1 là điểm mới, điểm sáng
Mô hình 5+1 là điểm mới, điểm sáng của quận 8. Để mô hình thực hiện thành công là nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy phường, sự phối hợp đồng bộ, chung tay của MTTQ Việt Nam phường, các ban ngành đoàn thể với Công an phường 14. Tất cả đều có chung một tôn chỉ hoạt động là giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi sớm hoàn lương để họ trở thành người có ích.
MTTQ Việt Nam phường và ban ngành, đoàn thể cũng thường xuyên tổ chức chăm lo, hỗ trợ các nhu yếu phẩm hai đợt/năm; hỗ trợ tạo sinh kế… Phía công an phường sẽ phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật, an ninh trật tự cho những người lầm lỗi. Trong đó, tổ chức tuyên truyền tập trung hai lần/năm do trưởng Công an phường 14 chủ trì.
MTTQ Việt Nam còn phối hợp với Công an phường 14 tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với người lầm lỗi mỗi năm một lần để lắng nghe tâm tư, xem họ cần hỗ trợ gì về CCCD, số định danh, giấy tờ tùy thân… để xử lý ngay.
Ngoài ra, hằng tháng, hằng quý các đơn vị sẽ tổ chức họp đánh giá định kỳ xem các cá nhân được giao quản lý đã chuyển biến thế nào, có biểu hiện tái vi phạm hay không… Nếu sau một năm họ có tiến bộ thì sẽ đề xuất với lãnh đạo phường ra quyết định công nhận tiến bộ và đưa ra khỏi danh sách quản lý.
10 năm thực hiện mô hình 5+1 cũng là cả quá trình “trở mình” của địa phương. Quận 8 ngày càng phát triển về cả mặt cơ sở hạ tầng đô thị và đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm. Riêng phường 14, tình hình tội phạm an ninh trật tự và tội phạm ma túy đã có nhiều chuyển biến tích cực.
-----
Ông CAO TUẤN ANH, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 4:
Lập quy trình bài bản để giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỗi
Vừa qua, chúng tôi đã có đợt khảo sát lại về tính hiệu quả của mô hình 5+1, sau đó tham mưu lãnh đạo có văn bản định hướng, chỉ đạo lại công tác này toàn diện và hệ thống hóa thành quy trình bài bản, đồng bộ.
Để hạn chế việc người lầm lỗi tái vi phạm, quận 4 dự kiến thành lập “Tổ vươn lên” tại các phường. Những bạn tích cực tiêu biểu đã được đưa ra khỏi diện quản lý sẽ vào sinh hoạt tại tổ này để cùng nhau chia sẻ, động viên lẫn nhau không quay lại đường cũ. Qua đó cũng khuyến khích những tấm gương tốt này quay lại hỗ trợ các bạn đang nằm trong diện cần giúp đỡ.
MTTQ Việt Nam quận cùng Công an quận 4 đã ký kết quy chế phối hợp và đang có sự phối hợp khá tốt, đồng bộ từ quận xuống phường. Tất cả các khâu chúng tôi đều có quy trình rõ ràng, có bộ tiêu chí thống nhất, cụ thể. Qua đó, việc thực hiện mô hình 5+1 tại quận 4 ngày càng hiệu quả.
Từ năm 2015 đến nay, quận 4 đã cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 278 người, trong đó có 84 người tiến bộ; hỗ trợ vốn cho 23 trường hợp; giới thiệu cho 93 trường hợp có việc làm ổn định…