Vi phạm giao thông: Có nên phạt lao động công ích?

Ngày 25-4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ GTVT chủ trì rà soát để sửa Nghị định 46/2016 theo hướng tăng cao mức phạt đối với người vi phạm giao thông. Đặc biệt, ở một số hành vi vi phạm thì người vi phạm buộc phải lao động công ích.

Phạt vậy dân mới sợ

Biện pháp buộc người vi phạm giao thông phải lao động công ích được nhiều người ủng hộ và cho rằng đây là hình thức phạt mang tính giáo dục cao và tăng mức răn đe.

Anh Trương Minh Luận, tài xế xe tải đường dài, cho biết: “Hiện nay nhiều trường hợp tài xế vi phạm chỉ cần nộp phạt là có thể tiếp tục hành nghề lái xe. Nếu bị buộc đi lao động công ích thì các tài xế mới sợ mà lái xe cẩn thận hơn. Tuy nhiên, phải tính đến chuyện lao động như thế nào cho có ý nghĩa và răn đe được họ. Ví dụ như đi điều khiển giao thông trên đường phố cùng mấy anh CSGT, đi vào bệnh viện chăm sóc bệnh nhân bị tai nạn giao thông, thậm chí dọn vệ sinh ở nhà xác…”.

Đồng tình, anh Tô Thành Thắng, tài xế xe container ở Sóc Trăng, cho rằng nếu việc mất đi một khoản tiền để nộp phạt so với việc bỏ công đi làm công ích và còn bị mất mặt trước nhiều người thì người ta sẽ chọn bỏ tiền ra đóng phạt cao. Và với một số lỗi không thể phạt tiền quá cao thì việc phải đi quét rác, phục vụ công cộng mấy ngày trời sẽ đủ để người vi phạm nhớ đời.

Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP.HCM, cho hay trước đây cũng có nhiều ý kiến đưa ra về hình thức phạt bổ sung lao động công ích đối với người vi phạm hành chính. Tuy nhiên, các ý kiến này vẫn chưa được đưa vào luật. Việc buộc người vi phạm giao thông lao động công ích rất đáng được nghiên cứu thực hiện trong thời gian tới. Cần có những quy định cụ thể như lỗi nào thì bị phạt, phạt trong thời gian bao lâu và đơn vị nào có thẩm quyền để thực hiện hình thức phạt này.

Hiện nay nhiều  tài xế vi phạm chỉ cần nộp phạt là có thể tiếp tục hành nghề lái xe. Ảnh: TUYẾN PHAN

Từng có trong dự thảo luật

Trước kia, tại thời điểm xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, trong dự thảo luật đã bổ sung hình thức xử phạt “buộc lao động phục vụ cộng đồng”. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc trên cơ sở ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, biện pháp này đã không được đưa vào trong luật này khi thông qua.

Luật sư Lê Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng nếu quy định thêm chế tài buộc người vi phạm phải lao động công ích thì phải tính kỹ những nội dung sau: Phải tìm việc gì (có tính công ích) cho người vi phạm làm, quản lý thế nào, cơ quan nào xác nhận việc người vi phạm đã hoàn thành lao động công ích, người ở địa phương này vi phạm giao thông ở địa phương khác thì sẽ xử phạt ở đâu… Quan trọng nhất là phải xây dựng một trình tự, thủ tục để thực hiện hình thức xử phạt, giám sát, xác nhận, kiểm tra, theo dõi.

Một giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: Theo quy định tại Mục 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc sửa đổi Nghị định 46/2016 là do Bộ GTVT có trách nhiệm chủ trì tổ chức nghiên cứu, xây dựng nội dung các điều khoản trong nghị định sửa đổi, bộ này sẽ xây dựng dự thảo sửa đổi, tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, sau đó trình Chính phủ để xem xét, thông qua.

Tuy nhiên, luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng nếu sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2016 theo hướng bổ sung hình thức xử phạt buộc phải lao động công ích thì phải sửa từ trên sửa xuống, tức phải sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 theo hướng bổ sung hình thức xử phạt này vào luật. Khi đó mới có cơ sở để sửa đổi Nghị đinh 46 theo hướng như trên.

Các nước buộc người vi phạm đi lao động công ích ra sao?

Một số nước trên thế giới đã sử dụng hình thức lao động công ích để xử phạt người vi phạm giao thông và biện pháp này đã mang lại hiệu quả đáng kể.

Tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), số vụ vi phạm an toàn giao thông đã giảm ngoạn mục kể từ khi thực thi hình phạt lao động công ích vào tháng 3-2017, theo báo cáo của Sở Tư pháp Abu Dhabi.

Báo Khaleej Times cho biết đã có khoảng 69 tài xế vi phạm an toàn giao thông bị buộc lao động công ích ở các mức độ khác nhau trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8-2017. Người phải đi lao động công ích là người vi phạm giao thông ở những hành vi cụ thể như lạng lách nguy hiểm trên đường, lái xe liều lĩnh, lái xe không có giấy phép, lái xe không có biển số và sử dụng xe để gây tiếng ồn cho cư dân.

Đầu tháng 3-2017, chính quyền Abu Dhabi thành lập cơ quan truy tố đặc biệt đối với những trường hợp bị buộc lao động công ích. Theo đó, những người vi phạm an toàn giao thông có thể bị buộc dọn dẹp đường phố, quảng trường, bãi biển, công viên, các khu bảo tồn thiên nhiên, chăm sóc người khuyết tật, vận chuyển bệnh nhân, dọn dẹp và bảo trì nhà thờ Hồi giáo... hoặc thậm chí phục vụ tại các trạm xăng dầu nhà nước.

Lực lượng công tố viên có trách nhiệm giám sát việc thực thi và báo cáo về việc chấp hành hình phạt công ích của người vi phạm. Nếu không thực hiện tốt, công tố viên có thể đưa họ ra tòa và đề xuất mức án tù tương đương thời gian lao động công ích mà người đó gánh chịu. Các nhà chức trách cho biết lao động công ích thay thế cho hình thức giam giữ đối với những tội vi phạm giao thông ở mức nhẹ, không vượt quá sáu tháng tù giam.

Hình thức xử phạt hiệu quả này cũng đang được giới chức Canada quan tâm như một giải pháp cho những trường hợp vi phạm an toàn giao thông nhưng không đủ tiền nộp phạt. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Canada Andrew Parsons cho biết có đến 20% trường hợp vi phạm không thể trả nổi tiền phạt với tổng giá trị lên đến 37 triệu USD.

Trong khi đó, lao động công ích đã từ lâu được xem là hình thức xử phạt thay thế mức án tù đối với những phụ nữ vi phạm luật giao thông kể từ năm 1996 ở hạt Alameda, bang California, Mỹ. 

KIM NGUYÊN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm