Vì sao 3 cựu công an ‘bắn nhầm’ dê của dân đối diện tội trộm cắp?

(PLO)- Theo luật sư, việc CQĐT nhanh chóng vào cuộc và khởi tố vụ án trộm cắp tài sản là hợp lý và rất đáng hoan nghênh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, CQĐT Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội trộm cắp tài sản để điều tra hành vi 3 cán bộ công an bắn chết dê của người dân.

CQĐT cũng đã ra quyết định tạm giữ hình sự đại úy Nguyễn Văn Nhân, thượng úy Bùi Đình Việt và thượng úy Bùi Tiến Tùng (ba cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức). Đồng thời, giám đốc Công an TP Hà Nội đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ba công an trên.

Hình ảnh con dê được lấy từ trong ô tô. Ảnh CTV
Hình ảnh con dê được lấy từ trong ô tô. Ảnh CTV

Nếu bị khởi tố tội trộm cắp, 3 cựu công an sẽ đối diện khung hình phạt ra sao?

Theo LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), vụ việc trên CQĐT đã khởi tố tội trộm cắp tài sản là phù hợp. Bởi, những tình tiết ban đầu cho thấy, ba cán bộ công an đã lén lút bắn chết dê của người dân và đưa lên xe chở về. Đây là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó một cách lén lút, nhằm không cho chủ quản lý tài sản biết có việc chiếm đoạt xảy ra.

Về mức hình phạt, theo LS Tuấn, nếu bị truy tố và đưa ra xét xử về tội trộm cắp thì theo Điều 173 BLHS 2015, tùy vào giá trị tài sản bị trộm cắp mà sẽ có mức hình phạt tương ứng. Cụ thể, nếu trị giá tài sản từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp thì sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm...

Đồng tình, Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) cho biết việc công an khởi tố tội trộm cắp là hợp lý. Vì sau khi bắn chết 3 con dê, ba cán bộ đã đưa lên xe để chiếm đoạt thì hành vi này là hành vi tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS 2015.

Về ý kiến cho rằng ba cán bộ công an có dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản theo Điều 178 BLHS 2015, luật sư Hoan cho biết, tội hủy hoại tài sản là hành vi làm cho tài sản bị mất đi giá trị sử dụng hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản đó. Nếu ba cán bộ công an bắn chết nhưng không chiếm đoạt thì mới có thể bị xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, còn ở đây như đã phân tích các cán bộ này bắn và bỏ cốp xe mang về.

Ngoài ra, theo LS Tuấn trong vụ án này, hành vi sử dụng súng tự chế của ba cán bộ công an cũng cần phải xem xét. Bởi khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng... trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo Điều 11 Nghị định 144/2021. Ngoài ra, hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong thời hạn 3-6 tháng.

Ở mức độ nặng hơn, nếu súng tự chế được giám định kết luận là vũ khí quân dụng thì người đó có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chế tạo, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” theo Điều 304 BLHS 2015. Còn nếu được kết luận là súng săn hoặc vũ khí thô sơ hoặc vũ khí thể thao thì người đó có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chế tạo, sử dụng trái phép súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao” theo Điều 306 BLHS 2015, sửa đổi năm 2017.

Cũng theo Luật sư Tuấn, việc CQĐT nhanh chóng vào cuộc và khởi tố vụ án là việc rất hoan nghênh. Điều này thể hiện trách nhiệm của các cơ quan chức năng, tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an và tạo niềm tin với người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm