Cuối buổi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS 2015 sáng nay, 24-5, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị QH không thảo luận về quy định xử lý trách nhiệm hình sự đối với trẻ em. Thay vào đó, ông Uông Chu Lưu nói Đoàn chủ tịch sẽ gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: "Không nhất thiết đưa trẻ vị thành niên phạm tội vào tù". Ảnh: CHÂN LUẬNN
Tuy vậy, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình muốn tranh luận lại ý kiến của một số đại biểu, đồng thời làm rõ thêm những nguyên tắc trong áp dụng chính sách hình sự với trẻ vị thành niên.
“Cần bảo đảm quyền trẻ em, tương lai của các cháu là rất xác đáng. Tình hình tội phạm đang trẻ hóa cũng đúng. Nhưng tôi muốn tiếp cận ở một góc độ khác”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình mở đầu những phút tranh luận ít ỏi.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đại biểu tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Trong quá trình xây dựng dự luật này, quan điểm của nhiều nước về vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự đối với trẻ vị thành niên đã được tiếp cận và xem xét.
“Với trẻ vị thành niên, dưới 18 tuổi, một là đưa ra nguyên tắc xử lý, hai là quy định độ tuổi. Các nước chủ yếu đề ra nguyên tắc xử lý. Còn chúng ta tranh cãi nhiều về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với hai độ tuổi 14-16 tuổi và từ 16-18 tuổi thì không ổn. Nếu chúng ta bỏ phiếu về độ tuổi mà không tập trung vào chính sách hình sự với trẻ vị thành niên thì cũng không ổn”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Ông cho hay các nước chỉ loại trừ trách nhiệm hình sự đối với trẻ em ở những tội vô ý, còn những tội cố ý thì vẫn xử lý nhưng xử lý thì phải có nguyên tắc.
Tuy vậy, ông cũng nói rằng: Không nhất thiết phải đưa trẻ vị thành niên vào tù và những chính sách hình sự chủ yếu phải được làm rõ, quy định ở Điều 91 của BLSH.
“Nếu chúng ta bỏ phiếu, rồi liệt kê bao nhiêu tội cũng không đủ. Hãy loại trừ trách nhiệm hình sự với các tội mà trẻ em phạm một cách vô ý. Còn các tội khác mà cố ý thì nên xử lý theo những nguyên tắc riêng đối với trẻ vị thành niên”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình kết luận.
Trước đó, nhiều đại biểu cũng phát biểu gay gắt và có những ý kiến xác đáng.
“Nhà tù không phải là nơi tốt nhất cho các cháu”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa của tỉnh Nam Định nói.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa: "Đâu phải cứ áp dụng chế tài nghiêm khắc là giáo dục được trẻ em phạm tội". Ảnh: CHÂN LUẬN
Đại biểu Hoa cho rằng: Trẻ em vị thành niên phạm tội một phần là do tâm lý lứa tuổi, thích thể hiện. Trong khi đó, cứ đưa 10 em vào tù thì có tới năm em tái phạm. “Vậy có phải cứ áp dụng chế tài nghiêm khắc nhất thì sẽ giáo dục được các em hay là sẽ làm cho tỉ lệ tái phạm của các em cao hơn?”, đại biểu Hoa đặt vấn đề.
Dẫn ra ý kiến một chuyên gia tâm lý của Đức, bà Hoa cho hay: Nếu chúng ta muốn các em trở thành người xấu thì cứ đưa các em vào vòng tố tụng và vào tù. Ở Nhật và Úc, theo đại biểu Hoa, trẻ vị thành niên bị xử lý hình sự rất ít nên tỉ lệ tái phạm cũng không nhiều, chỉ 5%-10%.
“Lỗi của các em có một phần là của người lớn, gia đình, nhà trường và xã hội. Chúng ta phải có trách nhiệm với các em về vấn đề này”, đại biểu Hoa nói và đề nghị áp dụng nhiều chế tài về hành chính, giáo dưỡng, chuyển hướng trong hình sự.
15 tuổi mà tham gia băng đảng, có số má thì sao? Dẫn ra chính sách hình sự với trẻ vị thành niên của Pháp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị QH xem xét bốn nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự với trẻ vị thành niên trước khi bỏ phiếu về vấn đề này. Một là: Việc xử lý trách nhiệm hình sự với trẻ em là tăng biện pháp giáo dục, hạn chế các biện pháp cưỡng chế, tù giam. “Nhiều đại biểu cũng nói, đưa trẻ vị thành niên vào tù thì khi ra tù các cháu lại tái phạm. Vì thế phải tuân thủ nguyên tắc này”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói. Hai là: Các phiên tòa xử trẻ vị thành niên phải được xử kín. Ba là: Việc quy định độ tuổi vị thành niên phải do HĐXX quyết định dựa trên nhận thức của trẻ vị thành niên. “Bởi có những trường hợp 14-15 tuổi nhưng nhận thức già dặn hơn 17-18 tuổi. Nếu cố tình thực hiện hành vi đến cùng thì 15 tuổi nặng hơn 18 tuổi. 15 tuổi mà tham gia băng đảng, "có số có má", cố tình thực hiện tội phạm đến cùng thì rõ ràng phải xử lý”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích. Bốn là: Trong trường hợp phải xử lý bằng hình phạt tù thì việc áp dụng hình phạt bằng 1/2 khung. “Nếu chúng ta mạnh dạn hơn thì có thể quy định mức chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 so với khung hình phạt. Nhưng cần quy định cụ thể để tránh việc tùy tiện của HĐXX”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khuyến nghị. |