Tranh luận việc tách riêng án người lớn và trẻ chưa thành niên

(PLO)- Các đại biểu ủng hộ việc tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đồng thời đảm bảo mọi điều riêng tư của trẻ em.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-6, tiếp tục kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng, quy định tại Điều 53 dự thảo luật.

Tranh luận việc tách riêng án người lớn và trẻ vị thành niên tách vụ án hình sự
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình). Ảnh: PHẠM THẮNG

Chỉ cần nói “cháu xin lỗi bạn và bồi thường cho bạn…”

Nêu ý kiến, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) thể hiện sự đồng tình với phương án 2. Theo ông Thịnh, BLTTHS quy định chỉ có tòa án mới có thẩm quyền xét xử, quyết định một người có phạm tội hay không, quyết định loại hình phạt và mức hình phạt áp dụng đối với người phạm tội…

“Cần quy định duy nhất tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng sau khi đã đánh giá toàn diện vụ án và các điều kiện theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra, VKS có quyền đề nghị tòa án áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là phù hợp” - ông Thịnh đề nghị.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) lại bày tỏ nhất trí với phương án 1, tức ba cơ quan điều tra, VKS, tòa án đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại mỗi giai đoạn tố tụng. Riêng biện pháp giáo dục tại trường giáo dục, giáo dưỡng, theo ĐB phải do tòa án quyết định.

“Quy định này để kịp thời áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên khi đã đủ điều kiện theo quy định, giảm tải công việc cho tòa án, hạn chế các thủ tục không cần thiết” - bà Tâm nhìn nhận.

tach-vu-an-hinh-su-dai-bieu-nguyen-thi-thuy.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn). Ảnh: PHẠM THẮNG

Chia sẻ thông tin tại phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho hay vào năm 2015, QH thông qua BLHS với sự ra đời của ba biện pháp khiển trách, hòa giải và giáo dục tại cộng đồng, nhằm xử lý chuyển hướng và sớm kết thúc quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự. “Khi đó, các cơ quan tố tụng rất hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều cháu được áp dụng các biện pháp nhân văn này” - bà Thủy nói.

Tuy nhiên, qua sáu năm thi hành, trên phạm vi cả nước chỉ có 35 cháu được áp dụng, trung bình chỉ khoảng sáu cháu/năm.

“Chia sẻ với chúng tôi, các cán bộ tố tụng cho biết không phải các cháu không đủ điều kiện áp dụng mà bởi vì pháp luật hiện hành quy định trong một biện pháp có quá nhiều biện pháp cụ thể kèm theo và có quá nhiều nghĩa vụ phải thực hiện. Điều này dẫn đến các cháu và bản thân gia đình cũng đề nghị xin không được áp dụng (biện pháp chuyển hướng)” - ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho hay.

P3-chanh-an-nguyen-hoa-binh.jpg
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Trao đổi thêm sau đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thông tin ban đầu, dự luật quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng giao cho ba cơ quan ở ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Sau đó, dự thảo bổ sung thêm phương án 2.

Tuy nhiên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay các chuyên gia của Liên hợp quốc khuyến cáo áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng để “nhẹ nhàng”, giúp các cháu không bị mặc cảm phải ra tòa vì khi ra tòa rất nặng nề và để linh hoạt.

“Phải bồi thường hay phải xin lỗi thì cơ quan điều tra chỉ cần nói “cháu đi xin lỗi bạn xong về có gì bồi thường cho bạn”. Đi phá siêu thị, đập vỡ cửa kính xe là phạm tội nhưng các cháu xin lỗi, đi bồi thường là xong, không phải ra tòa nên linh hoạt” - ông nói.

tranh-luan-viec-tach-rieng-an-nguoi-lon-va-tre-vi-thanh-nien-nguyet-thu.jpg
ĐB Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh). Ảnh: PHẠM THẮNG

Điều 53 dự thảo đang đề xuất hai phương án liên quan đến thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng.

Phương án 1: Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, viện trưởng, phó viện trưởng VKS có thẩm quyền áp dụng 11 biện pháp xử lý chuyển hướng, trừ biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Thẩm phán, HĐXX có thẩm quyền áp dụng cả 12 biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại luật này.

Phương án 2: Tòa án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại luật này theo đề nghị của cơ quan điều tra, VKS.

Tranh luận tách vụ án có người lớn và trẻ vị thành niên phạm tội

Một nội dung khác còn ý kiến khác nhau là có nên tách vụ án hình sự có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên để giải quyết độc lập.

ĐB Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) ủng hộ quy định tại dự thảo về việc “tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội”. Bà Thu cho rằng việc này sẽ đảm bảo nguyên tắc giải quyết nhanh chóng, kịp thời, ưu tiên thủ tục tố tụng rút gọn, vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, khi tách vụ án, người chưa thành niên phạm tội sẽ được áp dụng các thủ tục thân thiện. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thẩm phán giải quyết vụ án, điều tra viên, kiểm sát viên phải là người có am hiểu, có kinh nghiệm giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên và hiểu tâm lý của trẻ…

Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng việc tách vụ án còn nhằm đảm bảo mọi điều riêng tư của trẻ em… Mặt khác, nếu giải quyết chung trong một vụ án, bà Thu còn lo ngại tại tòa, nếu kẻ chủ mưu cầm đầu là những đối tượng nguy hiểm, côn đồ, lưu manh… sẽ có những tác động tâm lý làm cho các em lo sợ, không dám khai đúng sự thật…

nguyen-thanh-sang-tphcm.jpg
ĐB Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

Tranh luận, ĐB Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) cho rằng quy định này “không hợp lý”. “Tách vụ án hình sự sẽ dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá toàn diện vụ án” - phó viện trưởng VKSND TP.HCM nói.

Ông Sang dẫn chứng vụ án có năm bị can phạm tội cướp giật, trong đó đối tượng vị thành niên cầm đầu. Trường hợp tách vụ án thì phải tách từ giai đoạn điều tra, điều này dẫn tới tài liệu để xét xử đối với bị cáo người chưa thành niên và các đối tượng khác sẽ rất khó khăn. “Việc xét xử chung là cơ sở để HĐXX đánh giá toàn diện vụ án. Tất cả tài liệu đều được thẩm tra công khai tại phiên tòa” - vẫn lời ông Sang.

Trước lo ngại việc gộp chung sẽ làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án với người chưa thành niên, ông Sang cho rằng người chưa thành niên có quy định giam riêng. Cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và giao cho UBND xã, phường, thị trấn quản lý giáo dục…

Về nội dung này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng nếu không “tách án” sẽ vi phạm một loạt các nguyên tắc nhân văn chúng ta đã đề ra. “Phải kéo dài thời gian xử lý vụ án; việc điều tra, truy tố, xét xử trong môi trường thân thiện không được thực hiện…” - ông Bình nói.

Trước băn khoăn về việc “các cháu có phải ra tòa lần thứ hai hay không với tư cách người làm chứng”, Chánh án Bình khẳng định “nhân chứng không phải lúc nào cũng ra tòa”.

Về ý kiến lo ngại “vụ việc có được thẩm định công khai tại phiên tòa hay không”, Chánh án Bình đáp các cháu đã có một phiên tòa xét xử, khi đó toàn bộ các chứng cứ của quá trình điều tra đã được thẩm tra công khai. Bản án đối với các cháu nếu có hiệu lực pháp luật mặc nhiên được sử dụng như tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa thứ hai. “Các cháu không nhất thiết phải ra tòa lần nữa” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay.

Trẻ vị thành niên còn non nớt nên dễ bị ảnh hưởng

Phát biểu tại nghị trường, ĐB Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) nêu quan điểm của nhiều học giả phương Tây cho rằng nhà tù là trường ĐH của tội phạm, vì cho phép người phạm tội học hỏi nhiều hơn các mánh khóe và kỹ năng phạm tội cũng như duy trì mạng lưới phạm tội sau này.

“Điều này có thể đặc biệt đúng đối với trẻ vị thành niên do còn non nớt nên dễ bị ảnh hưởng của bạn bè và những thói hư, tật xấu” - ông Hoàn nói. Ông đánh giá các hệ thống tư pháp hình sự riêng biệt, trại giam riêng dành cho người chưa thành niên đã được thiết lập tại rất nhiều quốc gia, một phần cũng do nhu cầu ngăn chặn người chưa thành niên bị ảnh hưởng bởi những người phạm tội người lớn.

P3_box-truong-trong-nghia.jpg
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nêu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nói ông rất ủng hộ mục đích tốt đẹp của sáng kiến lập pháp này, đó là tìm cách để người phạm tội chưa thành niên có điều kiện cải tạo tốt hơn, tìm cách giảm nhẹ tối đa, không cần xử lý hình sự vì cuộc đời của họ còn dài…

Vì ý nghĩa quan trọng như vậy, vị luật sư đến từ TP.HCM đề nghị cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng; đặc biệt là việc liệu có tạo ra một “xu hướng” do người phạm tội chưa thành niên được giảm nhẹ nhiều, được chuyển hướng nhiều nên những đối tượng xấu sẽ lợi dụng chuyện này để xúi giục, dẫn dắt, gài bẫy các em đi vào con đường tội phạm...

nguyen-thi-viet-nga.jpg
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) kiến nghị cần “cân nhắc, cẩn trọng” trong việc xây dựng từng quy định của đạo luật này bởi xu hướng tội phạm đang ngày càng “trẻ hóa”. Theo bà, thực tế, nhiều vụ án được gây ra bởi người chưa thành niên phạm tội mà thủ đoạn và hậu quả để lại vô cùng to lớn, có những vụ gây rúng động xã hội.

“Trước thực tế như vậy mà pháp luật không có những biện pháp, hình phạt phù hợp, nghiêm khắc, đảm bảo tính công bằng sẽ khiến nhân dân bức xúc, mất niềm tin”- bà Nga nói và cũng lo ngại tình trạng nhiều đối tượng thanh niên lợi dụng chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên để lôi kéo, xúi giục, thuê mướn họ thực hiện những hành vi phạm tội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm