Ngày 15-4, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Lê Tuấn, Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Long An, cho biết: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang yêu cầu chúng tôi tổ chức họp lấy ý kiến về tín nhiệm tư cách đại biểu đối với ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến. Trong tuần này, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ họp, trên cơ sở lấy ý kiến biểu quyết, chúng tôi sẽ có báo cáo chính thức gửi về Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ QH.
Trách nhiệm xác minh lý lịch thuộc về địa phương
Theo một cán bộ Ủy ban MTTQ TP.HCM, lý lịch của ứng cử viên (ƯCV) khi ra ứng cử ĐBQH phải có xác nhận của địa phương hoặc cơ quan nơi người đó làm việc. Cơ quan chức năng chỉ đi xác minh thông tin ƯCV khai là đúng hay sai nếu có khiếu nại, tố cáo của cử tri. Nếu không có khiếu nại, tố cáo thì không phải xác minh vì trong quy trình cũng không yêu cầu phải đi xác minh. Đây cũng là nội dung trả lời của các cơ quan chức năng tỉnh Long An khi được hỏi về trách nhiệm thẩm tra lý lịch của ƯCV ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, để có được danh sách ƯCV chính thức ra bầu cử thì phải trải qua ba vòng hiệp thương rất chặt chẽ. Thứ nhất là cơ cấu, thành phần, số lượng; lên danh sách sơ bộ ra lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, làm việc rồi mới ra danh sách ƯCV chính thức. “Như vậy, nói rằng địa phương không có trách nhiệm xác minh thông tin trong lý lịch của ƯCV là không đúng” - ông Thuận nói.
Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến tại một kỳ họp QH. Ảnh: TP
Ông Thuận phân tích: Khi đưa ƯCV ra ứng cử ĐBQH thì ủy ban bầu cử ở địa phương phải đảm bảo lý lịch của ƯCV đó phải rõ ràng và không bị vướng mắc gì cả. Ủy ban bầu cử địa phương có tiểu ban nhân sự, họ phải có trách nhiệm thẩm tra tư cách đạo đức, lý lịch… của ƯCV. Những thông tin về lý lịch của ƯCV phải báo cáo ra hội nghị hiệp thương. Nếu ƯCV khai lý lịch như thế nào mà ủy ban bầu cử để nguyên như vậy không kiểm tra lại thì đó là không làm tròn trách nhiệm của mình. Quy trình là những người ra ứng cử phải đảm bảo lý lịch rõ ràng bao gồm trước nhất là người đó khai, nơi làm việc hoặc nơi cư trú của người đó chứng nhận và cơ quan khác (cơ quan cấp ủy, chính quyền, công an) cũng phải làm rõ tiếp. “Nếu làm hết sức rồi vẫn không phát hiện ra thông tin gian dối trong lý lịch của ƯCV mà sau này mới bật ra thì người khai gian dối phải chịu trách nhiệm, còn nếu anh không làm gì hết thì anh phải chịu trách nhiệm” - ông Thuận nhấn mạnh.
Không trung thực, không xứng đáng
Theo Luật Tổ chức QH, ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm. Giải thích về quy định trên, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Ngọc Đường cho rằng dù luật chưa cụ thể hóa việc đại biểu vi phạm ở mức nào thì bị bãi nhiệm nhưng phải nhìn nhận rằng đã là ĐBQH thì phải xứng đáng, phải được cử tri gửi gắm, tin tưởng. “Do đó, khi anh bị mất uy tín với nhân dân, anh vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, khai man hồ sơ lý lịch, gây dư luận xấu trong xã hội thì anh không còn xứng đáng là ĐBQH nữa” - ông Đường nói.
Về quy trình thẩm tra, thực hiện việc bãi nhiệm, ông Đường cho biết theo quy định hiện hành thì Ban Công tác đại biểu của QH sẽ là đơn vị thực hiện việc thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ QH để đề xuất thực hiện việc bãi miễn tư cách ĐBQH. Ngoài ra, kênh thứ hai là căn cứ vào các kiến nghị của Ủy ban MTTQ và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ QH, người dân có thể trực tiếp thực hiện quyền bãi miễn tư cách của các ĐBQH.
“Quy định là thế nhưng do chúng ta chưa cụ thể hóa các quy định ra nên thực hiện việc này rất khó khăn” - ông Đường nói và dẫn chứng, năm 2005, trong nhiệm kỳ QH khóa XI, QH cũng đã họp đi họp lại nhiều lần để xem xét trường hợp của ĐBQH Lê Minh Hoàng (nguyên giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM). Ông Hoàng đã có những vi phạm trong vụ điện kế điện tử và bị khởi tố. Tuy nhiên, để thực hiện việc bãi nhiệm, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã phải dựa vào đề xuất của Ủy ban MTTQ TP.HCM. Tiếp đó, năm 2006, QH cũng đã thực hiện việc bãi nhiệm đối với ông Mạc Kim Tôn, nguyên giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình với cách thức tương tự.
Từ thực tế trên, ông Đường cho rằng cần nhanh chóng cụ thể hóa các quy định để thiết lập cơ chế sao cho người dân có quyền bầu thì cũng có quyền bãi miễn ĐBQH. “Ví dụ như chúng ta quy định bao nhiêu quần chúng nhân dân (nơi bầu đại biểu) có đơn yêu cầu bãi miễn tư cách đại biểu thì phải xem xét thực hiện việc bãi miễn” - ông Đường gợi mở.
Những điểm mờ trong lý lịch Theo báo chí thì lý lịch ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến có nhiều điểm không được khai rõ hoặc bỏ trống. Đáng chú ý là: - Bà Yến đã được kết nạp Đảng tại Chi bộ Phòng Thương nghiệp quận 5 (TP.HCM) ngày 27-11-1986. Đến tháng 4-1992, bà được UBND quận 5 điều động về Phòng Tổ chức chính quyền quận 5 để tạo điều kiện cho đi học. Sau đó, bà chuyển công tác về Trung tâm Phát triển ngoại thương TP.HCM. Từ thời điểm này bà có còn sinh hoạt Đảng hay không, có còn là đảng viên hay không thì không được xác định. Đến năm 2011, mục “ngày vào Đảng” trong hồ sơ ứng cử ĐBQH, bà khai “không”. - Bà Yến khai từng được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2003-2007 và bằng khen của UBND TP.HCM năm 2006, 2007 nhưng thời gian này đuợc xác định là bà Yến đang sinh sống, cư trú ở Mỹ… Chúng tôi không có ý kiến gì về trường hợp ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến. Ủy ban Thường vụ QH cũng chưa có chỉ đạo gì với đoàn. Theo quy định chung, đối với các ĐBQH, muốn xem xét hoặc xử lý đều do Ủy ban Thường vụ QH quyết định. Với tư cách là trưởng đoàn ĐBQH của tỉnh, chúng tôi chỉ có trách nhiệm tập hợp, sinh hoạt đoàn… ĐBQH là do dân bầu ra, chúng tôi đều là đại biểu như nhau, ở đây không có khái niệm cấp trên cấp dưới gì cả. Ông ĐỖ HỮU LÂM, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng đoàn |
NHÓM PV