Ngày 11-4, trao đổi với PVPháp Luật TP.HCM, bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho rằng để giảm thiểu tai nạn và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm giao thông cũng là một trong các giải pháp được đưa ra.
Theo bà Hạnh, để xem xét tăng mức xử phạt hành vi vi phạm nào, tổ biên tập cùng các bộ, ngành phải có quá trình nghiên cứu kỹ. “Chúng tôi cũng xác định không thể xem tăng mức phạt là cây gậy thần kỳ được mà cần xem xét một cách tổng thể. Theo kinh nghiệm quốc tế, có nhiều hành vi vi phạm họ phạt rất cao. Ví dụ như Trung Quốc, người lái xe sử dụng rượu bia, khi phát hiện họ sẽ tạm giữ, tạm giam luôn để ngăn chặn tài xế gây ra tai nạn cho người khác, chứ không phải tai nạn rồi mới bị xử lý...
“Tuy nhiên, tất cả mới là đề xuất để xem xét, cái nào phù hợp với Việt Nam và được đánh giá giúp giảm thiểu tai nạn, nâng cao ý thức người dân sẽ lựa chọn để đưa vào khi sửa đổi Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” - bà Hạnh nói.
Trong khi đó, một chuyên gia giao thông cho rằng với tình hình kinh tế-xã hội hiện nay, mức xử phạt giao thông của Việt Nam là phù hợp. Tuy nhiên, cũng cần xem xét tăng chế tài đối với một số hành vi sử dụng các chất kích thích. Ví dụ như hành vi tài xế sử dụng ma túy, sử dụng rượu bia vượt quy định thì phải tạm giữ phương tiện và tài xế luôn để ngăn chặn tai nạn.
“Theo tôi, chúng ta không nên tăng mức xử phạt mà cần có biện pháp nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ như lực lượng CSGT, thanh tra giao thông..., tăng cường xử phạt giao thông qua camera. Nếu ta tìm cách tăng mức phạt thì việc “cưa đôi” sẽ diễn ra nhiều hơn và khó kiểm soát. Việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra các giải pháp để ngăn chặn và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là đáng hoan nghênh nhưng cần phải xem xét ở nhiều khía cạnh…” - vị chuyên gia này nói.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức sơ kết hai năm triển khai Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Tại đây, bà Hạnh cho rằng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40 triệu đồng đối với cá nhân, thấp hơn so với đường sắt, đường thủy nội địa trong khi mức độ nguy hiểm cho xã hội của vi phạm đường bộ không kém hai lĩnh vực còn lại. Vì vậy, cần tăng mức phạt tối đa với cá nhân khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ lên 80 triệu đồng.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đề xuất đối với những người vi phạm giao thông ngoài phạt tiền cần có hình thức phạt lao động công ích, lưu số lần bị phạt để phạt lũy tiến… Với các hành vi nguy hiểm cho xã hội như sử dụng rượu bia, ma túy khi lái xe thì cần có chế tài mạnh hơn. “Chúng ta ra quy định để ngăn chặn vi phạm, chứ không phải tai nạn xảy ra mới xử phạt là quá muộn. Do đó cần sửa luật để có tính răn đe hơn, ví dụ tài xế nồng độ cồn cao gấp 4-5 lần mức quy định thì có thể phạt tù ngay khi phát hiện” - ông Minh nói.
Các ý kiến cũng cho rằng khi sửa Nghị định 46/2016 cần xem xét tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe và tước vĩnh viễn giấy phép lái xe đối với những tài xế gây tai nạn có tính chất nghiêm trọng… |